- Trước các ý kiến tranh luận gay gắt về chuyện ngoại tình, người thứ ba, VietNamNet xin chia sẻ ý kiến của chị Việt Anh, một người học kinh tế ở nước ngoài, đã từ nghiên cứu về hôn nhân gia đình (do sơ suất, chúng tôi ghi tác giả Việt Anh là Tiến sỹ tâm lý. Xin chân thành cáo lỗi cùng quý bạn đọc!).

Phần 1 của bài viết ở đây

Ngoại tình, ai thực sự là người có lỗi?

Tôi cũng nghĩ người thứ ba không hoàn toàn vô tội, và đồng ý rằng mỗi người nên cố gắng kiềm chế dục vọng, tránh xen vào gia đình nhà khác, làm cho người ta đau khổ. Tuy nhiên nếu điều đó xảy ra, lỗi của người thứ ba cũng không nặng hơn “lỗi” của bà vợ bởi khi kết hôn bà đã cướp đi cơ hội có một ông chồng đẹp trai, tài giỏi, thành đạt của các cô khác.

{keywords}
Ảnh minh họa

Chồng của bà ta càng đẹp đẽ, tài giỏi, thành đạt thì cái “lỗi” của bà đối với xã hội càng lớn, bởi bà đã cướp đi giấc mơ của rất nhiều cô khác. Sao bà ấy không cưới người nghèo khổ, tàn tật, bệnh hoạn, đau ốm? Nếu như vậy sẽ chẳng lo bị ai tranh chồng, mà có thể còn được báo chí ngợi ca.

Những người ngoài cuộc không nên lên án ai bởi không có đủ thông tin, như đã nêu trên. Ở phương Tây, người ta không hỏi “Anh/chị đã có gia đình chưa? Vì sao lại chưa kết hôn? Đã có con chưa? Có mấy con?”, bởi những câu hỏi đó bị coi là bất lịch sự. Hôn nhân thực sự là chuyện đời tư, là bí mật riêng của mỗi người, không phải là chuyện để thiên hạ tọc mạch, đàm tiếu. Ngoại tình thuộc phạm trù hôn nhân cho nên những người ngoài cuộc không nên can thiệp.

Những người nổi tiếng ở phương Tây quả thật thường xuyên bị báo chí đào bới đời tư. Nhưng báo chí khai thác thông tin dưới góc độ gây sốc để câu khách chứ không phải để kết án, vùi dập. Thực tế, chuyện ăn chả, ăn nem trong giới văn nghệ sỹ phương Tây khá phổ biến và là lý do khiến họ li dị, hoặc thay bạn tình như thay áo.

Việt Nam cũng cần học tập phương Tây, coi hôn nhân là bí mật riêng của mỗi người. Không ai được tự cho mình cái quyền phán xét cuộc hôn nhân của người khác và các bà vợ cũng không phải luôn luôn đúng.

Điều này rất quan trọng bởi trước nay báo chí thường chỉ bênh vực các bà vợ một chiều khiến họ nghĩ rằng họ có quyền được trừng phạt người thứ ba. Hậu quả là những vụ đánh ghen kinh hoàng xảy ra khá nhiều ở Việt Nam, trong khi ở các quốc gia văn minh thì chuyện này khá hiếm.

Hôn nhân là bí mật đời tư, không ai có quyền phán xét

Chúng ta nên học tập phương Tây, coi hôn nhân là bí mật đời tư, ngay cả bố mẹ, họ hàng thân quyến, bạn bè cũng không có quyền can thiệp hay phán xét. Hàng xóm, chính quyền, đoàn thể, làng xã, càng không có quyền can thiệp. Trong gặp gỡ xã giao, cần phải coi mọi câu hỏi liên quan đến đời tư, tuổi tác, lương bổng,.. là bất lịch sự.

Nếu được như vậy cuộc sống của mỗi người sẽ trở nên dễ chịu. Mọi người sẽ có thể tự do trước mọi quyết định hôn nhân, không còn vội vàng kết hôn vì lo ế hoặc không dám li dị dù không hạnh phúc vì chuẩn mực làng xã không chấp nhận điều ấy. Một khi đời tư trở thành bí mật, không phải là thứ để đàm tiếu, so bì, khoe khoang, thì công dân sẽ tập trung cống hiến cho xã hội để gặt hái thành công trong công việc. Lao động sáng tạo nhiều hơn sẽ khiến xã hội trở nên thịnh vượng hơn.

{keywords}
Ảnh minh họa


Ngoài ra, chuẩn mực xã hội không phải là bất biến. Cách đây một thế kỷ “tứ đại đồng đường” và “nam nữ thụ thụ bất thân” là phổ biến ở Việt Nam thì ngày nay đã trở thành những quan niệm lạc lõng.

Chúng ta không nên ngạc nhiên nếu trong tương lai gần Việt nam sẽ trở nên giống nhiều quốc gia phương Tây: tỷ lệ kết hôn giảm xuống rất thấp, tỷ lệ li dị tăng cao và chung sống không kết hôn trở nên phổ biến. Tỷ lệ li dị ở Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu hiện nay là khoảng 50% trong vòng 25 năm kết hôn. Ngay từ những năm 1970 đã có khoảng 75% người Mỹ tin rằng hôn nhân không phải là “một lần và mãi mãi” mà là một chuỗi các cuộc hôn nhân. Người Việt cần phải được chuẩn bị tinh thần cho những sự thay đổi ấy.

Khoảng 50% trẻ em Mỹ từng sống trong gia đình không chuẩn tắc (có bố mẹ ly dị hoặc bố mẹ đơn thân). Thế nhưng trẻ em Mỹ vẫn được hưởng tình yêu thương là do người lớn không có tư duy “khác máu tanh lòng”, yêu thương con riêng của vợ/chồng như chính con mình. Sau cuộc li dị và tái hôn của bố mẹ, trẻ em thậm chí có nhiều bố nhiều mẹ hơn. Người Việt cũng cần giáo dục tinh thần nhân văn ấy để trẻ em không khổ sau khi gia đình tan vỡ.

Chúng ta cần phải giáo dục công dân “hôn nhân vĩnh viễn” và “chung thủy tuyệt đối” là những lý tưởng cao đẹp nhưng ít xảy ra trong thực tế. Li dị và ngoại tình vẫn là chuyện phổ biến. Cần tránh làm người khác đau khổ, “đối xử với mọi người giống như mong mọi người đối xử với mình”.

Tuy nhiên cũng cần giáo dục họ không nên kỳ vọng quá nhiều ở người khác. Người Việt cần phải sống tự lập, không phụ thuộc vào người khác, và chuẩn bị mọi bất trắc ở đời bởi cuộc sống vốn khắc nghiệt. Ngoài ra, các bà vợ cần được giáo dục để đối xử nhân văn với người thứ ba, hiểu được rằng đàn ông đẹp đẽ, thành đạt, tài giỏi trong xã hội là nguồn tài nguyên khan hiếm và những người thứ ba cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc.

Ngoại tình hay không chủ yếu do đàn ông quyết định

Đàn ông không phải là vật vô tri, vô giác. Họ là phái mạnh và nếu họ không thích thì thậm chí không thể lại gần họ. Ngoại tình có xảy ra hay không, hôn nhân tan vỡ hay không chủ yếu do họ quyết định. Thế nên nói rằng tranh giành đàn ông là không chính xác.

{keywords}
Ảnh minh họa

Ở nước nào cũng vậy, càng đẹp trai, thành đạt, giàu có, thì càng có nhiều fan hâm mộ. Nhiều cô mơ ước lấy những người như vậy, cho dù họ đã có vợ, thì cũng là chuyện dễ thông cảm. Nhưng tôi không thấy nước nào lên án hay đòi giải tán đám fan đó cả.

Làm vợ những người càng đẹp trai, tài giỏi thì phải chấp nhận nguy cơ tan vỡ gia đình hay bị phụ tình rất lớn. Họ vẫn phải học cách đối xử lịch lãm với fan của chồng. Nếu muốn chồng không bị ai dòm ngó thì chỉ có một cách là cưới những người tàn tật, già yếu, ốm đau.

Việt Anh (Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)

Còn nữa

Bạn nghĩ gì về quan điểm này? Mọi ý kiến tranh luận xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây hoặc gửi đến địa chỉ email bandoisong@vietnamnet.vn! Trân trọng cảm ơn!