Một nghiên cứu mới tại Đức khẳng định tập thể dục có thể làm chậm quá trình lão hóa, và việc đi bộ mỗi ngày sẽ giúp giảm nguy cơ tử vong do đau tim xuống còn một nửa. Không những vậy, tuổi thọ của bạn thậm chí có thể kéo dài thêm 7 năm.

{keywords}
Đi bộ/chạy bộ 25 phút mỗi ngày sẽ giúp kéo dài tuổi thọ từ 3-7 năm

Được trình bày hôm Chủ nhật vừa qua tại Ủy ban sức khỏe châu Âu ESC, nghiên cứu này gợi ý rằng việc tập thể dục với cường độ vừa phải sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ trụy tim đáng kể cho nhóm tuổi 50-60. Kết luận này được đưa ra sau một thời gian theo dõi tình trạng sức khỏe của các tình nguyện viên trong độ tuổi 30-60.

Các đối tượng được lựa chọn đều có một điểm chung là hiếm khi hoặc không bao giờ tập thể dục. Để phục vụ nghiên cứu, các chuyên gia đã tiến hành đo nhiều chỉ số chủ chốt của lão hóa trong máu các tình nguyện viên. Chỉ sau 6 tháng, những chỉ số này đã phản ánh những thay đổi tích cực bên trong cơ thể.

Sanjay Sharma, một Giáo sư tim mạch của Anh khẳng định, tất cả mọi người đều nên hình thành thói quen tập thể dục mỗi ngày, vì tỷ lệ giảm 50% nguy cơ trụy tim là "cực kỳ đáng kể" trong y khoa.

"Hơn thế nữa, tập thể dục còn giúp bạn tăng thêm từ 3-7 năm tuổi thọ. Đó là một liệu pháp giúp chống suy nhược cơ thể, cải thiện chức năng nhận thức và giờ đây, chúng ta đã có cả bằng chứng về việc nó có thể làm chậm lại sự tấn công của bệnh mất trí nhớ nữa", ông cho biết. "Việc già đi là không thể tránh được, nhưng chúng ta có thể trì hoãn được việc đó".

"Chúng ta có thể trông trẻ hơn tuổi 70 và sống được đến năm 90 tuổi", Giáo sư lạc quan, không quên nói thêm rằng không bao giờ là quá muộn để bắt đầu tập thể dục.

Một số cuộc nghiên cứu độc lập khác phát hiện thấy, những cụ già bắt đầu tập thể dục ở tuổi 70 sẽ ít có nguy cơ phát triển bệnh xơ vừa động mạnh hơn. Đây là một căn bệnh ảnh hưởng đến 10% số người trên 80 tuổi tại châu Âu.

Ngoài chạy bộ thì các bài tập aerobic nhẹ, tập cơ và thể lực đều có tác động tích cực đến các chỉ số đo lão hóa của cơ thể. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy các bài tập sức bền hoặc bài tập cường độ cao sẽ hiệu quả hơn so với chỉ nâng tạ thông thường, bởi chúng làm tăng hoạt động của enzyme telomarase và sửa chữa những DNA già nua.

Họ cho rằng bằng cách đo mức độ gia tăng hoạt động của enzyme nói trên và sự suy giảm của chỉ số p16 (cả hai chỉ số này đều đo mức độ lão hóa tế bào trong máu) trong thời gian 6 tháng, các bác sĩ có thể chứng minh được việc tập thể dục đều đặn đã làm kích hoạt quá trình chống lão hóa ở cơ thể. "Nghiên cứu này giúp chúng ta hiểu hơn vì sao hoạt động thể chất lại có tác dụng như vậy. Chúng ta hiểu được quy trình lão hóa tế bào và thể dục có thể tác động đến quy trình đó ở cấp độ tế bào ra sao", Giáo sư Christi Deaton của Đại học y khoa Cambridge đánh giá.

"Bạn càng chăm tập luyện thì lợi ích càng lớn, việc bạn bắt đầu hình thành thói quen từ khi nào không còn quan trọng nữa", Giáo sư khuyến nghị. Thời gian được khuyên là tập thể dục 150 phút mỗi tuần.

Thiên Ý