- Cuộc sống thiếu thốn tình cảm gia đình cùng với cám dỗ của các tệ nạn xã hội đã đẩy Tân - một thanh niên đẹp trai, khỏe mạnh, hiền lành phải hóa bệnh tâm thần.

Tiếng bước chân huỳnh huỵch của mấy cán bộ phường khiêng người, tiếng khóc của bà mẹ nuôi chạy theo cùng tiếng thở hổn hển của người mắc bệnh đang giãy giụa trong vô vọng vì bị trói chặt đã đập tan khung cảnh yên tĩnh của một buổi sáng cuối tháng 7 tại khoa Lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương.

Đó là trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thanh Tân, 30 tuổi ở Đống Đa, Hà Nội. Tân vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình không vẹn tròn bởi, khi vừa tròn 8 ngày tuổi, Tân đã bị mẹ đẻ bỏ rơi để chạy theo một người đàn ông khác. Bố Tân lúc đó chỉ biết nhìn con rồi chìm dần trong những cuộc rượu không có điểm dừng. Đến năm 13 tuổi bố Tân chết, Tân được bác gái mang về nuôi dưỡng và dạy dỗ.

Tuy nhiên, tuổi thơ cay đắng cùng với những thiếu thốn tình cảm gia đình đã đẩy cậu chìm ngập trong những tệ nạn xã hội. Năm tròn 20 tuổi từ một thanh niên đẹp trai, khỏe mạnh, hiền lành , Tân dính vào vòng xoáy lô đề, cờ bạc và hút hít heroin.

{keywords}
Nghiện ma túy đá, người bệnh gần như luôn luôn bị mất kiểm soát và có thể dẫn đến những hành vi cực kỳ nguy hiểm. Ảnh minh họa

Có mặt tại Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, bà Nguyễn Thị Liên, mẹ nuôi Tân buồn bã kể: “Tân bị mẹ bỏ rơi khi còn 8 ngày tuổi thì được tôi nhận về nuôi. Thú thực với chị tôi vừa là mẹ nuôi, vừa là bác ruột của Tân.

Tân hút hít heroin nên bị bắt đi trại giáo dưỡng trên Ba Vì để cải tạo  lần 1. Được 2 năm sau Tân vẫn chứng nào tật ấy, vẫn dùng ma túy đá thường xuyên với liều cao và thậm chí dùng nhiều lần trong một ngày đến nỗi hơn một lần Tân có biểu hiện loạn thần. Có lần Tân vào gây rối tại phường, phường đã đưa đến cơ sở giáo dục Thanh Hà tận 2 năm tiếp. Đến ngày 9/8/2013, Tân được về.

Khi về nhà, tôi lo đi làm nên không mấy khi để ý đến cháu nhưng tôi có nghe bạn bè cháu nói vẫn chơi ma túy".

Bà Liên cho hay: “Từ khi chơi về, đêm đêm, Tân mặt trắng bệch, khùng khùng điên điên chửi tôi rồi chửi chị nó (con ruột bà Liên - PV) rồi Tân lấy dao dọa giết hết người này đến người khác. Mới đây Tân còn chứa trong nhà hơn chục chai xăng nói là để đổ xe máy khiến tôi hết hồn. Rồi có khi cả đêm Tân không ngủ, cứ ôm khư khư chiếc máy tính để chơi game.

Từ khi chơi game, Tân mắc bệnh hoang tưởng, thường xuyên ngồi nói chuyện, chửi, cười một mình. Tân hay nói những câu đại loại như: “…mẹ bọn công nghệ chúng mày cài chíp vào đầu bố, chúng mày điều khiển bố từ xa… hay bố mày chờ thời cơ này lâu lắm rồi, chúng mày đến đi, bố mày chờ tiếp hết, giết hết”.

Tôi còn thấy trong buồng Tân có một con dao chọc tiết lợn nhọn và một chậu các mảnh sành gạch vỡ, 3 cây gậy dài bằng cổ tay để hễ có người bên cạnh gọi tiếng to, Tân lập tức chửi. Khi tôi can ngăn thì nó chửi vào mặt tôi: “Bà không tìm thấy nhà nó đâu thì bà phiền đầu tiên”. Rồi đạp tôi ngã xuống giường. Tuy nhiên khi xong xuôi mọi việc Tân lại ôm tôi rồi khóc tu tu rằng: “Mẹ ơi con xin lỗi mẹ”.

Thời gian gần đây Tân hoang tưởng rất nhiều, ai mua cái gì về Tân lấy hết rồi giấu trong buồng ăn dần. Nhiều lúc tôi còn phải mua để đền cho hàng xóm. Rồi có lúc Tân chơi game hết tiền lại vu oan cho người khác lấy của nó. Tôi mệt mỏi quá. Tối 32/7 nó lồng lộn đi từ buồng trong ra buồng ngoài chửi lạc hết cả giọng rồi tự giam mình trong buồng đến 11 giờ đêm. Mất trật tự quá tôi phải gọi công an phường vào để trói lại rồi mang đến đây”.

Bệnh nhân khó hồi phục

Theo Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, trưởng khoa Lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương thì trường hợp của Nguyễn Thanh Tân là một trường hợp khó hồi phục hoàn toàn bởi não của bệnh nhân đã nhiễm độc. Khi khắc phục được tình hình ở thời điểm hiện tại nhưng đến một giai đoạn nào đó, trong những trường hợp cụ thể tác động hoặc mất ngủ thì bệnh nhân cũng dễ bị tâm thần lại.

{keywords}
“Ngáo đá” chính là tình trạng loạn thần sau một thời gian sử dụng ma túy đá. Ảnh minh họa

Theo bác sỹ Thu “Khi nghiện ma túy đá, cơ thể sẽ phải hoạt động tăng tốc và có thể làm tổn thương các bộ phận cơ thể gây đột quỵ, suy gan hoặc suy tim. Người bệnh gần như luôn luôn bị mất kiểm soát và có thể dẫn đến những hành vi cực kỳ nguy hiểm. Ma túy đá có thể biến một người có khả năng ăn nói lưu loát hoàn toàn bình thường trở thành một người nói lắp, hoang tưởng, điên dại trong một vài tuần rồi kết thúc bằng tình trạng mất trí nhớ nặng dần”.

Gần đây, chúng ta bắt gặp ngày càng nhiều các trường hợp sau khi sử dụng ma túy, con nghiện lên cơn “ngáo đá” làm náo loạn cả xóm phố hoặc vác dao đòi chém nhiều người. “Ngáo đá” chính là tình trạng loạn thần sau một thời gian sử dụng ma túy đá. Người bệnh nói chuyện với những người không có thật, hoang tưởng nặng với thái độ nghi ngờ, luôn sợ có người theo dõi làm hại.

Bác sĩ Thu cho biết, Từ những khuyến cáo trên, các bạn trẻ hãy cảnh giác với ma túy, đặc biệt là ma túy đá. Đừng vì một phút ham vui, chứng tỏ “đẳng cấp” mà trở thành người loạn thần, mất trí, phạm tội. Với các bác sỹ, khi điều trị cho bệnh nhân tâm thần do ma túy đá cần nhẹ nhàng, mềm mỏng, tránh nổi khùng, tránh nguy hiểm cho người bệnh cũng như cho bác sỹ. Cần chú ý quản lý cách ly bệnh nhân không cho uống rượu, hút thuốc tránh mất ngủ.

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

Thanh Hải