Cô Kim Oanh - người mẹ chồng hiện đại nổi tiếng với suy nghĩ "thoáng", không ngại ngần chia sẻ về những hành động quan tâm, thân thiết với hai nàng dâu, thậm chí còn “bênh” các con chẳng khác gì con gái ruột.

Sở hữu một tổ ấm hạnh phúc bên chồng, hai con trai đều đã lập gia đình, nàng dâu cả đã có em bé hơn 1 tuổi còn nàng dâu thứ hai cũng chỉ vài tháng nữa là đến ngày sinh, cô Phan Kim Oanh (Q. Tây Hồ, HN) từng được không ít chị em quan tâm và ngưỡng mộ bởi những bài viết sâu sắc về đề tài gia đình từng gây xôn xao diễn đàn dành cho các bậc làm cha mẹ.

Một chi tiết khiến ai cũng phải ngưỡng mộ đó là dù ba gia đình nhỏ chung sống bên nhau nhưng ngôi nhà lớn lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười hạnh phúc. Cô Oanh cũng không ngại ngần chia sẻ về những hành động quan tâm, thân thiết với hai nàng dâu, thậm chí còn “bênh” các con chẳng khác gì con gái ruột. Trên trang cá nhân của bà mẹ chồng hiện đại này, còn thường xuyên đăng tải những hình ảnh vui tươi và hạnh phúc của con dâu và con trai, bất ngờ nhất là trong số đó có cả những bức ảnh do đích thân cô bấm máy.

{keywords}

Tổ ấm hạnh phúc của cô Phan Kim Oanh

25 năm làm dâu nhà chồng, cũng ngần ấy năm cô Kim Oanh tích lũy cho mình những kiến thức quý giá từ người thân về chăm sóc tổ ấm nhỏ, cách đối nhân xử thế, dạy dỗ con cái nên người… Vừa trở về từ chuyến du lịch do cô con dâu cả "tặng" bố mẹ, cô Kim Oanh đã có những chia sẻ chân thành về tình yêu đặc biệt cô dành cho gia đình cùng những kinh nghiệm quý báu về mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu do cô tích lũy được suốt bao năm qua.

Thời gian vừa qua, bài “nhật ký mẹ chồng thời a còng” do cô viết đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, yêu mến của mọi người, đặc biệt là các nàng dâu. Bài nhật ký đó ra đời trong hoàn cảnh nào, thưa cô?

- Khi mình vào một số diễn đàn thấy rất nhiều các bạn đang bức xúc vì mẹ chồng và gia đình nhà chồng, mình đã comment rất nhiều và nghĩ có một lúc nào thuận lợi mình sẽ lập một tiêu đề về cách làm mẹ chồng hiện đại xem mọi người phản ứng ra sao... Rồi đúng lúc chuẩn bị đón con dâu thứ hai, mình viết ra như một nhật ký của mẹ chồng cho mọi người cùng chia sẻ, trên diễn đàn lượng người thảo luận cũng rất sôi nổi và khi một tờ báo điện tử đăng lại thì được các bạn đón nhận rất nhiều.

Từ trước đến nay, mọi người đều nghĩ rằng mẹ chồng - nàng dâu giống như 2 người phụ nữ ở 2 đầu chiến tuyến vì những mâu thuẫn mà nhiều khi không thể hóa giải được. Cô nghĩ sao về điều này?

- Khi mình làm dâu (mẹ chồng và mẹ đẻ mình chênh nhau về tuổi tác, nghề nghiệp và về quan niệm văn hoá... ), mình nhận thấy hai người mẹ có quý nhau hay không cũng từ con dâu. Và con dâu có nể mẹ chồng cũng do chính người mẹ đó quyết định: một người con gái sống hơn hai mươi năm trong một nếp sống khác về nơi mới rất cần có thời gian hoà nhập. Mà người vị tha phải là người mẹ.

Cô cho rằng việc nàng dâu bị mẹ chồng đối xử chưa tốt, cũng phần nào chính là do nàng dâu đó chưa làm đúng vai trò của một người con dâu. Việc đầu tiên là phải bình tĩnh kiểm điểm lại bản thân mình trước đã, như vậy có đúng không cô?

- Đúng, nhưng khi về môi trường mới, bố mẹ chồng hãy để con dâu có khoảng thời gian làm quen, hãy giúp đỡ các con hoà nhập tốt ở một môi trường hoàn toàn mới... Lúc này vai trò mẹ chồng là quan trọng nhất, mình tin các con sẽ biết ơn rất nhiều.

Có nhiều chị em cho rằng sở dĩ họ bị mẹ chồng chèn ép là bởi mẹ chồng họ cũng từng bị mẹ chồng đối xử khắc nghiệt như vậy, thành ra khi có con dâu, họ coi việc mẹ chồng đối xử tệ với nàng dâu là một cách để giải tỏa nỗi bực bội chất chứa trong lòng suốt bấy lâu. Cô có đồng ý với cách giải thích này không?

- Mình không đồng ý, nói như vậy ảnh hưởng đến vong linh các cụ đã làm mẹ chồng cổ nhưng rất tốt... Các cụ tuy khó tính , cổ xưa nhưng cũng có ý tốt cho con cháu có kỷ cương và giữ gìn bản sắc gia phong.

Bản tính phụ nữ Việt Nam hay nóng vội, bị ảnh hưởng sâu sắc về truyền thống, lương giáo nên nghĩ rằng nếu không uốn nắn ngay sẽ khó cho sau này… Vì thế mẹ chồng thường hay áp đặt , rồi vấn đề dòng dõi mang nặng trong tư tưởng, đứa cháu sinh ra luôn đặt niềm tin quá sớm nên đã gây áp lực khi giúp con chăm cháu khiến mâu thuẫn làm cho chính đứa cháu bơ vơ. Người con trai rơi vào trạng thái rất khó xử cũng do rất nhiều mẹ chồng can thiệp sâu khi bé và con dâu còn chưa đủ thời gian hoà nhập các thói quen gia đình.

{keywords}

Cô Kim Oanh bên mẹ ruột và cháu nội. Cô cho biết mình đã học hỏi được rất nhiều điều từ bà.

Ngày cô về nhà chồng làm dâu, cô có khi nào xảy ra mâu thuẫn với mẹ chồng không, thưa cô? Mỗi lúc như vậy, cô đã chọn cách giải quyết như thế nào để hai mẹ con cùng vui vẻ?

- Vốn tính hay quan sát nên mình biết rất nhiều mâu thuẫn mà mất cả đời người giữa hai bên có khi cũng không hóa giải nổi... Ai cũng khăng khăng vì con vì cháu mà cuối cùng chính đứa cháu lại chứng kiến sự cãi cọ của hai người phụ nữ rất quan trọng đối với cuộc đời chúng. "Phúc đức tại mẫu" - ai cũng biết nhưng lại không bao giờ nghĩ cho gia đình mình để tránh bất hoà.

Mình cũng từng có bất hoà nhỏ thôi về tính tiết kiệm triệt để của đa phần các mẹ chồng xưa. Những khi ấy, mình hay tránh để các cụ xót xa khi thấy đồ bị làm hỏng vỡ. Có thể nói dối "có thiện pháp" về giá cả khi phải mua món gì mà cụ cho là lãng phí và nhất là tuyệt đối không hùa theo người mà các cụ không vừa lòng...

Cô cũng là một người từng trải qua thời mà quan điểm về mẹ chồng – nàng dâu rất gay gắt. Nhưng cô lại có những suy nghĩ vô cùng cởi mở về việc làm dâu, rất yêu thương và biết nghĩ cho con dâu. Sự khác biệt này xuất phát từ đâu vậy cô?

- Mình nghĩ mọi sự buồn vui cũng đều tại con người, xảy ra mâu thuẫn không chỉ đưa gia đình và bản thân rơi vào mất đoàn kết, sai lầm này dẫn đến sai lầm khác... Làm việc có hiệu quả cũng xuất phát từ việc con người có hạnh phúc hay không!

Ngày mới lập gia đình, cô học những cách đối nhân xử thế với nhà chồng từ ai và cô tâm đắc nhất là bài học nào, thưa cô?

- Mình may mắn được mẹ đẻ dạy bảo và được làm dâu mẹ chồng hơn 25 năm, tuổi tác và nếp sống bên chồng khác xa bên mẹ đẻ. Để không xảy ra mâu thuẫn, mình luôn có cách sống của mình, tôn trọng và nghĩ rằng đây là nơi người phụ nữ bắt đầu làm mẹ...

Mình học cái tốt của bà, sửa cái chưa hay của bà và của mình một cách kín đáo, mình nhận thấy nên tôn trọng thói quen gia đình, nên biết tiết chế tốt nhất để chồng và các con được yên vui... Vì vậy 20 năm, chồng đi công tác thường xuyên, nhưng mẹ chồng và các anh em của bố mẹ chồng mình luôn tin tưởng, yêu quý. Cụ đã đi xa nhưng mình luôn nhớ đến cụ và làm tốt vai trò là mẹ, là mẹ chồng, là bà nội để cuộc sống tinh thần tốt hơn.

Qua những kinh nghiệm về việc làm dâu của mình, cô dự định sẽ truyền lại những gì cho 2 nàng dâu?

Mình nói với các bạn ấy: Mọi mâu thuẫn không hẳn do con người, nó có thể do tâm tư, trạng thái, do bất ổn công việc, kinh tế, môi trường gây nên... Vì thế hãy đại lượng và biết tha thứ, không có gì là không thể giải quyết nếu biết tĩnh tâm suy nghĩ.

{keywords}

Cô Kim Oanh và chồng

Người ta thường nói: khác máu tanh lòng. Cô đã làm thế nào để vượt qua được quan niệm đó và yêu thương con dâu như con mình dứt ruột đẻ ra?

Ai cũng làm con gái rồi mới làm con dâu, ai cũng làm mẹ rồi sẽ làm mẹ vợ, mẹ chồng. Nên đặt mình vào vị trí khác và nhìn mọi thứ theo nhiều góc độ ắt sẽ biết cách cư xử ... Rất nhiều người lo kết giao ngoài xã hội mà quên đi vợ của con mình đang rất hụt hẫng khi xa cha mẹ đẻ.

Cô có lời khuyên nào dành cho những nàng dâu đang chuẩn bị bước vào cuộc sống mới tại nhà chồng?

Theo mình các bạn trẻ hãy nghĩ thế này: Tuổi của phụ nữ sẽ được chia ra làm 4 mốc:

Từ 1-20 tuổi còn chưa hoàn thiện, mọi thứ đều còn trong vòng tay cha mẹ, ý nghĩa cuộc sống vẫn chỉ là một cô gái ngây thơ. Từ 20-40 tuổi: Bạn đã có kiến thức và số phận đã đưa bạn về một nơi mới, lúc này bạn mới thực sự là một người phụ nữ, cha mẹ ban mới an lòng. Hãy tin rằng nơi mới sẽ là nơi gắn bó mọi thứ với bạn, thành công hay thất bại, vui buồn hay hạnh phúc, bạn có thể biến miếng đất sỏi đá thành mảnh vườn có loại quả ngon khi có nỗ lực.

Từ 40-60 tuổi: bạn phát huy và được hưởng thành quả sau bao nỗ lực, lúc này bạn sẽ có nhiều động lực, bạn chẳng còn sợ bất kỳ một thử thách nào và không phải dạy con bạn luôn an tâm về một gia đình yên ấm. Từ 60 tuổi trở đi nếu bạn vui và sống tốt luôn thư thái, bạn chẳng sợ bệnh tật... Bệnh tật đều do Tâm mà ra. Rồi khi cái chết có đến cũng chỉ là nơi bạn đi về sau khi bạn hoàn thành một cuộc sống tốt. Đó là cuộc sống hạnh phúc!

Xin cảm ơn cô về cuộc trò chuyện. Chúc gia đình cô mãi hạnh phúc bên nhau!

{keywords}

{keywords}

Vợ chồng cô Kim Oanh trong ngày trọng đại của con trai út


{keywords}

Đại gia đình thường xuyên đi du lịch cùng nhau

(Theo  Trí Thức Trẻ)