Mới đây, trên trang cá nhân, chị Phan Hồ Điệp, mẹ của “thần đồng” Đỗ Nhật Nam đã chia sẻ những phát kiến độc đáo và hiệu quả của mình trong việc dạy con.

Từ nhỏ, Đỗ Nhật Nam đã nổi tiếng bởi sự thông minh, nhanh trí, trong đó đặc biệt là khả năng ngôn ngữ. Cậu bé từng đạt 8.0 điểm IELTS và 107 điểm TOEFL (điểm cao nhất 120 điểm). Nhật Nam còn được biết tới như dịch giả trẻ tuổi nhất Việt Nam với các cuốn sách như Mặt trời mọc, mặt trời lặn; Nạp điện; Tôi tư duy, tôi thành đạt; Sống đẳng cấp…Hiện tại, cậu đang là học sinh của trường Saint Paul (Hoa Kỳ).

Đóng góp vào sự phát triển của Nhật Nam không thể không kể tới vai trò của người mẹ - chị Phan Hồ Điệp. Bằng kinh nghiệm của một giảng viên ĐH Sư phạm và tình yêu thương con vô tận, chị đã đưa vào những câu chuyện, trò chơi mỗi ngày nhiều bài học hữu ích và đầy giá trị cho cậu con trai của mình.

{keywords}

Chị Phan Hồ Điệp hạnh phúc bên con trai.

Dưới đây là 8 “phát kiến” trong việc học và chơi cùng con vừa được chị chia sẻ trên trang cá nhân:

“Mình nhớ mình có đọc một câu chuyện, trong đó một cậu bé lúc trưởng thành, khi nghĩ về mẹ của mình, cậu luôn nhớ về việc mẹ cậu đã giúp cậu vượt qua mùa đông giá rét. Vì nhà cậu nghèo, không có nhiều quần áo mặc, người mẹ ấy, mỗi ngày con đến lớp lại rang một túi ngô, đặt trong túi áo ngực của con, dặn con đến khi nào ngô nguội hẵng ăn. Nhiều năm trôi qua nhưng kỉ niệm về gói ngô ấy cứ theo cậu mãi.

Mình cứ ngẫm nghĩ mãi. Hóa ra có những “phát kiến” thật kì diệu. Nó xuất phát từ trái tim người mẹ, ấm áp, ngọt ngào.

Mình cũng có một số những điều đã áp dụng với Nam và thấy rất vui. Phần lớn do mình tự nghĩ ra hoặc có khi mình tham khảo trên kênh truyền hình NHK và thay đổi một chút cho phù hợp với “hoàn cảnh”. Mới đây mình có đọc bài viết trên tạp chí Kyala có nhắc đến một trong số những cách này. Kỉ niệm chợt về đầy ắp. Mình viết ra để chia sẻ cùng các bà mẹ nhé:

1. Sợi dây vô hình: Nam thích chơi ô tô, mà những ô tô kiểu “nguyên thủy” nghĩa là những ô tô đơn giản, không có bộ phận điều khiển lại càng thích. Nam thường mày mò tự trang trí thêm và lấy dây buộc vào ô tô để kéo. Một lần trong lúc chơi, sợi dây bị đứt. Mình bảo, thôi em cứ tưởng tượng là có một sợi dây và kéo đi đâu tùy thích. Như thế, không bị vướng víu em nhỉ. Nam thích chí với trò chơi ấy lắm, cứ tưởng tượng như đang cầm sợi dây và chạy tứ tung, miệng kêu ầm ĩ. Vui quá, mình áp dụng luôn cho … Nam. Mình bảo, mẹ cũng có trong tay “sợi dây vô hình” nhé. Mẹ cầm và dắt em vào nhà tắm, mẹ đưa em ra vườn… Ngạc nhiên là Nam lại thích trò chơi này. Vậy nên, mỗi lần Nam ngại làm một việc gì đó, mình lại giả như đang cầm sợi dây “điều khiển”. Việc này có tác dụng nhất là mỗi sáng thức dậy. Nam đang ngái ngủ mà mẹ “dùng dây” là ngồi bật dậy, líu lo như sáo. Trò chơi “sợi dây vô hình” này kéo dài khá lâu và giúp đỡ mình trong khá nhiều việc đó.

2. Những hình ảnh “diệu kì”: Để Nam yêu cái nhà tắm như yêu cái ban công, yêu khu vườn, yêu gian phòng ngủ, mình học tập trên NHK và có cách sau: Thi thoảng, có những buổi tối mình thường hẹn Nam (có giấy hẹn hẳn hoi nhé, mặc dù Nam toàn phải nhờ bố đọc hộ), đại loại là: Mời bạn đến thưởng thức show trình diễn tuyệt vời từ nghệ sỹ tài ba Hồ Điệp. Địa điểm trình diễn là… nhà tắm. Đúng giờ, mình ăn mặc rất chi là sặc sỡ, giới thiệu rất ấn tượng. Sau đó, mình sẽ tắt hết đèn nhà tắm, chỉ còn một không gian tối om. Mình dùng đèn pin chiếu lên tường nhà tắm. Mình dùng hộp bong bóng và thổi dưới ánh đèn pin. Những bọt bong bóng lấp loáng, bay đầy trong không gian thành những hình thù khác nhau. Để thêm phần hấp dẫn, mình còn miêu tả, rồi hỏi Nam, rồi cùng nhau tưởng tượng. Nói chung, đối với Nam, đây là buổi biểu diễn thú vị và hồi hộp nhất luôn í.

3. Những chiếc băng dính: Ở Nhật, khi trẻ em bị tiêm hoặc lấy ven, sau khi rút kim ra, để giữ cục gạc, họ thường dùng một loại băng dính dành riêng cho trẻ em. Ôi những chiếc băng dính đẹp và dễ thương lắm. Vì thế, chẳng bé nào khóc vì còn mải nhìn những hình thù trên băng dính. Của bé trai thì hình ô tô, hình siêu nhân, hình các nhân vật trong phim hoạt hình. Bé gái thì hình công chúa, hình mèo Kitty… Yêu lắm! Có những bé còn mong được tiêm để được dán hình đó lên tay nữa cơ. Mình học tập ý tưởng này nhưng mình không có những băng dính như vậy, mình phải dùng các hình sticker. Nam ngại đi tất, mình dán hình vào đôi tất. Nam ngại ăn rau, mình dán hình một bạn thỏ đang gặm củ cà rốt lên khay ăn… Mình cũng giữ thói quen này khi Nam học bài. Nếu Nam học tốt sẽ được thưởng những “huân chương” là hình mà Nam thích. Để hình này trở nên có ý nghĩa, mình thường nghĩ ra một câu chuyện nho nhỏ trước khi dán cho Nam và tất nhiên là mình “giấu” kín những hình mà mình có. Chứ nếu để lung tung, thì có lẽ Nam cũng sẽ thấy những hình không còn giá trị nhiều nữa.

4. Giữ tay áo sạch: Ở Nhật mùa đông rất lạnh vì thế phải mặc nhiều áo. Nam thì hay ăn bốc nên thức ăn cứ dây ra tay áo. Mình lấy đôi tất dài, cắt phần dưới, chỉ còn phần bên trên và lồng vào tay áo của Nam. Thế là gọn gàng, có thể bốc thoải mái mà không sợ dây bẩn. Và tất nhiên, mình không quên dán một hình sticker lên đó nữa

5. Sóc ở trong hang: Trò chơi này Nam ấn tượng và có ghi lại trong cuốn sách của mình. Đó là để rèn luyện tính kiên nhẫn trong khi ngồi học, mình cho Nam chui chân vào chiếc bao tải, giả làm “sóc trong hang”. “Sóc” sẽ phải nằm im, nếu ngọ nguậy hoặc đi lại khi chưa đến giờ là sẽ thua. Trò chơi này mình áp dụng khi Nam bắt đầu làm quen với việc ngồi bàn học để học vẽ, học tô chữ.

6. Những lời nhắn dễ thương: Nhà mình luôn có một “Bảng tin”, duy trì từ khi Nam còn nhỏ xíu. Mỗi khi cần làm một việc gì đó hoặc để lại lời nhắn, mình đều viết trên bảng. Nhưng nếu chỉ viết không thì rất chán nên mình nghĩ ra các loại khung để viết. Mỗi khung lại có hình thù khác nhau. Vì mình vẽ xấu kinh khủng nên đôi khi mình phải in từ máy ra và dán lên. Ví dụ, mình muốn dặn Nam ăn bánh, mình sẽ viết lời nhắn lên khung có hình cái bánh ngọt. Mình muốn Nam mặc áo ấm, mình sẽ vẽ hình đám mây và các cơn gió… Kiểu như vậy. Mình cũng luôn cập nhật tình hình thời tiết hay dùng các hình icon để biểu thị tâm trạng, ví dụ mặt cười, mặt buồn, mặt mếu… Và đến lượt Nam, Nam cũng được để lại lời nhắn cùng tâm trạng cho bố mẹ.

7. Dùng nhạc hiệu: Hình như là nhạc hiệu có tác dụng tốt hơn những lời nhắc nhở. Khi Nam chơi xong, mình dùng một đoạn nhạc để nhắc Nam thu dọn đồ chơi. Hay nhạc giục Nam tỉnh dậy. Có khi hai mẹ con cùng nhún nhảy theo nhạc hiệu nếu đã hoàn thành xong việc, rất là vui luôn ý.

8. Hộp rác tái chế: Ở Nhật yêu cầu phải phân loại rác, nên nhà mình có hai thùng rác, một thùng dành cho rác tái chế. Để Nam khỏi quên việc phân loại rác, mình “vật” cái thùng ra trang trí. Mình gắn các vỏ chai xung quanh, lấy băng keo ghim chặt. Sau đó thì gắn lá, gắn hoa ( nhựa), rồi cả cắm hoa tươi nữa. Có khi đi chơi hai mẹ con lựa sỏi mang về bỏ vào chai. Cứ thế, đến khi các chai đầy thì lại thay. Làm như thế nên Nam không quên việc phân loại rác và rất thích cái thùng rác dễ thương ấy.

Ôi, toàn những việc nho nhỏ mà mình tin là bà mẹ nào cũng có cả “một kho” nhưng mình chịu khó ghi lại như là một sự gợi ý cho mọi người thôi. Mình có niềm tin rằng, khởi nguồn của sự sáng tạo trong mỗi đứa trẻ sẽ từ những điều giản dị nhất. Nam thường tâm sự với mẹ: "Em thần tượng Edixon vì ông nói: Tôi không thông minh hơn bạn, tôi chỉ tò mò hơn bạn thôi".

Với mình, mình chỉ đơn giản nghĩ rằng, biết đâu, khi con lớn, một ngày nào đó, con cũng như chú bé con nhớ về gói ngô ấm trong túi áo để yêu và thương mẹ mình hơn. Bạn có nghĩ như mình không?”

(Theo Dân Việt)