- “Có mỗi một vụ việc của 2 cô gái mâu thuẫn mà lôi kéo được hàng nghìn người tham gia, đây thực sự là một lời cảnh báo về tác hại của facebook, về sự nguy hiểm của tâm lý đám đông”, độc giả Quỳnh Trần chia sẻ.
Facebook là công cụ gây chiến?
Mới đây, vụ việc hai cô gái “gây chiến” làm náo loạn phố đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1, TP. HCM khiến cộng đồng mạng xôn xao. Hàng nghìn người theo dõi, bình luận vụ việc qua mạng xã hội facebook.
Hai cô gái “gây chiến” tên là Thúy Vi và Thanh Vân, đều sinh năm 1997. Do mâu thuẫn trên facebook nên vào lúc 0h ngày 3/8, Thúy Vi đã nói với Thanh Vân là mặt vuông (nghĩa là mặt xấu) rồi hai bên lời qua tiếng lại cự cãi nhau và đăng clip chửi nhau, sau đó hẹn nhau lúc 19h cùng ngày gặp nhau tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1. Đúng hẹn khi gặp nhau chưa kịp nói chuyện thì đám đông bạn bè kích nhau lớn tiếng la ó chửi bới hò hét.
Theo tìm hiểu, cả hai khá nổi tiếng trên Facebook. Chính vì thế khi cả hai khiêu chiến và công khai hẹn nhau “làm rõ mọi chuyện” ngoài đời đã gây xôn xao dân mạng, khiến rất đông bạn trẻ hiếu kỳ, tò mò và rủ nhau đi xem.
Trình bày tại đồn công an, cả hai cô gái đều cho biết họ chỉ gặp nhau để nói chuyện rõ ràng mọi điều chứ không có ý định “choảng nhau hay đụng tay đụng chân”. “Ý định là vậy, nhưng hàng ngàn người trên Facebook họ nhiều chuyện vô cùng. Lượng người hâm mộ của tôi và Vi liên tục tranh cãi nhau, nói sốc nhau và kêu gọi chúng tôi “hãy đánh nhau”, “hãy xử nhau đi”, Thanh Vân cho biết.
Thậm chí khi Vi thông báo trên Facebook thời gian, địa điểm của cuộc gặp, hàng ngàn bạn trẻ đã hùa nhau đi... cổ vũ rồi xôn xao chuyện “chắc chắn chúng nó sẽ đánh nhau”, “đặt cược bên nào thắng”, “chọn ai bây giờ nhỉ”.
Lời thách thức của hai cô gái trên facebook đã kéo được hàng trăm người tò mò tìm đến cổ vũ khiến con phố đi bộ Nguyễn Huệ trở nên hỗn loạn. |
Thúy Vi cho biết khi cả hai chưa gặp nhau đã vô cùng bất ngờ vì có hàng ngàn người bủa vây mọi phía. Đến khi chạm mặt thì mới ngơ ngác nhìn nhau và hỏi “sao mà mọi người kéo đến đông quá vậy”. Cả hai thừa nhận “đã không lường trước được hậu quả, không nghĩ là dân tình Facebook quá nhiều chuyện như vậy. Tưởng một cuộc hẹn để giải quyết chuyện cá nhân, ai dè kéo theo hàng ngàn người, vô tình làm náo loạn nơi công cộng”.
Trước vụ việc này, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về cách sử dụng mạng xã hội facebook của giới trẻ. Dường như facebook không chỉ là nơi để mọi người giao lưu, kết bạn mà dần trở thành công cụ để thể hiện cái tôi, khích bác nhau và lôi kéo đám đông vào những vụ việc vô bổ.
“Trên thế giới này nói về độ adua của cộng đồng mạng thì chẳng nước nào hơn được Việt Nam. Thấy chửi bới, lộ hành là y như rằng bâu vào phân tích, bình phẩm, xâu xé. Thấy người ta hẹn gặp mặt để giải quyết mâu thuẫn không khuyên ngăn mà còn hùa vào khích bác, lại còn sẵn sàng đến tận nơi để cổ vũ nữa. Tác hại của facebook là đây chứ đâu!”, độc giả Quỳnh Trần chia sẻ.
“Thật buồn cho Việt Nam, người dân lũ lụt thì khốn khổ, còn lũ trẻ được ăn sung mặc sướng thì chỉ nằm nhà lướt facebook rồi nghĩ ba cái trò xàm để nổi tiếng”, một độc giả bày tỏ.
Độc giả Nguyễn Mai thì cho rằng, vụ việc không chỉ cho thấy mặt trái của mạng xã hội facebook, tâm lý adua theo đám đông mà còn cho thấy sự xuống cấp trầm trọng của văn hóa. “Xã hội bây giờ càng ngày càng loạn rồi. Con gái thách thức đánh nhau mà đua nhau đi xem, 2 cô gái ấy lại còn ngang nhiên tuyên bố trên facebook cho thiên hạ cùng biết. Văn hóa xuống cấp trầm trọng quá. Cần phạt nặng để răng đe. Phạt bằng cách lao động công ích ngay tại đường Nguyễn Huệ cho nhớ đời”, độc giả này bày tỏ.
Mối nguy từ tâm lý đám đông
Theo TS Vũ Thu Hương - khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, vụ việc này cho thấy thực chất của cuộc sống thanh niên hiện nay. Các em quá thiếu thốn sân chơi, thiếu định hướng cuộc sống. Bà cho biết, trên thực tế, nếu phỏng vấn 100 thanh niên thì có đến 99 em không biết mình muốn gì và định hướng sau này sẽ làm gì, sống thế nào? Bởi vậy, khi có sự việc nào đó xảy ra, thay vì cần có thái độ đúng đắn, các bạn trẻ lại coi đó là trò chơi thú vị và hào hứng tham gia, mà nhiều khi không biết mình đã vi phạm pháp luật.
Còn PGS.TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho rằng không phải ai cũng có thể kiểm soát mình, quản lý bản thân trước những sự hấp dẫn của thông tin, sự “đình đám” của một sự vụ. Đó là nguyên nhân dẫn đến sự lôi kéo của người này hay người khác.
“Có thể nói mạng xã hội trở nên quá thông dụng và sự lan tỏa của nó quá nhanh chóng đến mức khó kiểm soát. Thực chất của hành động kéo đến xem trận chiến theo lời hẹn xuất phát từ sự tò mò thiếu tiết chế của khá nhiều người. Hơn thế nữa, đó là biểu hiện của hội chứng đám đông, hội chứng của sự lôi kéo thụ động để bị cuốn theo vòng xoáy của thông tin, cảm xúc và sự hiếu kỳ của con người”, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn cho biết.
Trên thực tế, việc đám đông facebook hùa theo một sự việc để ném đá, lên án, chia sẻ thông tin một cách vô ý thức xảy ra rất nhiều trong thời gian gần đây. Người ta sẵn sàng ném đá một nữ sinh bị quay cảnh nóng, tích cực chia sẻ những tin đồn giật gân câu like, hoặc thấy bạn bè đang lên án ai thì mình cũng lập tức lên án người đó dù chưa biết thực hư ra sao. PGS Sơn cho rằng, thái độ ném đá thiếu cân nhắc, thái độ hùa theo, kích động quá mức bởi những nhóm đông hay những cá nhân là điều rất dễ xảy ra, đặc biệt là những người trẻ.
Theo Thạc sĩ Võ Xuân Hòa, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) có không ít người đã bị đám đông trong thế giới mạng lôi cuốn, dần dần họ quen với nhiều thói hư tật xấu. Nếu không được kịp thời chấn chính thì có thể sẽ dẫn đến một dạng bệnh tâm lý - gọi là mất kiểm soát hành vi hoặc lạc mất nhân cách.
Anh Hòa đưa ra dẫn chứng: “Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng: những người thất nghiệp hoặc đang chán với công việc hoặc ít tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao thường sử dụng Facebook và các trang mạng xã hội nhiều hơn bình thường. Và càng lạm dụng các trang mạng xã hội họ càng có ít thời gian nghỉ ngơi.
Ngược lại họ có nguy cơ bị rối loạn sinh hoạt (ăn, ngủ, nghỉ thất thường) và thường mất kiểm sát hành vi (dễ bị xúc động và cáu giận). Họ cũng có nguy cơ cao rơi vào cảnh mắc nợ nần. Những người như thế khi lên mạng xã hội, tâm lý của họ rất thất thường nên cách giao tiếp, ứng xử của họ trên mạng thường hay tiêu cực. Mặt khác, có một số người lên mạng là để thể hiện mình hoặc gây sự chú ý đối với người khác bằng cách viết ra những lời bình phẩm, chỉ trích gay gắt”.
K. Minh