Cũng như bao cô gái ở cái làng quê nghèo khó thuộc vùng bán sơn địa ấy, khi vừa qua tuổi mười tám là Hồng đã đi lấy chồng.
Vì là người có dáng cao ráo thanh thoát, lại thuộc diện có sắc hơn cả so với đám bạn gái trong làng cùng trang lứa, nên Hồng được rất nhiều đám dạm hỏi, kể cả mấy anh chàng ở thị trấn cũng thường lui tới cưa cẩm tán tỉnh. Thế nhưng, bố mẹ Hồng nhất quyết không gả chồng xa, mà chỉ đồng ý cho cô lấy chồng làng, bởi bấy lâu nay theo quan niệm của các cụ vẫn thường bảo rằng: “Có con mà gả chồng gần có bát canh cần nó cũng mang cho. Có con mà gả chồng xa, ông vải mất giỗ bà già mất con”.
Thâm tâm bố mẹ Hồng nghĩ rằng, nhà có mỗi mụn con gái vì thế gả chồng làng cha mẹ con cái sẽ được gần gặn nhau, khi chỉ loáng một cái là đã có thể đến nhà để thăm nom, còn cho con lấy chồng thiên hạ thì vất vả mọi bề...
Và Dương, một chàng trai trong một gia đình ở cùng làng đã được bố mẹ Hồng kén chọn làm chồng cho cô. Gia đình Dương thuộc diện giàu có nhất nhì làng, mà Dương lại là người có bằng cao đẳng nghề cơ khí của tỉnh hẳn hoi, vì vậy khi Dương ngỏ ý cưới Hồng làm vợ bố mẹ cô đã đồng ý ngay.
Đám cưới của đôi trẻ diễn ra, họ đằng nhà gái cũng như nhiều người làng đều vui mừng cho Hồng bởi cô lấy được Dương thì chẳng khác nào “chuột sa chĩnh gạo”, khi cuộc đời sẽ sung sướng, hạnh phúc khi không phải tất tưởi đầu tắt mặt tối lo toan cơm áo gạo tiền, vì vốn liếng cơ ngơi của nhà chồng là rất bề thế.
Thế nhưng, sự đời nhiều khi không như người ta nghĩ, người ta tưởng, và ngay cả chính Hồng cũng không bao giờ nghĩ đến kết cục cuộc đời của cô lại khổ sở cơ cực như thế. Theo chân về nhà chồng được khoảng dăm năm tạm gọi là hạnh phúc êm ấm, còn những năm tiếp theo Hồng phải sống trong quãng thời gian chẳng khác gì một ô sin làm việc không công cho nhà chồng.
Nguyên do là Hồng gặp phải gia đình nhà chồng vẫn nặng tư tưởng cổ hủ, đó là trọng nam khinh nữ, luôn khát khao muốn con dâu phải sinh cho bằng được một đứa cháu trai để lấy người nối dõi tông đường.
Số phận dường như không cho Hồng có con trai. Đứa con thứ 5 của cô cũng là con gái khiến nhà chồng thất vọng tràn trề. Ảnh minh họa |
Mặc dù người em trai út của Dương, chồng Hồng đã sinh đôi một lần những hai đứa con trai, nhưng bố mẹ chồng cô vẫn coi những đứa cháu trai của con thứ không phải là những người nối dõi tông tổ, mà ông bà luôn coi con trai của vợ chồng Hồng mới đủ điều kiện cho việc cúng giỗ ông bà ông vải dòng họ, bởi Dương là con trưởng.
Số phận dường như không cho Hồng có con trai hay sao, nên dù đã sinh nở đến lần thứ 4 rồi mà vẫn là con gái. Nhiều lần Hồng nói với chồng không sinh con thêm nữa, bởi con cái đông thì cuộc sống sẽ quá vất vả, hơn nữa sẽ không nuôi dạy chúng ăn học tử tế sẽ là có lỗi.
Thâm tâm Hồng cũng muốn có một đứa con trai cho bố mẹ chồng vui lòng, nhưng không có được thì cũng chẳng sao, bởi cô nghĩ thời đại tân tiến như ngày nay thì trai gái đều có quyền bình đẳng như nhau, nên việc có con trai để nối dõi tông đường đã là lỗi thời.
Nhưng, Dương cũng như cả bố mẹ chồng Hồng đều nhất mực không đồng tình với quan điểm và cách suy nghĩ của cô. Tất cả họ bắt Hồng phải đẻ cố cho bằng được cậu con trai, và Hồng đã sinh lần thứ...5! “Sản phẩm” của lần cố ấy vẫn chỉ là gái đã khiến Dương và bố mẹ chồng thất vọng tràn trề.
Khi còn đang trong những ngày ở cữ, Hồng bị chồng lạnh nhạt, hắt hủi không thèm nhòm ngó gì tới, khiến nhiều hôm cô phải gọi người nhà ngoại sang chăm bẵm trông nom. Bố mẹ chồng, anh chị em nhà chồng cũng không thèm ỏ ê gì tới cô. Khi con gái Hồng vừa đầy tháng, bà mẹ chồng cô tuyên bố thẳng thừng vào mặt cô rằng: “Thôi, mày không biết đẻ con trai thì phải chấp nhận, bởi trước sau thì thằng Dương cũng phải lấy vợ khác, vì nó phải có con trai...”.
Rồi bà ta đưa ra cho Hồng hai phương án để cô lựa chọn, một là cô phải làm đơn ly hôn ra tòa để Dương rảnh rang đi lấy vợ lẽ hợp pháp, hai là cô và Dương vẫn là vợ chồng nhưng phải chấp nhận để Dương mang người đàn bà khác về sống ở nhà với mong muốn tìm được con trai.
Hồng đã không chấp nhận ly hôn, mà chấp nhận để Dương đi kiếm con trai, bởi cô đã quá chán ngán cái cảnh tổ ấm vợ chồng đã nguội lạnh, tình cảm gia đình không còn gì mặn nồng.
Hồng không muốn ly hôn tại bởi cô không thể đảm trách nổi việc nuôi dạy 5 đứa con của mình, mà bắt buộc sống như vậy để chồng và nhà chồng cũng phải gánh vác trách nhiệm với các con cô.
Khi người vợ hờ của Dương sinh được đứa con trai đầu lòng thì Hồng chính thức ra rìa. Ảnh minh họa. |
Khi Dương mang một người con gái khác về sống không hôn thú trong gia đình thì cũng là lúc mẹ con Hồng phải “tạm lánh” ra một ngôi nhà riêng mới được xây dựng ở khu vườn sau của nhà chính. Khi người vợ hờ của Dương sinh được đứa con trai đầu lòng thì Hồng chính thức ra rìa, khi cả Dương và gia đình nhà chồng không bao giờ thăm nom hỏi han tới mẹ con cô.
Hồng sống như một ô sin hầu hạ trong gia đình chồng. Ngoài công việc đồng áng, cô còn phải lo cơm nước, lau dọn nhà cửa, và thậm chí là cả giặt giũ áo quần cho cả gia đình nhà chồng. Hồng âm thầm sống, chấp nhận an phận thủ thường.
Về mặt người vợ hờ của Dương, khi đã đẻ được đứa con trai, cô được bố mẹ Dương quý mến, nuông chiều hết lòng. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi nhà họ đang khát con trai, và khi đã tìm được con trai thì chẳng khác nào bắt được vàng, hay trúng số độc đắc...
Nhưng, sự đời quả là trớ trêu, niềm vui của gia đình nhà chồng Hồng đến chưa được bao lâu thì thảm họa ập tới bất thình lình. Trong một lần Dương lên nhà ngoại đón vợ hờ và con trai về nhà thì gặp tai nạn khiến cho cả 3 tử vong tại chỗ. Bố mẹ chồng Hồng đau buồn trong một thời gian dài.
Không như những người đàn bà hẹp hòi ích kỷ khác, Hồng cũng rất đau khổ, bởi dù sao cô cũng mất chồng và các con cô cũng mất bố của chúng.
Nguyễn Thị Loan