Dù chưa có ca MERS-CoV nào xâm nhập Việt Nam, mỗi người dân vẫn cần thường xuyên rửa tay, tạm hủy tour Hàn Quốc và đeo khẩu trang nơi công cộng (nhất là bệnh viện). Đó là một trong nhiều khuyến cáo của 2 chuyên gia khách mời trong 2 giờ giao lưu trực tuyến với bạn đọc VietNamNet.

Tính đến ngày 29/6/2015 tổng số ca nhiễm MERS-CoV tại 27 quốc gia đã lên tới gần 1.357 trường hợp, trong đó có 485 ca tử vong và đang tiếp tục diễn biến phức tạp.

Tại Hàn Quốc, sau hơn 1 tháng xâm nhập, đến nay quốc gia này đã ghi nhận 182 trường hợp nhiễm MERS-CoV với 32 trường hợp tử vong.

Đáng lưu ý, nếu như các ca bệnh trước đây đều lây lan trong bệnh viện thì cuối tuần qua, Hàn Quốc thông báo đã xuất hiện ca bệnh đầu tiên lây lan tại gia đình.

Trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia, Philippines, Thái Lan cũng đã ghi nhận những ca nhiễm MERS-CoV đầu tiên.

Theo đại diện Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Ebola có thể biến mất nhưng MERS-CoV tồn tại rất dài và có thể sẽ không biến mất do liên quan đến các sản phẩm sữa, thịt của lạc đà, liên quan đến văn hoá Trung Đông.

Với số lượng hàng nghìn hành khách từ những vùng có dịch nhập cảnh vào Việt Nam mỗi ngày, Bộ Y tế đã liên tục phát đi cảnh báo MERS-CoV có nguy cơ xâm nhập bất cứ lúc nào. Tuy nhiên khi cả ngành y tế đang "ngồi trên lửa" thì một bộ phận người dân vẫn thờ ơ, hồn nhiên hỏi "MERS là bệnh gì?".

{keywords}
Nhà báo Phạm Anh Tuấn - Tổng biên tập báo VietNamNet (thứ 2, bìa trái) tặng hoa các khách mời. Ảnh: L.A.Dũng

Để cung cấp cho người dân những kiến thức cơ bản về MERS-CoV, cơ chế lây lan, các triệu chứng nghi ngờ cũng như công tác cách ly, giám sát ngăn chặn MERS của ngành y tế, VietNamNet tổ chức giao lưu trực tuyến "Nguy cơ MERS-CoV tràn vào Việt Nam" vào lúc 14h ngày 3/7/2015.

Buổi giao lưu có sự tham gia của PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) và PGS.TS Nguyễn Văn Kính- Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU

Những giọt bắn nguy hiểm

Hồng Ánh , Nữ - 33 Tuổi
Thưa PGS.TS Nguyễn Văn Kính, ông có thể cho biết, bệnh MERS-CoV lây truyền qua những con đường nào? Cách đơn giản nhất để phòng tránh nhiễm bệnh là gì?

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Như trên đã nói, MERS lây qua đường hô hấp thông qua các giọt bắn của người mắc bệnh, vì vậy MERS lây qua việc tiếp xúc với đồ dụng, vật dụng của bệnh nhân vị nhiễm virus do giọt bắn văng phải, hoặc những người tiếp xúc gần với người bệnh hít phải giọt bắn của bệnh nhân văng ra khi ho, hắt hơi hoặc nhân viên y tế thực hiện các thủ thuật có tiếp xúc gần với các giọt bắn của người bệnh.

Cách phòng chống dịch MERS là áp dụng các biện pháp dự phòng lây truyền bệnh qua đường hô hấp, bao gồm đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh, người chăm sóc phải đeo khẩu trang N95 khi làm các thủ thuật chăm sóc người bệnh, rửa tay với nước và xà phòng hoặc các chất sát trùng. Không tụ tập đông người khi có dịch. Không thăm nom người bệnh khi đang bị cách ly. Nếu ở vùng có dịch trở về mà xuất hiện các triệu chứng của viêm đường hô hấp như sốt, ho, hắt hơi, viêm phổi thì phải đến ngay cơ sở y tế để được khám chữa bệnh kịp thời.

{keywords}
Toàn cảnh buổi giao lưu. Ảnh: L.A.Dũng

Trần Văn Quý , Nam - 36 Tuổi
Những đối tượng nào dễ nhiễm virus MERS-CoV, thưa ông? Tôi thấy ở Hàn Quốc, những bệnh nhân nhiễm MERS-CoV và tử vong thường là những người già hoặc người đau yếu, bệnh tật. Vậy thanh niên khỏe mạnh có đề kháng với MERS-CoV cao hơn không? Khả năng lành bệnh của bệnh nhân nhiễm MERS-CoV là như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Các đối tượng dễ nhiễm MERS là những người tiếp xúc gần với người bệnh như là nhân viên y tế, người chăm sóc bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.

Nguy cơ tử vong trong MERS có thể từ 30-60%. Những người có nguy cơ tử vong cao là những người có bệnh nền như tiểu đường, cao huyết áp, viêm phổi tắc nghẽn, bệnh gan thận mãn tính, người già và trẻ em. Tuy nhiên những thanh niên khỏe mạnh vẫn có nguy cơ mắc bệnh.

Bùi Đức Hoàng, Nam - 57 Tuổi
Xin cho biết triệu chứng của Bệnh MERS-CoV. Chân thành Cảm ơn

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: là bệnh lây qua đường hô hấp. Sau khi xâm nhập cơ thể virus tấn công vào các tế bào, phế nang, tế bào gan, thận, ống tiêu hóa và hệ thống bạch cầu. Triệu chứng của MERS rất đa dạng và phong phú: từ không có triệu chứng đến biểu hiện của suy đa tạng. Điển hình bệnh gồm các triệu chứng sau: bệnh nhân xuất hiện sốt và ho, chảy nước mũi sau khi tiếp xúc gần với bệnh nhân MERS từ 2-14 ngày, có thể kèm theo khó thở và biểu hiện của viêm phổi từ nhẹ đến nặng tùy theo mức độ tổn thương của phổi, một nửa số trường hợp có biểu hiện viêm đường hô hấp nặng, trong đó 10% diễn biến thành suy hô hấp cấp. 1/3 số trường hợp có kèm theo biểu hiện tiêu chảy hoặc suy thận cấp. Ở giai đoạn toàn phát virus tấn công các cơ quan nội tạng dẫn đến suy đa tạng.

Nguyễn Hữu Trọng , Nam - 62 Tuổi
Tôi đọc thông tin trên mạng thấy nói tỉ lệ tử vong ở MERS-CoV rất cao, vậy xin được hỏi hiện tại tỉ lệ này là bao nhiêu và ở quốc gia nào là cao nhất? Trên mạng nói chủ yếu là người già tử vong, tại sao lại như vậy? Tôi hơi lo lắng, mong được các chuyên gia giải đáp! Xin cảm ơn!

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Tỉ lệ tử vong do MERS có thể từ 30-60%. Người già bị suy giảm miễn dịch do tuổi tác nên sức đề kháng kém vì vậy nguy cơ tử vong cao hơn những người khác. Hiện nay Hàn Quốc là nước có số người mắc và tử vong cao nhất trong số 27 nước ghi nhận dịch MERS. Tính đến 1/7 Hàn Quốc đã có 183 ca mắc và 33 ca tử vong.

Minh Châu , Nữ - 30 Tuổi
Nếu so với dịch SARS, tốc độ lây lan của virus MERS-CoV hiện nay như thế nào, thưa PGS.TS Nguyễn Văn Kính? Việt Nam đã rút ra những kinh nghiệm gì từ việc đối phó dịch SARS để từ đó có biện pháp ứng phó với MERS-CoV?

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: So với SARS dịch MERS lây truyền chậm hơn nhưng lại kéo dài hơn. Với kinh nghiệm phòng chống SARS và thực hiện phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên, cách ly nghiêm ngặt, điều trị tích cực, phối hợp với thông thoáng phòng bệnh và chống nhiễm khuẩn bệnh viện tốt, nên VN là nước đầu tiên khống chế được dịch SARS, chúng ta có thể áp dụng kinh nghiệm này để chống MERS.

{keywords}
PGS.TS Nguyễn Văn Kính đang giải đáp những thắc mắc của bạn đọc VietNamNet. Ảnh: L.A.Dũng

Tiến Đạt , Nam - 28 Tuổi
Theo tôi được biết, MERS-CoV hiện vẫn chưa có vaccine điều trị, tất cả mới chỉ là điều trị triệu chứng. Vậy tỉ lệ điều trị thành công với những bệnh nhân nhiễm MERS hiện nay là bao nhiêu? Có trường hợp nào người khỏe mạnh nhiễm MERS mà tử vong hay chưa?

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Mặc dù tỉ lệ tử vong do MERS cao từ 30-60% nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị tích cực thì sẽ giảm được tỉ lệ tử vong rất nhiều. Tỉ lệ tử vong tùy thuộc vào trình độ phát hiện, cách ly, sử dụng các biện pháp hồi sinh cấp cứu kỹ thuật cao và chống nhiễm khuẩn bệnh viện tốt hay không.

Nguyễn Bằng , Nam - 43 Tuổi
Hiện tại, đã có thuốc đặc trị virus MERS-CoV chưa thưa ông? Phương pháp điều trị tích cực MERS-CoV là gì?

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc-xin phòng chống MERS. Điều trị tích cực ở đây là điều trị triệu chứng với các biện pháp như thở máy, lọc máu... để cứu sống người bệnh.

Quang Nguyen , Nam - 48 Tuổi
Làm cách nào phân biệt được cúm ho thông thường với bệnh do MERS-CoV thưa các BS?

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Phải làm xét nghiệm các bệnh phẩm lấy từ tị hầu để phân biệt các căn nguyên.

Nguyễn Mai Phương , Nữ - 35 Tuổi
Nếu so với SARS thì MERS - CoV hiện nay khác biệt ở điểm nào, vì cả 2 đều là viêm đường hô hấp cấp. Mùa nóng hiện nay, chuyện người lớn, trẻ em sốt, viêm họng là thường xuyên, nếu cứ thấy có dấu hiệu nghi ngờ mà đến bệnh viện, tôi e rằng sẽ ùn tắc mất, rồi lây chéo. Vậy có dấu hiệu nào đơn giản nhất, để người dân phân biệt giữa cúm thông thường với MERS hay không? Xin cảm ơn!

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: MERS và SARS đều là những căn nguyên gây viêm đường hô hấp cấp, bệnh cảnh lâm sàng khá giống nhau nếu có tổn thương ở đường hô hấp, tuy nhiên MERS có thể có thêm các biểu hiện khác như tiêu chảy, suy thận, chẩn đoán phân biệt chủ yếu dựa vào xét nghiệm dịch mũi họng để phát hiện mầm bệnh

Trước hết phải có yếu tố dịch tễ như tiếp xúc gần với bệnh nhân hoặc đến và đi từ vùng có dịch mới có nguy cơ nhiễm MERS. Vì vậy việc nhiễm trung đường hô hấp ở trẻ em do nhiều nguyên nhân khác nhau, phổ biến nhất là do viêm họng và có thể điều trị khỏi bằng các thuốc thông thường. Khi nghi ngờ MERS mới phải đi làm xét nghiệm để phân biệt với các tác nhân khác.

Nguyễn thị thanh Hồng , Nữ - 33  Tuổi
Thưa PSG Trần Đắc Phu, hiện tôi đang làm việc tại tòa nhà Lotte, nơi có rất nhiều người nước ngoài, trong đó chủ yểu là người Hàn Quốc qua lại và làm việc, tôi rất lo lắng về việc lây lan dich MERS. Xin cho tôi lời khuyên về cách phòng tránh để không bị lây nhiễm (nếu có vô tình tiếp xúc với người mang virus này). Trân trọng cảm ơn PSG!
 
PSG Trần Đắc Phu: Chào bạn, bạn quan tâm tới nơi bạn làm việc ở Lotte vì nơi đó có nhiều người Hàn Quốc. Nhưng bạn cũng không nên quá lo lắng vì việc lây nhiễm MERS chỉ khi ở nơi đó có người bệnh và những bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ như đi từ vùng dịch về chưa qua 14 ngày mà có các triệu chứng sốt, ho, khó thở.... Còn việc bạn tiếp xúc với những người bình thường, không đi từ vùng dịch về trong thời gian như trên thì hoàn toàn yên tâm, đồng thời các bạn cũng biết việc giám sát những người đi từ vùng dịch về trong 14 ngày hiện nay cũng được Bộ Y tế triển khai rất chặt chẽ tại các cửa khẩu sân bay cũng như nơi có người nước ngoài đi từ vùng dịch về, hoặc đến VN sinh sống.
 
Tuy vậy, chúng tôi cũng khuyến cáo bạn cần tìm hiểu những biện pháp phòng bệnh cá nhân tại cộng đồng để thực hiện tốt việc phòng bệnh, khuyến cáo được đăng trên website của Cục Y tế dự phòng VNCDC.VN

Quốc Bảo , Nam - 37 Tuổi
Tôi có người nhà đang ốm nằm ở BV Nhiệt đới trung ương, chúng tôi thường xuyên đến BV để chăm sóc người bệnh. Liệu có bị lây các bệnh truyền nhiễm như MERS, lao hay các bệnh khác không? Các cách để phòng như thế nào xin các BS cho biết với ạ? Trân trọng cảm ơn.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Hiện nay VN chưa phát hiện ca nhiễm MERS nào, khi có thì bệnh viện sẽ áp dụng các biện pháp cách ly triệt để và thông báo cho mọi người biết để cùng phòng chống dịch. Để dự phòng các bệnh lây qua đường hô hấp, bạn nên thường xuyên đeo khẩu trang và rửa tay sạch sẽ với xà phòng khi đến môi trường bệnh viện.

Nguyễn Văn Bách , Nam - 45 Tuổi
Dịch bệnh MERS lúc thì nói lây từ lạc đà, lúc lại nói từ dơi, vậy cuối cùng đâu mới là nguồn lây. Xin 2 bác cho biết thêm, ngoài lây lan qua giọt bắn thì virus này có thể lây lan qua những đường nào khác nữa để người dân chúng tôi biết cách tránh?

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Corona virus có 4 nhóm, trong đó MERS - CoV thuộc nhóm Beta và có nguồn gốc nguyên ủy từ dơi, sau đó lây lan vào lạc đà nuôi, virus sống ở trong đường hô hấp của lạc đà nhưng không gây bệnh cho lạc đà. Virus này được đào thải qua dịch tiết đường hô hấp của lạc đà khi con người vuốt ve mõm của lạc đà tay nhiễm phải virus MERS, sau đó lại vuốt vào mặt mình và hít phải virus, sau thời gian ủ bệnh 2-14 ngày sẽ có biểu hiện lâm sàng như ho và hắt hơi tạo ra các giọt bắn và đây là cách thức lây lan bệnh từ người sang người do hít phải giọt bắn từ người bệnh.

Trần Hữu Nguyên , Nam - 19 Tuổi
Xin chào các chú ạ! Mấy bữa nay nghỉ hè cháu cũng có hay theo dõi thời sự, thấy nói về diễn biến dịch MERS-CoV tại Hàn Quốc mà sợ quá! Mấy bữa trước nữa thì có dịch Ebola. Cho cháu hỏi tại sao ngày càng xuất hiện liên tiếp những loại virus mới như vậy trong khi chúng ta gần như bất lực trong việc điều chế vắc xin điều trị?

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Có một số lý do giải thích sự bùng phát của các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi:

- Thứ nhất, do biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu và do tác động của con người đến môi trường làm cho các động vật hoang dã tiếp cận nhiều hơn với con người nên truyền các mầm bệnh từ động vật hoang dã sang người ngày một nhiều, nên xuất hiện các bệnh truyền nhiễm mới nổi mà trước đây chưa xuất hiện.

- Thứ hai, do toàn cầu hóa nên việc đi lại rất dễ dàng từ nơi này đến nơi khác trong thời gian rất ngắn, vì vậy việc lây truyền mầm bệnh diễn ra rất nhanh trên phạm vi toàn cầu.

- Thứ ba, do đô thị hóa và công nghiệp hóa nên rất nhiều chất thải độc hại được thải ra môi trường tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển và những mầm bệnh này lại chưa có vắc-xin dự phòng cũng như thuốc điều trị đặc hiệu nên việc kiểm soát rất khó khăn.

- Thứ 4, đây là những bệnh mới, chưa có miễn dịch ở cộng đồng, mọi người chủ quan ít có nhận thức về dịch nên không ấp dụng kịp thời các biện pháp phòng chống vì vậy khi dịch bệnh diễn ra thì lúng túng và khống chế khó khăn.

Chưa có ca bệnh nào xâm nhập Việt Nam

Mai Lan , Nữ - 28 Tuổi
Thưa PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện tại, Bộ Y tế đánh giá mức độ lây nhiễm dịch MERS-CoV vào Việt Nam như thế nào? Và có những biện pháp gì để ngăn chặn dịch bệnh này?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Xin chào bạn! Bộ Y tế đã có cả một kịch bản và kế hoạch phòng chống MERS-CoV. Chúng tôi đánh giá rằng dịch MERS vẫn đang lưu hành ở các nước khu vực Trung Đông mà chưa khống chế được. Nguyên nhân do lây từ lạc đà sang người sau đó lây từ người sang người. Các bạn cũng biết, việc nuôi lạc đà, sử dụng các sản phẩm từ lạc đà như sữa, thực phẩm vẫn còn tồn tại, phổ biến vì đây là nhu cầu thiết yếu của người dân Trung Đông. Và đặc biệt vừa qua, trường hợp người Hàn Quốc đi từ Trung Đông về và đến nay đã có 184 trường hợp mắc bệnh tại Hàn Quốc và 33 trường hợp tử vong.

Như vậy, chúng tôi đánh giá, dịch MERS xâm nhập vào VN là hoàn toàn có thể vì mỗi ngày VN có khoảng gần 4.000 người đi từ khu vực Trung Đông và Hàn Quốc nhập cảnh vào VN. Và nếu như chúng ta gặp 1 trường hợp xâm nhập từ vùng có dịch về mà không khống chế tốt thì dịch có thể lây lan mạnh mẽ như Hàn Quốc.

Trong kế hoạch phòng chống dịch, chúng tôi chia làm 3 tình huống.

Tình huống 1: Chưa có dịch xâm nhập vào VN.

Tình huống 2: Đã có bệnh nhân xâm nhập nhưng số ít và đơn lẻ

Tình huống 3: Dịch lây lan mạnh trên cộng đồng.

Hiện nay chúng tôi muốn thông báo với các bạn, chúng ta chưa có ca bệnh xâm nhập vào VN.

Về các biện pháp ngăn chặn MERS: Với kịch bản chưa có ca bệnh, thì Việt Nam tập trung vào một số những biện pháp cơ bản sau:

1. Tăng cường giám sát tại cửa khẩu, yêu cầu tất cả những người nhập cảnh từ khu vực Trung Đông và Hàn Quốc về phải khai tờ khai y tế đồng thời đặt các máy đo nhiệt độ từ xa để phát hiện những trường hợp sốt, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cách ly.

Vì thời kỳ ủ bệnh của MERS từ 2-14 ngày, nghĩa là một người nào đó bị nhiễm virus MERS-CoV thì nó có thể lây truyền trong khoảng từ 2-14 ngày. Trong mỗi tờ khai có phần yêu cầu hành khách khi về cộng đồng thấy có dấu hiệu sốt thì phải báo cáo ngay cho cơ quan y tế để có khám, lấy mẫu xét nghiệm. Nếu dương tính sẽ cách ly để khỏi lây cho người khác.

Tại VN hiện đã có 8 cơ sở, Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur và một vài bệnh viện có khả năng xét nghiệm, chẩn đoán được MERS-CoV.

2. Tăng cường các hoạt động truyền thông để những người dân hiểu và chủ động phòng chống dịch.

3. Tăng cường các hoạt động phòng chống lây nhiễm trong bệnh viện, để nếu có 1 trường hợp xâm nhập vào thì không để lây cho những bệnh nhân khác, tránh lây lan rộng rãi trong các cơ sở y tế như Hàn Quốc- từ 1 bệnh nhân đến nay đã lây ra 184 trường hợp. Việt Nam cũng đã thiết lập những bệnh viện chuyên để điều trị, cách ly bệnh nhân MERS-CoV.

4. Tăng cường các hoạt động phối hợp liên ngành. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện chỉ đạo các bộ ngành, UBND các tỉnh tăng cường các hoạt động phòng chống MERS-CoV với mục tiêu cao nhất là không để dịch bệnh xâm nhập vào VN hoặc nếu có sẽ khoanh vùng, xử lý ngay không để lây lan ra cộng đồng.

{keywords}
PGS.TS Trần Đắc Phu đang trả lời trực tuyến các câu hỏi của bạn đọc. Ảnh: L.A.Dũng

Phương Thảo , Nữ - 27 Tuổi
Một người bạn của tôi mới đi Hàn Quốc về và nói rằng, ở Hàn Quốc, mọi thứ đều diễn ra rất bình thường. Dịch MERS-CoV không làm ảnh hưởng tới bất cứ hoạt động nào của người dân và khách du lịch. Vậy có phải Việt Nam lo lắng quá hay không? Việc khuyến nghị người dân không nên đi du lịch tới vùng có dịch bệnh liệu có làm ảnh hưởng tới ngành du lịch của nước ta hay không?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Cảm ơn bạn! Câu hỏi bạn quan tâm cũng đã được chúng tôi suy nghĩ. Khi đưa ra bất kỳ chính sách nào để bảo vệ sức khỏe người dân, không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, trong đó có du lịch nhưng trong đó chúng tôi cho rằng lợi ích sức khỏe người dân là trên hết.

Các bạn biết Hàn Quốc trong thời gian vừa qua đã để dịch xảy ra, rất nhiều nước đã cắt các tour du lịch tới Hàn Quốc, kinh tế xã hội bị khó khăn, nhiều trường học bị đóng cửa, hủy nhiều sự kiện lớn. Quốc gia này cũng đã phải chi 360 triệu đô la cho phòng bệnh. Tổng thống Hàn Quốc cũng đã phải đưa ra các giải pháp và trấn an người dân không hoang mang.

Các biện pháp của ngành y tế đưa ra trong thời gian vừa qua đang giới hạn các giải pháp ngăn chặn không cho dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam, hoặc có trường hợp xâm nhập thì phát hiện được, quản lý, cách ly để không lây lan ra cộng đồng. Trên thực tế, vẫn chưa có ảnh hưởng gì tới du lịch của Việt Nam hay kinh tế xã hội của VIệt Nam mà chỉ làm người dân yên tâm hơn, đồng thời để tạo ra thế chủ động để khi có dịch xảy ra thì phòng chống được.

Các hoạt động triển khai của Việt Nam cũng phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như hoạt động các nước trong khu vực đang thực hiện như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Philippines... Và cuối cùng chúng tôi muốn khẳng định rằng, muốn để dịch không xảy ra thì các hoạt động phòng chống dịch là cực kỳ quan trọng chứ không phải để dịch xảy ra rồi mới chống.

Phạm Thị Hiền , Nữ - 19 Tuổi
Cháu hiện đang là sinh viên năm 1 tại Hà Nội, nhiều tuần qua cháu có biết đến MERS-CoV vì tình cờ vào bệnh viện khám bệnh thấy có clip chiếu. Tuy nhiên nhiều bạn bè cháu không hề biết MERS là bệnh gì. Có thể một phần họ không quan tâm đến thời sự, nhưng phần khác có phải công tác truyền thông của mình chưa thực sự hiệu quả không ạ? Cháu nghĩ nếu như sâu rộng nhân dân đều biết thì khi dịch đến chúng ta sẽ dễ dàng để ứng phó hơn nhiều. Cháu xin cảm ơn!

PGS.TS Trần Đắc Phu: Cảm ơn cháu! Chúng ta đều biết MERS là bệnh do virus gây nên, lây lan qua đường hô hấp và tiếp xúc gần. Việc phòng tránh trên cơ sở thực hiện những hoạt động triển khai của ngành y tế thì việc thực hiện tốt hành vi phòng bệnh của mỗi cá nhân là cực kỳ quan trọng.

Ngoài ra cần thực hiện đeo khẩu trang khi vào bệnh viện, thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng, che miệng khi hắt hơi và đặc biệt thời điểm này chúng tôi cũng lưu ý những trường hợp đi từ vùng có dịch về như Trung Đông và Hàn Quốc trong vòng 14 ngày mà có những triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, viêm đường hô hấp... thì cần đến ngay cơ sở y tế để khám, tư vấn, xét nghiệm hoặc điều trị.

Bộ Y tế đã có khuyến cáo đăng trên tất cả các phương tiện truyền thông, đặc biệt trên website của Cục Y tế dự phòng và trong 1 tháng vừa qua từ khi dịch xảy ra tại Hàn Quốc thì các hoạt động truyền thông đã được triển khai một cách tích cực, mạnh mẽ và đầy đủ trên tất cả các phương tiện.

Tuy vậy, cũng thừa nhận với bạn rằng, không phải tất cả mọi người đã hiểu hết về căn bệnh này hoặc đã tiếp cận được với thông tin truyền thông. Chúng tôi cũng mong rằng, ngoài việc chủ động cung cấp thông tin từ Bộ Y tế cũng như các cơ quan thông tấn báo chí ví dụ như báo VietNamNet, chúng tôi cũng mong rằng người dân cần chủ động tìm hiểu để có những hiểu biết và thông tin kịp thời nhằm bảo vệ cho bản thân mình cũng như cộng đồng.

Dương Bùi Hạnh , Nữ - 43 Tuổi

Những ngày này, tôi thấy tình hình dịch Mers tại HQ có vẻ đã yên ắng hơn. Tôi rất sợ vì thế mà ngành y tế và dân mình chủ quan. Xin được hỏi, những ngày này chúng ta còn tiếp tục áp tờ khai tại sân bay hay không? Hiện trung bình một ngày VN đón khoảng bao nhiêu chuyến bay và hành khách từ những vùng có dịch vào nhập cảnh?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Cám ơn bạn! Mặc dù dịch Mers tại Hàn Quốc có chiều hướng lắng xuống với số ca mắc mới hàng ngày giảm đi rất nhiều nhưng ngay ngày hôm qua 2/7, Hàn Quốc vẫn phát hiện 1 trường hợp mắc mới. Nghĩa là dịch chưa dập tắt được.

Hiện Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì cũng như đẩy mạnh các hoạt động phòng chống dịch chứ không phải là hạ cấp độ phòng chống. Việc áp dụng tờ khai đối với các trường hợp đi từ vùng có dịch như Trung Đông, Hàn Quốc vẫn được áp dụng. Tờ khai đã in gồm 3 thứ tiếng: Tiếng Việt, tiếng Hàn Quốc và tiếng Anh để người dân chủ động khai báo.

Mỗi ngày tại Việt Nam có khoảng gần 4.000 người nhập cảnh đi từ các nước Trung Đông và Hàn Quốc vào Việt Nam. Qua đây tôi cũng mong rằng mỗi người dân cũng cần chú ý thực hiện tốt những hành vi hoặc những hoạt động để phòng chống dịch bệnh này và chủ động phối hợp với ngành y tế để chúng ta tiếp tục ngăn chặn được, không để dịch lây lan vào Việt Nam.

Nguyễn Thái Anh , Nam - 30 Tuổi
Mấy bữa nọ tôi thấy dân tình nháo nhác vì liên tiếp phát hiện các trường hợp nghi nhiễm MERS, nhưng tất cả đều thấy báo âm tính. Liệu có tình trạng giấu dịch ở đây không như hồi năm 2003 Trung Quốc từng giấu dịch SARS? Xin bác Phu cho biết hiện VN đã cách ly và theo dõi được bao nhiêu trường hợp nghi nghiễm MERS rồi? Tất cả đã trong vòng kiểm soát hay chưa?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Chào bạn! Tôi phải khẳng định rằng, hiện nay Việt Nam chưa có trường hợp nào nhiễm MERS. Việc giám sát, phát hiện và công bố thể hiện hết sức minh bạch, kịp thời để người dân không hoang mang cũng như chúng ta chủ động triển khai tốt các hoạt động phòng chống dịch theo từng tình huống xảy ra.

Vừa qua, cũng có những thông tin tại một số nơi đã có bệnh nhân nhiễm MERS-CoV, ngay lập tức Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế đã kịp thời thông báo để bác bỏ những thông tin không đúng trên để người dân không hoang mang.

Hiện nay, qua hệ thống giám sát chúng ta cũng đã tiến hành xét nghiệm gần 100 mẫu những người có triệu chứng nghi ngờ đi từ vùng dịch về. Nhưng tất cả đều cho kết quả âm tính.

Chúng tôi cũng sẽ luôn cập nhật tình hình nhiễm MERS-CoV trên thế giới cũng như tại Việt Nam, hàng ngày thông báo trên website của Cục Y tế dự phòng (vncdc.vn) để các bạn theo dõi. Xin cám ơn bạn đã quan tâm!

Phạm Thanh Hiền , Nữ - 33 Tuổi
Xin gửi lời chào đến các chuyên gia ạ! Tôi có một thắc mắc bấy lâu nay mà chưa tìm ra lời giải. Tại sao Hàn Quốc là một quốc gia phát triển vậy, y tế tốt như thế mà các ca mắc Mers-CoV lại nhiều như vậy. Vậy nếu chẳng may Mers vào Việt Nam thì không rõ chúng ta sẽ đối phó thế nào?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Xin chào bạn! Cũng như bạn đã biết, từ 1 trường hợp nhiễm MERS-CoV đi từ Trung Đông về xâm nhập vào Hàn Quốc được phát hiện vào ngày 19/5/2015 đến nay Hàn Quốc đã có 184 bệnh nhân và 33 trường hợp tử vong, trong đó có 36 cán bộ y tế. 

Hàn Quốc, y tế Hàn Quốc, tổ chức Y tế thế giới và Việt Nam cũng đã có những nghiên cứu, rút kinh nghiệm và đánh giá nguyên nhân của việc lây lan này trên mấy điểm sau:

- Đây là bệnh xâm nhập, là bệnh mới đối với nhân viên y tế Hàn Quốc.

- Mặc dù bệnh viện của Hàn Quốc khang trang, đầy đủ tiện nghi hơn Việt Nam nhưng các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện chưa thực hiện tốt vì hiện nay tất cả các ca bệnh đều lây lan tại các cơ sở y tế.

- Tình trạng tiếp xúc gần và trong thời gian dài với người bệnh nhiễm MERS tại bệnh viện. Bệnh viện của Hàn Quốc, trong 1 phòng có nhiều giường bệnh và trong một khu vực điều trị có nhiều phòng bệnh nên dễ cho việc lây lan.

- Người dân có thói quen đi khám tại nhiều cơ sở y tế khác nhau cũng như chuyển viện nhiều lần.

- Phong tục tại Hàn Quốc khi đau ốm, có nhiều bạn bè, người nhà đến thăm và chăm sóc.

- Việc phát hiện ca bệnh và thông báo cho cộng đồng chậm

Các nguyên nhân trên cũng có nhiều yếu tố tương đồng như Việt Nam nhưng các bạn biết Việt Nam có kinh nghiệm trong phòng chống dịch SARS. Mặc dù các điều kiện về vật chất còn khó khăn nhưng yếu tố phòng chống lây nhiễm trong cơ sở y tế luôn được đặt cao và trong thời điểm hiện nay, Bộ Y tế đang tiếp tục quán triệt toàn bộ cơ sở y tế phải chấp hành đầy đủ các biện pháp để tránh lây lan cho người bệnh khác và cán bộ y tế.

Những bài học kinh nghiệm từ Hàn Quốc cũng được ngành y tế nghiêm túc rút kinh nghiệm trong các buổi tập huấn cho cán bộ y tế trong thời gian vừa qua. Và chúng tôi cũng hy vọng rằng giả sử có 1 trường hợp nhiễm MERS-CoV xâm nhập thì cũng sẽ được cách ly kịp thời, không để lây lan cho cán bộ y tế và cộng đồng.

Trịnh Huyền Thanh , Nữ - 29 Tuổi
Với mers hiện chúng ta vẫn chỉ là điều trị triệu chứng, nhưng nếu nặng phải cho thở máy, thậm chí ECMO, vậy chúng ta có đủ vật lực để điều trị nếu MERS vào VN hay không?

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Hiện nay các bệnh viện tuyến cuối đều có đủ năng lực để điều trị nếu MERS vào VN, tùy theo tình huống diễn biến của dịch, Bộ Y tế đã có hướng dẫn phân tuyến và chuyển tuyến điều trị, nếu dịch xảy ra ở cộng đồng.

Hồng , Nữ - 34 Tuổi
Bộ Y tế tổ chức tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm bệnh MERS-CoV như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Bộ Y tế đã ban hành quyết định 3014 năm 2014 hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh MERS. Tài liệu này đã được đưa lên trang web của Cục Y tế Dự phòng và cục Quản lý khám chữa bệnh để mọi cán bộ Y tế có thể cập nhật. Bên cạnh đó bộ Y tế đã tổ chức tập huấn trực tuyến cho tất cả các lãnh đạo của các bệnh viện bao gôg, khoa truyền nhiễm khoa Nhi, khoa hồi sức cấp cứu., chống nhiễm khuẩn, điều dưỡng, kỹ thuật viên lấy mẫu bệnh phẩm...Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh phối hợp với Cục Y tế dự phòng và các bệnh viện chuyên ngành như Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương... tổ chức đào tạo tập huấn 4 lớp cho các giảng viên tuyến tỉnh tại Thái Nguyên, Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, sau đó các giảng viên tuyến tỉnh sẽ tập huấn lại cho các cán bộ Y tế tuyến huyện.

Đinh Văn Duy , Nam - 26 Tuổi
Xin chào các chuyên gia, tôi có câu hỏi nếu trường hợp MERS-CoV tràn vào Việt Nam, thì những người bệnh sẽ được cách ly tại những bệnh viện nào hay được cách ly tại ngay các khu vực họ sinh sống?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi. Hiện nay Bộ Y tế đã chỉ định các bệnh viện có khả năng điều trị, cách ly các bệnh nhân nghi ngờ hoặc bệnh nhân bị nhiễm MERS. Bộ Y tế cũng có những phương án, nếu như gặp những tình huống xấu nhất khi bệnh lây lan trong cộng đồng sẽ phải phối hợp với quân đội để thiết lập những bệnh viện dã chiến.

Hệ thống phân tuyến điều trị cũng đã được triển khai để đáp ứng với từng tình huống dịch. Trong thời điểm hiện nay, những trường hợp nghi ngờ nhiễm MERS-CoV đã được khám, cách ly, điều trị tại Hà Nội như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ, bệnh viện Bắc Thăng Long, Bệnh viện Đống Đa. Tại TP.HCM là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. 

Việc điều trị và cách ly cũng có thể được tiến hành tại khoa truyền nhiễm của bệnh viện đa khoa tỉnh. Tại các nơi điều trị, bệnh nhân nghi ngờ được lấy mẫu xét nghiệm gửi đến các cơ sở y tế được chỉ định xét nghiệm chẩn đoán. Sau khi xét nghiệm có kết quả, nếu âm tính với MERS thì bệnh nhân sẽ không phải cách ly mà chuyển sang điều trị các bệnh khác được chẩn đoán. Còn nếu dương tính với MERS thì tiếp tục cách ly và điều trị để tránh lây lan.

truy nguyen , Nam - 60 Tuổi
Được biết rằng y tế có sự phòng, ngăn chặn từ sân bay nhưng vẫn là những biện pháp cũ từ hồi bệnh Sars. Xin các ông chia sẻ nhiều hơn về hiệu quả của biện pháp phòng chống hiện nay ở Việt Nam? Xin cảm ơn

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Việc thực hiện kiểm dịch biên giới tại cửa khẩu, sân bay đối với các bệnh truyền nhiễm mới nổi là rất quan trọng, mục tiêu của công tác kiểm dịch là giúp cho hành khách có thể khai báo địa chỉ khi đã nhập cảnh vào VN để nếu có xuất hiện bệnh sẽ giúp cho hệ dự phòng tiếp cận với những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân khi ngồi trên máy bay để có thể thực hiện điều tra và cách ly kịp thời. Mặc khác việc đo thân nhiệt tại cửa khẩu sẽ giúp cho sàng lọc sớm những ca nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly và phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên giúp cho việc phòng chống có hiệu quả hơn.

Tran Nghia , Nam - 34 Tuổi
Qua báo chí Tôi được biết Việt Nam cũng đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh, một trong những biện pháp triển khai đó tôi quan tâm đến 1 vấn đề đó là khi có người nhiễm MERS tại VN được phát hiện ở bất kỳ tỉnh thành nào của VN thì các cơ sở ý tế đã đây đủ thiết bị, thuốc men và phát đồ điều trị hay chưa ? . Tôi nghĩ rằng số người tử vong tại Hàn Quốc so với tỉ lệ người mắc bệnh như vậy cũng vì 1 phần y tế Hàn Quốc tốt. Còn ở VN thì sao, đặc biệt tôi lo ngại đối với những cơ sở y tế ở các tỉnh, thị xã, huyện. Rất mong nhận được câu trả lời từ ông. Chúc cho buổi giao lưu trực tuyến thành công.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: VN thường xuyên phải đối phó với các dịch bệnh mới nổi và tái nổi trong nhiều năm qua, vì vậy hệ thống y tế đã được chuẩn bị sẵn sàng để phòng chống dịch bệnh. Để đối phó với dịch MERS, Bộ Y tế đã có quyết định 3014 năm 2014 hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng, hường dẫn này đã được đưa lên trang mạng để cán bộ y tế tham gia điều trị cập nhật. Bên cạnh đó ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia đã đưa ra các tình huống cụ thể tùy theo diễn biến của dịch để tổ chức điều trị và phòng chống. Bộ y tế cũng đã có hướng dẫn về phân tuyến và chuyển tuyến điều trị phù hợp với diễn biến của dịch, do vậy các cơ sở y tế được giao nhiệm vụ thực hiện cách ly điều trị bệnh nhân sẽ có đủ điều kiện và năng lực để ứng phó với dịch, những cơ sở tuyến dưới sẽ được nhóm chống dịch lưu động hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ điều trị khi được giao nên bạn yên tâm.

Linh chi , Nữ - 37 Tuổi
Với những người nước ngoài nhất là những nước đang có dịch vào VN thì Bộ y tế kiểm soát như thế nào?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Cám ơn bạn! Bất kỳ bệnh nhân nào bị nhiễm MERS dù là người nước ngoài hay là người Việt Nam đều phải thực hiện các biện pháp giám sát, cách ly và điều trị để không lây lan cho cán bộ y tế cũng như lây lan cho cộng đồng.

Bạn cũng có thể đến những cơ sở được chỉ định để điều trị MERS-CoV để được xét nghiệm và điều trị.

my tran , Nữ - 35  Tuổi
Kính chào các BS, theo cháu được biết một ca nghi MERS phải có đủ 3 tiêu chuẩn: sốt, viêm hô hấp và có yếu tố dịch tễ. Tuy nhiên, triệu chứng hô hấp thường xuất hiện sau triệu chứng sốt hoặc thậm chí không có. Như vậy làm sao để chúng ta không bỏ sót các ca MERS mới sốt và chưa có triệu chứng hô hấp? Việc cách ly ca nghi ngờ đến nay có luật định không? Và hiện nay việc diễn tập phòng chống MERS của các cơ sở y tế còn rất lúng túng. Không biết đến nay Bộ Y tế đã có phim diễn tập phòng chống MERS chuẩn chưa để cho các cơ sở y tế làm tư liệu tập huấn cho các đơn vị.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: 
Tất cả những trường hợp nghi ngờ MERS đều được khuyến cáo nên đến bệnh viện để cách ly và lấy bệnh phẩm xét nghiệm khẳng định. Trung tâm Tuyên truyền giáo dục sức khỏe Bộ Y tế đã sản xuất video clip hướng dẫn cách lấy bệnh phẩm, cách ly, điều trị dự phòng và chống nhiễm khuẩn bệnh viện, các băng đĩa dẽ được gửi đến các trung tâm tuyên truyền sức khỏe để phổ biến cho cán bộ y tế và người dân được biết. Bộ Y tế đã tổ chức diễn tập phòng chống MERS tại bệnh viên Bắc Thăng Long Hà Nội.

Đeo khẩu trang, rửa tay, tạm hủy tour Hàn Quốc

Nguyễn Tuấn , Nam - 20 Tuổi
Chào các bác. Cháu có câu hỏi về việc sử dụng khẩu trang y tế khi ở bệnh viện có thực sự có hiệu quả trong việc phòng tránh bị lây nhiếm MERS-CoV không? Hay chỉ là giải pháp tâm lý? Mức độ nguy hiểm của MERS-CoV có bằng H5N1 ngày trước không? Cháu cám ơn.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Đeo khẩu trang y tế là một trong những biện pháp ngăn chặn cơ học tránh hít phải các giọt bắn hoặc các giọt khí rung, nên có thể áp dụng để phòng tránh các bệnh lây qua đường hô hấp bao gồm cả MERS. Vì vậy đây không phải biện pháp tâm lý mà phải thực hành thực sự.

So với H5N1 thì MERS nguy hiểm hơn cho cộng đồng vì lây trực tiếp từ người sang người, còn H5N1 lây từ gia cầm sang người, dịch phải xuất hiện ở gia cầm trước rồi sau đó mới lây sang người. Vì vậy nếu phòng chống tốt dịch trong gia cầm thì cũng giảm bớt số người mắc bệnh.

Quốc Bảo , Nam - 37 Tuổi
Tôi có người nhà đang ốm nằm ở BV Nhiệt đới trung ương, chúng tôi thường xuyên đến BV để chăm sóc người bệnh. Liệu có bị lây các bệnh truyền nhiễm như MERS, lao hay các bệnh khác không? Các cách để phòng như thế nào xin các BS cho biết với ạ? Trân trọng cảm ơn.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Hiện nay VN chưa phát hiện ca nhiễm MERS nào, khi có thì bệnh viện sẽ áp dụng các biện pháp cách ly triệt để và thông báo cho mọi người biết để cùng phòng chống dịch. Để dự phòng các bệnh lây qua đường hô hấp, bạn nên thường xuyên đeo khẩu trang và rửa tay sạch sẽ với xà phòng khi đến môi trường bệnh viện.

Lưu Xuân Phương , Nam - 55 Tuổi
Dịch MERS ở Thái Lan đến nay diễn biến ra sao? Thái Lan có bị coi là vùng có dịch MERS cùng với Philippin và Malaysia nữa không? Nếu đi du lịch Thái Lan (tập thể khoảng hơn 20 người) vào cuối tháng 7 này có nguy hiểm gì không? Xin cảm ơn

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Thái Lan mới phát hiện ca bệnh đầu tiên và đến nay đã khỏi, tổ chức Y tế thế giới không khuyến cáo việc không đi du lịch ở THái Lan, tuy nhiên khi đi du lịch bạn thường xuyên cập nhật thông tin về dịch MERS, để áp dụng các biện pháp phòng chống kịp thời.

Nguyễn Lan Anh , Nữ - 37 Tuổi
Gia đình tôi gồm 2 vợ chồng và 2 bé, 1 bé 12 tuổi, 1 bé 8 tuổi giữa tháng tới có chuyến du lịch 10 ngày tới Hàn Quốc. Chuyến bay đã đặt từ lâu nhưng giờ nghe bên đó dịch MERS hoành hành mà tôi thấy lo quá. Với trường hợp cụ thể như nhà tôi, xin các chuyên gia tư vấn giúp tôi cần chuẩn bị những gì, cần làm gì để có một chuyến du lịch an toàn? Xin cảm ơn các chuyên gia đã tư vấn?

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Do dịch đang diễn biến phức tạp ở Hàn Quốc nên bộ Y tế khuyến cáo mọi người không nên đi du lịch Hàn Quốc vào lúc này. Bạn có thể hủy tour và đi vào dịp khác. Trong bối cảnh bất khả kháng trước khi đi du lịch bạn nên mua bảo hiểm du lịch, chuẩn bị đầy đủ khẩu trang để thay đổi thường xuyên khi tiếp xúc nơi đông người ở Hàn Quốc, mang theo các dung dịch sát khuẩn tay nhanh để rửa tay thường xuyên, thực hiện ăn uống hợp vệ sinh và nếu xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho, khó thở thì phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất ở Hàn Quốc để được cách ly và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, thời gian ủ bệnh là từ 2-14 ngày, nếu bạn không có triệu chứng bệnh ở Hàn QUốc thì khi trở về VN bạn phải làm tờ khai kiểm dịch và theo dõi sức khỏe, nếu có bất cứ triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp nào thì phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, cách ly và chữa bệnh.

Trang , Nữ - 24 Tuổi
Người nghi nhiễm MERS-CoV được cách ly như thế nào ở VN thưa bác sĩ?

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Nếu được khẳng định là bị nhiễm MERS thì bệnh nhân được cách ly ở một phòng riêng biệt 1 cách nghiêm ngặt, dưới sự giám sát của các thầy thuốc, đồng thời những người có tiếp xúc với bệnh nhân trước đó cũng phải được theo dõi sức khỏe bởi hệ thống y tế dự phòng, nếu cần có thể được cách ly tại nhà, khi có triệu chứng sẽ được cách ly tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế nơi gần nhất.

Chi phí, địa chỉ xét nghiệm, điều trị MERS

Nguyễn Văn Nam , Nam - 22 Tuổi
Xin hỏi, tôi và người nhà cần làm gì khi có một người trong gia đình có biểu hiện của MERS-CoV?

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Bạn nên đưa ngay người ốm đến bệnh viện để được cách ly và khẳng định chẩn đoán là có bị MERS thật sự hay không. Bởi vì bệnh cảnh viêm đường hô hấp trên thường do nhiều nguyên nhân gây nên trong đó có MERS. Nếu được khẳng định vị nhiễm MERS bệnh nhân sẽ được điều trị cách ly nghiêm ngặt tại cơ sở y tế, những người nhà cũng được theo dõi sức khỏe và cách ly tại nhà nếu có triệu chứng sẽ được cách ly, điều trị trong bệnh viện.

Bùi Đình Toàn , Nam - 29 Tuổi

Hôm trước tôi đọc báo VietNamNet được biết chi phí cho mỗi lần xét nghiệm MERS là khoảng 1,2 triệu đồng, trong khi có thể một mẫu phải xét nghiệm đến mấy lần để khẳng định có dương tính hay không? Vậy 1,2 triệu đó là toàn bộ quá trình xét nghiệm ra kết quả hay chỉ là 1 lần? Tôi cũng thấy Bộ trưởng nói sẽ xem xét xét nghiệm miễn phí, vậy không hiểu hiện nay đã được miễn phí hay chưa? Xin trân trọng cảm ơn

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Đây là chi phí cho toàn bộ xét nghiệm, tuy nhiên tùy theo sinh phẩm được mua ở các hãng khác nhau nên chi phí có thể giao động chút ít, hiện nay VN chưa công bố dịch nên chỉ các mẫu bệnh phẩm được gửi đến các viện thuộc hệ y tế dự phòng để làm sàng lọc đều được miễn phí.

Lý Hoài Nam , Nam - 25 Tuổi
Chào các bác, tôi muốn hỏi chi phí điều trị MERS-CoV có được bảo hiểm y tế chi trả ko và được thanh toán bao nhiêu %? Xin cám ơn

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Khi Chính phủ có công bố dịch xảy ra vì MERS là dịch truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A nên những người bị nhiễm MERS sẽ được điều trị miễn phí.

Thanh Mai , Nữ - 25 Tuổi
Khi nghi ngờ mình bị nhiễm MERS-CoV, tôi có thể tới đâu và liên hệ với ai để tìm sự giúp đỡ?

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Bạn có thể đến cơ sở y tế gần nhất để khai báo và được giúp đỡ.

Mai Thi Hân , Nữ - 34 Tuổi
Tôi cũng đã từng đến khám tại nhiệt đới, tôi thấy diện tích quá nhỏ như vậy, nếu dịch vào mà đưa người nhiễm MERS về đó cách ly thì liệu có ổn không? Tôi rất sợ cảnh lây chéo giống như dịch sởi mới đây tại Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Hiện nay Bộ Y tế đã có kế hoạch phòng chống MERS tùy theo các bối cảnh khác nhau, trong đó ở giai đoạn hiện nay bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được giao nhiệm vụ sàng lọc để phát hiện ca bệnh đầu tiên, khi đã có các ca bệnh thì Bộ Y tế đã có hướng dẫn phân tuyến điều trị chứ không phải chỉ điều trị ở bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương là tuyến cao nhất về phòng chống bệnh truyền nhiễm, có nhiều chuyên gia giỏi, phương tiện hiện đại, đây cũng là bệnh viện đầu tiên khống chế thành công dịch SARS trên thế giới. 

Khi có dịch xảy ra bệnh viện sẽ tổ chức phòng chống dịch bệnh theo đúng quy chuẩn và kết hợp với các đơn vị vệ tinh để ngăn chặn dịch. Trong dịch sởi năm 2014 không có lây nhiễm chéo trong bệnh viện này. Tuy nhiên để phòng chống dịch trong tương lai, chính phủ đã đầu tư xây dựng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cơ sở 2 tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh với quy mô 1.000 giường bệnh, sẽ khai trương vào tháng 12/2015, bệnh viện sẽ sẵn sàng cho công tác phòng chống dịch.

Bùi Đức Cường , Nam - 32 Tuổi
Tôi sống ở khu vực Samsung Bắc Ninh, nơi có nhiều người Hàn Quốc làm việc. Nhưng tôi thấy hiện nước ta mới chỉ áp dụng tờ khai y tế tại sân bay, việc này thực tế phụ thuộc vào tính tự giác của người khai là chính, chưa kể nhiều người ko biết tiếng Anh. Vậy chúng ta có nên tin tưởng tuyệt đối vào tờ khai đó hay không, hay có những kênh nào khác để giám sát, theo dõi?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Xin cám ơn bạn! Chắc bạn quan tâm tới vấn đề này vì bạn ở Bắc Ninh nơi cũng có nhiều KCN có người Hàn Quốc đến làm việc. Việc giám sát tại sân bay thông qua máy đo nhiệt độ từ xa chỉ phát hiện được những trường hợp người nhiễm MERS đang có triệu chứng sốt mà thôi. Chính việc áp dụng tờ khai y tế là để yêu cầu người dân đi từ các nước có dịch nhập cảnh vào Việt Nam khai báo các thông tin cần thiết để giúp cán bộ kiểm dịch căn cứ vào đó tiến hành các hoạt động điều tra, giám sát, theo dõi và nếu có những bệnh nhân nghi ngờ có thể cách ly tránh lây lan cho những người khác.

Tờ khai y tế còn có phần được gửi tới những người nhập cảnh biết khi mình có những triệu chứng nghi ngờ nhiễm MERS xảy ra trong vòng 14 ngày (vì thời gian ủ bệnh của MERS là 14 ngày) thì trực tiếp gọi điện, khai báo cho các cơ quan y tế tiến hành khám, xét nghiệm, tư vấn và nếu đúng là bệnh nhân nhiễm MERS thì sẽ tiến hành cách ly để tránh lây lan ra cộng đồng.

Ngoài ra hiện nay Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo các ngành thông tin truyền thông, công an, thương binh xã hội, các khu công nghiệp, chế xuất, khu nhà nghỉ khách sạn nơi có người đi từ vùng dịch để tiếp cận để tuyên truyền, tư vấn và hướng dẫn cho những người đi từ các nước đang có dịch cũng chủ động phối hợp với ngành y tế tiến hành các biện pháp phòng bệnh.

Bạn cũng không nên quá lo lắng khi bạn sống ở địa bàn có nhiều người Hàn Quốc sinh sống và làm việc.

Vung Mam , Nam - 48 Tuổi
Một người có BHYT tại tuyến tỉnh, Nếu có nghi ngờ nhiễm MERS - CoV tại các tỉnh lẻ, người nhà không khám tại y tế cơ sở mà chuyển thẳng lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Tp HCM thì chế độ viện phí có được bảo hiểm y tế chi trả hay không?

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Chỉ khi nào chính phủ công bố có dịch MERS thì bệnh nhân sẽ được khám và điệu trị miễn phí dù đến bất cứ cơ sở y tế nào.

Quách Thị Thành , Nữ - 36 Tuổi
Xin Bác Sỹ cho tôi hỏi cách thức lây lan của bệnh MERS-CoV và lứa tuổi nào dễ mắc phải nhất. Đề phòng bệnh như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: MERS có thể gây bệnh cho bất cứ lứa tuổi nào tuy nhiên những người có bệnh nền như tiểu đường, cao huyết áp, viêm phổi tắc nghẽn, bệnh gan, thận mãn tính, người già và trẻ em có nguy cơ bị bệnh nặng hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn.

Việc phòng bệnh bạn có thể tham khảo các câu trả lời ở trên.

Minh Hòa , Nữ - 47 Tuổi

Người ở vùng dịch về có phải đến bệnh viện khám không? Có thể làm xét nghiệm để biết chính xác là không bị nhiễm bệnh không hay chỉ đi khám khi có triệu chứng thôi? Xin cảm ơn chuyên gia.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Nếu bạn không có triệu chứng gì thì không cần đi khám, mặc dù đi từ vùng dịch tễ về. Hiện nay xét nghiệm REALTIME RT - PCR là xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán chính xác bệnh MERS.

Do thời gian giao lưu có hạn, lượng câu hỏi bạn đọc gửi đến quá lớn, nên một số thắc mắc chưa được giải đáp, VietNamNet đã chuyển các câu hỏi còn lại của quý vị đến các khách mời.

Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị!

VietNamNet