- Cho con 10 nghìn đồng vào mỗi thứ 6 hàng tuần sau đó để con tự quyết định với số tiền của mình. Từ việc phải tiết kiệm để mua đồ chơi và phải trả tiền cho chính món đồ mình chọn, để trẻ hiểu được trên đời này không có gì là miễn phí.

Đó là một trong những cách giúp con hiểu về giá trị đồng tiền được ông Zafrir Asaf - Tham tán thương mại Đại sứ quán Israel chia sẻ tại buổi hội thảo “Dạy con tự lập theo cách của người Do Thái”.

Cho con 10 nghìn đồng vào mỗi thứ 6 hàng tuần

Người Do Thái có sức mạnh lớn nhất trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, bao gồm rất nhiều ông chủ của các công ty tài chính khổng lồ: Alan Greenspan - nguyên Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, George Soros “cá sấu cổ phiếu”, Warren Buffett “vị thần cổ phiếu” giàu thứ hai thế giới… Đó không phải do tư chất quản lý tài sản của người Do Thái xuất sắc hơn các dân tộc khác, mà do họ nắm giữ kỹ năng quản lý tài sản ngay từ thuở nhỏ.

Theo ông Zafrir Asaf, dạy trẻ hiểu về giá trị đồng tiền cũng là giúp trẻ hoàn thiện kĩ năng trong cuộc sống. Bản thân ông hiểu rằng sau này thế hệ trẻ lớn lên, chúng sẽ phải đối mặt rất nhiều các vấn đề liên quan đến tiền. “Tôi không chắc sau này con mình sẽ trở thành nhà kinh doanh tài ba hoặc nhà quản lý kinh tế giỏi nhưng chắc chắn con tôi sẽ biết quản lý tài sản của mình”.

{keywords}

Việc đầu tiên ông Zafrir Asaf làm đó là cho con của mình một tờ 10 nghìn đồng vào mỗi thứ 6. Và ông chắc chắn rằng, sau khi nhận tiền từ tay bố, trong đầu cậu con trai sẽ xuất hiện rất nhiều câu hỏi như sẽ làm gì, mua gì và tiết kiệm ra sao. Bước đầu con sẽ phải có sự tính toán về số tiền đó.

“Sau đó khi đi chơi siêu thị, nếu con tôi đòi mua một thứ đồ chơi tôi hoàn toàn có thể giải thích với con rằng nó khá đắt và số tiền 10 nghìn của con không thể đủ mua. Khi đó con sẽ hiểu được thế nào là đắt chứ không như đa phần các trẻ đều không hiểu được nghĩa của từ này”.

Sau một thời gian tiết kiệm những tờ 10 nghìn, con trai ông Zafrir Asaf sẽ nói với mẹ mình và được dẫn đến một cửa hàng đồ chơi. Ở đó cậu bé sẽ được quyền chọn thứ đồ chơi mà cậu thích, đồng thời đảm bảo phù hợp với số tiền mà cậu đang có. Một điều thú vị là sau khi chọn xong, chính cậu bé sẽ là người mang tiền đến quầy thanh toán. Theo ông Zafrir Asaf, việc làm đó giúp cậu bé hiểu thêm rằng trên đời này không có thứ gì là miễn phí cả. Ngoài việc hiểu được giá trị đồng tiền, con trai ông còn rất phấn khích khi có được thứ mình muốn nhờ sự tiết kiệm.

Trả tiền cho trẻ khi làm việc nhà là một sai lầm

Quan điểm dạy trẻ hiểu về giá trị đồng tiền của ông Zafrir Asaf nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia tại buổi hội thảo, trong đó có Giáo sư Sydney Engelberg (Israel), người có hơn 30 năm kinh nghiệm trong giáo dục và Tâm lý giáo dục. Giáo sư Sydney Engelberg cho rằng: "Muốn hiểu con hãy suy nghĩ như chúng, hãy dạy chúng khi bạn thực sự hiểu con". Với tư duy của mình, trẻ không hiểu tiền có giá trị thực dụng và vật chất. Dùng tiền để dạy con không phải là so sánh 10.000 lớn hơn 5.000 đồng, mà là chỉ bảo giá trị bên trong, giúp trẻ trải nghiệm quá trình sử dụng để rút ra bài học cho mình.

Trả lời câu hỏi của một phụ huynh rằng làm thế nào để giúp con duy trì được sự hào hứng khi làm việc mà không phải trả tiền. Bà Einat Halevy Levin - phòng Tham tán Thương mại của Đại sứ quán Israel tại Việt Nam đồng thời là một người mẹ Do Thái mẫu mực - cho rằng yêu cầu con cái làm bất kỳ việc gì cũng phải trả tiền đó là một sai lầm rất lớn của bố mẹ. Bởi như thế chỉ khiến trẻ hiểu được giá trị bên ngoài của đồng tiền. Nếu muốn con tự nguyện làm bất cứ việc gì thì nó phải là sở thích động lực từ bên trong.

{keywords}

Giáo sư Sydney Engelberg chia sẻ tại buổi hội thảo.

Trong công việc hàng ngày, phụ huynh có thể biến việc làm thành trò chơi để tạo sự hứng thú cho trẻ. Ví dụ như việc rửa bát, người mẹ có thể nói với con mình rằng để xem chúng ta ai sẽ là người mang số bát này vào nhà trước. Và nên nhớ là trò chơi để trẻ cảm thấy hứng thú chứ không phải cuộc thi đấu để trẻ ăn thua, cũng như không phải làm để sau đó sẽ có tiền. Lúc nào thích thì làm, không thích thì thôi.

Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Việt Trung, một chuyên gia đào tạo kỹ năng cho học sinh 6-18 tuổi, khẳng định: Rèn luyện tính tự lập cho trẻ từ sớm là việc làm cần thiết, trong đó có việc dạy con hiểu và biết cách sử dụng đồng tiền. Giúp trẻ trưởng thành, tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm với những quyết định của bản thân mình.

Minh Thùy