Mối liên hệ giữa những cặp vợ chồng "tinh tế và nhạy cảm" với độ bền của cuộc hôn nhân hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên.
Những sự giao tiếp không lời: Một cái nhướng mày, khoanh tay trước ngực, tì tay lên vai, một bức email... tất cả đều có sức mạnh không kém gì lời nói. Chúng có thể giúp bạn củng cố cuộc hôn nhân của mình, nhưng đồng thời cũng có thể khiến nó trở nên rạn nứt.
Tất nhiên, giao tiếp không lời không hề đơn giản. Không phải lúc nào bạn cũng nhận ra là mình đang "nói lên điều gì đó". Và thông điệp câm lặng của bạn đôi khi hoàn toàn đối lập với những điều nói ra, khiến cho chồng/vợ của bạn vô cùng bối rối.
Không có gì lạ khi nhiều người vợ thắc mắc về hành vi của chồng khi mới kết hôn. "Vì sao chồng tôi lại nói một đằng, làm một nẻo?". Ngược lại, các ông chồng cũng băn khoăn "Tại sao cùng một người mà trước đây cô ấy hấp dẫn tôi như vậy, giờ đây lại tỏ ra lạnh lùng y như tảng đá mỗi khi tôi lại gần?".
Chính vì giao tiếp không lời rất khó phiên dịch nên các chuyên gia tâm lý tin rằng, nếu người chồng/vợ càng tinh ý, nhạy cảm, "thông minh" về mặt suy đoán cảm xúc thì cuộc hôn nhân đó càng có tiềm năng bền vững. Đó là bởi vì sự hiểu lầm được hạn chế một cách tối đa, và giữa hai người dễ dàng tìm được sự đồng cảm với nhau hơn.
Tất nhiên, không phải ai cũng có tài năng đó một cách bẩm sinh. Dù vậy, bạn vẫn có thể luyện tập khả năng đọc cảm xúc của người khác, dựa trên những nguyên tắc dưới đây.
1. Rũ bỏ công nghệ ngay khi có thể
Đừng ỉ lại vào tin nhắn khi muốn truyền tải một thông điệp quan trọng đến chồng/vợ của bạn. Tương tự, cũng đừng trao đổi, thảo luận những vấn đề nhạy cảm qua điện thoại hoặc email. Khi bạn đọc email hoặc nghe qua điện thoại, không bao giờ bạn tiếp nhận được thông điệp một cách hoàn chỉnh và đầy đủ nhất. Bạn làm sao nhìn thấy biểu cảm khuôn mặt, sự ấm áp hay chân thành trong lời nói của cô ấy/anh ấy? Lời khuyên đưa ra, những cuộc trò chuyện riêng tư, mang tính xây dựng quan hệ cần phải được tiến hành mặt đối mặt.
2. Đừng có nói suông
Hành động quan trọng hơn ngàn lời nói. Bạn có thể nói với anh ấy rằng mình rất quan tâm đến anh ấy/cô ấy, nhưng nếu không có hành động nào biểu hiện sự đam mê hay nhiệt tình của bạn, những lời có cánh đó cũng chỉ là vô nghĩa.
3. Đừng có im lặng khi muốn truyền đi một thông điệp
Sự im lặng có thể là hình thức giao tiếp mạnh nhất, nhưng cũng dễ dàng bị hiểu sai nhất. Với sự im lặng của mình, bạn định nói gì?
"Đừng có làm phiền em/anh"
"Tôi không quan tâm anh/cô nghĩ gì hoặc anh/cô cần gì ở tôi nữa".
Vấn đề khi bạn im lặng là chồng/vợ của bạn sẽ cố điền vào chỗ trống những câu trả lời sai toét. Học cách truyền đạt với họ cảm xúc của bạn sẽ giúp chồng/vợ bạn hiểu được trái tim bạn mong muốn điều gì, thay vì đẩy họ vào tình thế suy đoán về kịch bản tệ nhất.
4. Đừng có phản ứng thái quá
Nhiều khi bạn hiểu nhầm ý của chồng/vợ mình. Thay vì nổi đóa lên, hãy hỏi lại để xác thực trước khi có bất cứ hành động nào.
5. Coi chừng ngôn ngữ cơ thể của bạn
Vẻ mặt và ánh mắt của bạn có thể truyền đạt thông điệp rất rõ về mức độ quan tâm của bạn dành cho những gì mà anh ấy/cô ấy đang nói. Những hành động như nhìn đi chỗ khác, cọ móng tay, ngáp, đổi kênh TV liên tục chẳng khác gì câu "Mất thời gian quá. Làm việc khác còn hơn".
Do đó, để tránh bị sao nhãng khi chồng/vợ bạn đang cố nói chuyện với bạn, hãy tắt TV, đài, máy tính và tất cả các thiết bị điện tử khác đi.
6. Chạm nhẹ hoặc âu yếm để thể hiện tình yêu
Ai cũng cần được âu yếm. Trẻ nhỏ khi không được âu yếm, vuốt ve sẽ bị méo mó về mặt cảm xúc. Những cặp đôi không chịu chạm vào nhau (như cầm tay, xoa cổ, quàng tay ôm nhau...) sẽ không thể thân thiết như những cặp đôi làm việc đó mỗi ngày được.
7. Dùng mắt để bày tỏ sự chân thành và quan tâm
Hầu hết các bà mẹ đều là chuyên gia trong việc điều khiển hành vi của trẻ chỉ bằng cách nhìn chúng.
8. Hãy luôn thực hành
Không phải ai cũng thành thục ngay từ đầu, điều quan trọng là bạn có áp dụng thường xuyên những gì học được hay không.
Thiên Ý