Như sự sắp đặt của số phận, 2 con người cùng khổ ở cách xa hàng trăm km lại gặp được nhau, tìm thấy sự đồng cảm, sẻ chia.

Người chồng, chàng trai trong câu chuyện tình như cổ tích có tên Hoàng Văn Tuấn (SN 1978, Bản Châu, xã Tri Lễ, Văn Quan, Lạng Sơn). 10 năm trước, một tai nạn kinh hoàng đã xảy ra cướp đi một nửa cơ thể của Tuấn. Với một nửa cơ thể còn lại gắn chặt trên xe lăn, anh vẫn cố sống, vượt qua tất cả mọi khó khăn để tìm lại hạnh phúc đích thực cho cuộc đời.

Vợ anh là chị Phạm Thị Ngọc (SN 1983, quê xã Liên Giang, Đông Hưng, Thái Bình). Trước, chị Ngọc cũng là người con gái bình thường với bao hoài bão, dự định lớn lao.

Học hết cấp 3, vì điều kiện gia đình khó khăn, nên chị tạm gác giấc mơ thi đại học để vào làm công nhân trong miền nam. Chưa kịp xây dựng hạnh phúc gia đình thì một tai nạn kinh hoàng xảy ra với chị trên chuyến xe về thăm nhà vào năm 2006.

Nghe kể, vụ tai nạn xe khách ấy chỉ có 2 người sống sót, trong đó có chị Ngọc. Vụ tai nạn đã cướp mất của chị đôi chân lành lặn.

{keywords}

Vợ chồng anh Tuấn, chị Ngọc cùng người mẹ nuôi tốt bụng.

Như sự sắp đặt của số phận, 2 con người cùng khổ ở cách xa hàng trăm km lại gặp được nhau, tìm thấy sự đồng cảm, sẻ chia cho nhau, để rồi chính thức gắn bó 2 cuộc đời tàn tật bằng một đám cưới giản dị vào ngày 6/6/2015.

Trong cái đám cưới tật nguyền đó, thay vì cười nói chúc tụng, có nhiều người lại khóc. Không biết họ khóc cho số phận của cặp vợ chồng, hay khóc mừng vì cuối cùng anh Tuấn, chị Ngọc đã tìm thấy được hạnh phúc?

Ngày cưới, chú rể vui mừng khi đón được cô dâu mới, tuy nhiên cái dốc lên nhà chú rể lại rất cao, mọi người rất vất vả mới đẩy được xe lăn đưa hai người lên. Họ bảo, cái dốc sẽ là vật cản rất lớn đối với đôi vợ chồng trẻ sau này.

Câu chuyện tôi chỉ mới nghe sơ qua, mà như bạn tôi kể lại rằng, đó là 2 thân phận cuộc đời như phim, và chuyện tình cảm của họ cũng lãng mạn giống như phim ảnh.

Con đường từ Quốc lộ 1B rẽ vào Bản Châu ngoằn nghèo, dốc lên dốc xuống, đi mãi tôi mới tìm đến được ngôi nhà của cặp vợ chồng kỳ lạ đó. Do đã hẹn từ trước, Tuấn ngồi xe lăn chờ tôi ngay trước cửa, bên trong nhà là chị Ngọc cũng đang ngồi xe lăn lúi húi nhặt rau, chuẩn bị cho bữa trưa.

{keywords}

Ngôi nhà của anh Tuấn ở Lạng Sơn.

Anh Tuấn bảo rằng, hai vợ chồng cưới nhau đã được 2 tuần nhưng họ vẫn chưa có được một đêm tân hôn. Hôm đi đón dâu vì ngồi xe ô tô đi đường xóc, vết thương phần dưới của Tuấn lại lở loét.

Chỉ vào đôi chân quắt queo đã mất hết cảm giác, Tuấn bảo đó là di chứng quãng đời nghiệt ngã của mình. Đến giờ anh vẫn không hiểu nổi là tại sao mình lại có thể vượt qua nó.

Hồi còn bé, mẹ con Tuấn suốt ngày phải chịu đựng những trận bạo hành của bố. Đến năm anh 11 tuổi, gia đình tan vỡ, mẹ anh đi bước nữa, nhưng bố dượng đối xử với anh thậm chí còn tệ hơn. Ông bắt anh phải vào núi kiếm củi, xuống sông đánh cá. Ông lôi sách vở ra đốt sạch.

Có lần, phát hiện thấy anh đứng nhìn qua cửa lớp xem các bạn khác học bài, ông ta lôi về nhà, lột quần áo trói nghiến vào gốc cây giữa trời nắng như đổ lửa. Bà con lối xóm hết lời can ngăn mới thôi.

Phẫn uất, anh bỏ nhà đi lang thang, sống bụi bờ suốt 4 năm. Lần đi qua thôn Bản Châu, Tuấn kiệt sức vì đói khát và được một người đàn bà tốt bụng cứu chữa, chăm sóc, nhận làm mẹ nuôi. Anh được mẹ nuôi cho mảnh đất, dựng nhà và ở luôn cho đến bây giờ.

Nhắc đến chuyện cũ, người đàn ông tật nguyền cười buồn: “Đó là quãng thời gian êm đẹp nhất. Sau đó, tôi cũng đã có 1 gia đình nhỏ, nhưng thật ngắn ngủi. Hình như, số phận luôn thử thách tôi vậy”.

{keywords}

Tuấn mở cửa hàng hàn xì ngay tại nhà.

Ở với mẹ nuôi, vì nhà nghèo nên Tuấn vẫn đi làm thuê làm mướn hàng ngày. Năm 20 tuổi, mẹ nuôi thế chấp đất đai làm vốn được 7 triệu, anh quay sang nghề mổ lợn, rồi đi buôn bán khắp nơi. Cũng trong năm đó, Tuấn lập gia đình với 1 cô gái ở xã bên.

Anh kể, hai người có với nhau 1 đứa con gái chung. Hạnh phúc mới được vài năm thì phát hiện ra vợ mình ngoại tình. Khuyên can mãi không được, Tuấn nhận nuôi con để cho vợ đi tìm hạnh phúc mới. Ly hôn chưa được bao lâu, thì tai họa ập đến.

Năm 2004, Tuấn đi chở gỗ về làm khuôn cửa, thì một tảng đá trên núi lăn xuống. Lúc mơ màng tỉnh dậy, có thể nhận biết mọi thứ xung quanh thì anh thấy bạn bè đang ôm mặt khóc. Bác sĩ bảo mọi người về chuẩn bị hậu sự, vì Tuấn bị thương rất nặng, gãy cột sống, dịch tràn màng phổi.

Nhưng Tuấn không chết, mà phải chịu đau đớn suốt 3 năm ròng rã với cái chân cứ hoại tử dần dần. Trong 3 năm đó, mẹ nuôi và bạn bè trong bản cưu mang 2 bố con Tuấn. Đến lúc những cơn đau tạm chấm dứt thì cũng là lúc Tuấn biết mình sẽ phải sống nốt cuộc đời còn lại trên xe lăn.

Trong nhà, chỉ còn mỗi một manh chiếu rách, vì đến như nồi niêu, bàn ghế, giường tủ hay bất cứ cái gì nhỏ nhất cũng phải bán sạch lấy tiền sinh sống và chữa trị.

Điều an ủi là cô con gái rất thương bố. Cô bé đi xin khắp bản, làm bất cứ việc gì miễn là có cái ăn. Cứ thế, hai bố con rau cháo qua ngày. Sống tựa vào nhau cho đến tận đầu năm 2015 thì cô con gái cũng lập gia đình.

Ngày về nhà chồng, cô cứ ôm lấy Tuấn khóc, lo cho bố một thân tật nguyền, không có ai chăm sóc lúc trái gió trở trời. Anh phải động viên mãi cô mới chịu bước lên xe hoa.

Con gái đi lấy chồng, Tuấn phải bán đi phần lớn mảnh đất mình đang ở chia cho con gái một ít. Phần còn lại, anh mở một cửa hàng hàn xì và sửa chữa đồ lặt vặt, rồi cứ ngồi trên xe lăn làm việc.

Buồn đời, Tuấn một mình ở nhà thở vắn than dài. Bầu bạn với Tuấn là cây đàn ghi ta được mẹ nuôi mua cho. Tuấn chơi đàn hay lắm, nhất là những bản tình ca lãng mạn, những bài về số phận, về cuộc đời. Tuy nhiên, quanh quẩn chỉ có mấy ông hàng xóm ngồi nghe.

Hoàng Văn Tuấn mới gần 40 tuổi, anh vẫn luôn khao khát một mái ấm gia đình. Nhưng nhìn lại cơ thể tật nguyền trên xe lăn, những cơn đau hành hạ, đến bản thân chưa chắc đã tự nuôi nổi, rồi ai sẽ chấp nhận chung thân cuộc đời với mình? Nghĩ đến đó, Tuấn lại thở dài ngao ngán, buồn cho số phận…

(Còn nữa)

(Theo VTC News)