Chị Huyền một bà mẹ hiện đang sống tại Singapore chia sẻ nhân dịp đoạn clip "Quang Trung - Nguyễn Huệ" gây xôn xao.

Trưa ngày 11/7, trong chuyên mục Tiêu điểm của chương trình Chuyển động 24h của VTV phát sóng phóng sự "Báo động tình trạng thiếu hiểu biết kiến thức lịch sử của học sinh hiện nay”. Chỉ với một câu hỏi đơn giản về vị vua Quang Trung - Nguyễn Huệ đặt ra cho 7 em học sinh ở các độ tuổi, cấp học khác nhau, đoạn clip đã khiến người xem phải giật mình với những câu trả lời "không biết", thậm chí sai lệch lịch sử nghiêm trọng.

Có em khi được hỏi câu "vua Quang Trung và Nguyễn Huệ có mối quan hệ gì?" ngay lập tức lắc đầu, có em lại nói rằng Quang Trung - Nguyễn Huệ là hai bố con, là bạn chiến đấu. Cá biệt, có trường hợp còn hồn nhiên khẳng định "Quang Trung là nhà vua còn là nhà thơ nữa. Con đang học trường của ông ấy. Con học trường Nguyễn Du, mà Nguyễn Du chính là ông Quang Trung".

Đoạn clip ngắn ngay lập tức được lan truyền trên khắp các mạng xã hội, đồng thời kéo theo một cuộc tranh luận không nhỏ về cách dạy và học môn lịch sử hiện nay ở Việt Nam. Nhiều ý kiến người lớn bày tỏ sự thất vọng vì thế hệ trẻ ngày nay không thuộc lịch sử dân tộc đồng thời đặt câu hỏi vì sao những kiến thức lịch sử cơ bản được dạy đi dạy lại trong nhiều cấp học mà các em học sinh cũng sai.

{keywords}

Giữa khi đoạn clip học sinh trả lời sai về Quang Trung - Nguyễn Huệ gây xôn xao dư luận 3 ngày vừa qua, chị Huyền Dupasquier, một bà mẹ trẻ hiện đang lưu trú dài hạn cùng gia đình tại Singapore đã có những chia sẻ thú vị về một tiết học lịch sử của con chị tại một trường tiểu học Singapore. Bài viết mang đến cho người đọc một góc nhìn rất mới về việc dạy và học lịch sử ở nước bạn.

Nguyên văn bài chia sẻ thú vị và đáng suy ngẫm của chị Huyền:

Tại sao người lớn coi nặng nề chuyện trẻ con không thuộc tên, nhớ rõ lai lịch của các ông vua của Việt Nam vậy nhỉ? Phải nói thật là dù học hết 12 năm phổ thông ở Việt Nam, tôi vẫn không nhớ ông nào vào với ông nào, trừ một vài nhân vật thực sự để lại dấu ấn đáng kể.

Học sử theo cái cách được dạy ở trường xưa nay thì không nhớ là phải, sao trách được các cháu? Liệu những người đang cười tụi trẻ ấy, có nhớ hết được tên các ông vua theo đúng tuần tự lịch sử không? Tôi là tôi nghi ngờ điều đó. Tôi đã từng phải mua cuốn "Các triều đại Việt Nam" của hai tác giả Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng để tự xem thêm, chứ tôi hầu như chẳng nhớ được gì về các ông vua và các triều đại của Việt Nam từ những gì học được từ môn Lịch sử ở trường.

Tôi nhớ, khi con trai đang học tiểu học ở một trường quốc tế ở Singapore và có các tiết học về những nền văn minh cổ đại, nó được phép chọn tìm hiểu về một nền văn minh với một nhân vật tiêu biểu để giới thiệu, và tôi, một bà mẹ mà từ nhỏ chẳng cầm đến cây kim bao giờ, đã phải lọ mọ ra cửa hàng vải, mua hai tấm vải về ngồi tự cắt, dán, khâu cho nó một bộ trang phục, dù vụng về, để nó hoá trang, mô tả về nhân vật vua Tutankhamun của Ai Cập Cổ Đại mà nó chọn.

Buổi học mà chúng trình bày về các nhân vật lịch sử mà chúng đã tìm hiểu đó được tổ chức dưới một mô hình là "bảo tàng" (phòng học). Mỗi học sinh trong lớp con vào vai một nhân vật và đứng thành từng nhóm nhỏ. Khách tới dự là phụ huynh, thầy cô giáo và học sinh của các lớp khác trong trường, ai rỗi thì tự do bước vào, và mỗi lần có khách tới thăm, chúng sẽ tự nói về nhân vật lịch sử mà chúng chọn, bắt đầu bằng "tôi là.... ". Như vậy, buổi học này đã đảm bảo được đủ các yếu tố: rèn kỹ năng tự tìm kiếm thông tin; kỹ năng thuyết trình; ghi nhớ thông tin; tạo niềm yêu thích của trẻ với môn học. Phụ huynh đã có một trải nghiệm rất thú vị. Tụi trẻ thì đặc biệt thích thú với việc cả lớp biến thành những nhân vật nổi tiếng mà chúng chỉ thấy trong phim ảnh, đi lại, cười đùa. Buổi học vui như buổi hội hoá trang thu nhỏ.

{keywords}

Con trai chị Huyền mô tả về nhân vật vua Tutankhamun của Ai Cập Cổ Đại. (ảnh NVCC)

{keywords}

Hình ảnh một giờ học lịch sử của học sinh tiểu học tại trường Overseas Family School ở Singapore. (ảnh NVCC)

Giả sử, sau này con không còn nhớ nhiều về vua Tutankhamun thì với tôi cũng chẳng phải chuyện gì to tát, điều quan trọng là nó đã có những giờ học vui vẻ, không thấy ngại, sợ môn lịch sử và giữ được nhiệt tình học hỏi, khi nào muốn hoặc cần, nó vẫn có thể tự mình đi mua một cuốn sách hay tìm kiếm thông tin về vấn đề nó đã quên.

Cách học sử này không hề tốn kém gì cả, vì khâu hoá trang, thực ra chỉ cần tận dụng những vật liệu cũ hoặc mua hết rất ít tiền, nhưng để thực hiện được thì tụi trẻ cần sự quan tâm, giúp sức, chia sẻ của cha mẹ, thầy cô. Đó là cách trường quốc tế dạy trẻ học lịch sử.

(Theo FB Huyền Dupasquier / Khampha)