Lần đầu tiên trong đời em bị đàn ông sàm sỡ, mà đó lại là sếp của em. Em sợ lắm, mấy hôm nay không dám đi làm. Nhưng chẳng lẽ em phải bỏ việc trong khi khó khăn lắm em mới tìm được việc làm…
Mỗi lần nhớ lại cảm giác lúc đó em không khỏi rùng mình sợ hãi. Hôm đó em có việc chưa làm xong nên phải ở lại làm thêm giờ trong lúc mọi người trong phòng đã về hết. Em đang cặm cụi ngồi làm cho xong thì thấy sếp đi vào rồi đóng cửa lại. Sếp lại gần hỏi han về công việc rồi trêu em mấy câu kiểu bông đùa cợt nhả một chút, rồi đột nhiên anh ta đụng chạm vào tay, vai, còn vuốt má em rồi bất ngờ choàng qua ôm eo em.
Em sốc quá, bủn rủn hết cả người, lạnh hết sống lưng. Em không biết phải làm gì chỉ ú ớ được mấy câu: “Ơ anh định làm gì thế?”. Sếp cười cười bảo: “Anh thích em!”. Em sợ quá nhưng vẫn còn tỉnh táo hất anh ta ra được và chạy ra ngoài.
Về đến nhà em vẫn chưa kịp hoàn hồn. Mấy hôm nay em xin nghỉ phép, không dám đi làm. “Hắn” (sếp em) có gọi điện đến nhưng em không dám nghe. Em sợ lắm, nhưng em cần việc làm. Em không muốn mất việc vì những chuyện như thế này.
Mong các anh chị ngoài cuộc sáng suốt cho em xin lời khuyên với.
Thu Nga (Hà Nội)
Chuyên gia tư vấn:
Chào bạn, việc cấp trên quấy rối, sàm sỡ nhân viên nữ không phải là ít ở xã hội ngày nay, và người phụ nữ không nên im lặng, chấp nhận chịu đựng mà cần biết lên tiếng, chủ động bảo vệ cho chính mình.
Điều đầu tiên bạn cần nhìn nhận là nhân viên cần phải có sự tôn trọng đối với cấp trên của mình, nhưng không có nghĩa cấp trên có quyền làm những điều "hạ thấp" danh dự của nhân viên. Nếu có những hành động hay dấu hiệu cho thấy bạn đang bị sếp quấy rồi tình dục, hãy kiên quyết tìm cách bảo vệ bản thân cũng như công việc của mình.
Gặp phải sếp có máu "dê", nữ nhân viên chết khiếp. (Ảnh minh họa) |
Một khi bạn đã biết được "bản chất" của sếp, hãy luôn phòng tránh mọi trường hợp bạn phải ở một mình với sếp. Luôn tìm cách trao đổi công việc với sếp ở những chỗ đông người hoặc nếu phải gặp sếp trong văn phòng riêng, hãy để cửa mở.
Khi bị quấy rối hoặc bị sàm sỡ, phụ nữ thường có xu hướng nín nhịn, chịu đựng với hy vọng mọi việc sẽ trôi qua êm thấm. Nhưng thực tế lại không hoàn toàn được như vậy. Sự im lặng được hiểu theo 1 cách nào đó là sự đồng tình hoặc chí ít là tạo điều kiện cho người khác càng lấn tới. Vì thế, nếu thấy sếp có những lời nói hoặc hành vi không đúng mực, hãy phản ứng lại 1 cách tế nhị và lịch sự; biểu lộ sự không hài lòng vừa đủ để sếp ngầm hiểu rằng bạn không dễ dãi và đồng tình với cách xử sự như thế.
Khi mức độ tấn công của sếp dành cho bạn ồ ạt hơn và khi mọi biện pháp tế nhị bạn đã áp dụng mà không đạt được hiệu quả, hãy nói thẳng cho sếp biết rằng, nếu việc này còn tái diễn hoặc đi quá xa, bạn sẽ không ngần ngại thông báo cho vợ sếp, nhân viên trong công ty biết được sếp là người như thế nào.
Phụ nữ cần biết bảo vệ mình, cứng rắn và mềm mỏng đúng lúc, cho họ biết thái độ của mình thì trừ khi gặp những kẻ quá quắt hoặc bệnh hoạn thôi, còn lại đàn ông họ sẽ biết dừng lại đúng lúc và họ sẽ đặt lợi ích công việc lên trên.
Thêm nữa về cách ăn mặc: bạn nên mặc những trang phục công sở lịch sự, không hở hang, khêu gợi. Điều này sẽ hạn chế được việc khơi gợi sự ham thích hay chọc ghẹo của sếp dành cho bạn.
Ngoài ra hành vi và cách ứng xử của bạn cũng cần có chừng mực, không nên đùa giỡn hay tạo điều kiện cho những cuộc nói chuyện nhạy cảm giữa bạn và sếp. Hãy tự ý thức và bảo vệ mình, bạn nhé!
Còn nếu tất cả các nỗ lực và cố gắng của bạn đều không đạt kết quả, sếp bạn là 1 người “bệnh hoạn” trong suy nghĩ và hành động đối với nhân viên nữ như vậy, và quả thật là không có nhân tính, thì bạn nên chuyển sang công việc khác. Công việc rất quan trọng, nhưng để nó là nơi nuôi dưỡng những hành động quấy rối như thế thì nên từ bỏ. Hơn nữa, bạn là một người có năng lực thì nên tìm một môi trường tốt hơn để phát huy và bạn sẽ có được những thành công thực sự trong cuộc sống.
Chúc bạn may mắn!
Chuyên gia Tâm lý