- Đặt con đứng trên phần để chân của xe ga, đặt con ngủ trên yên xe đang chạy, địu con ở trước ngực,... là những cách đèo con bằng xe máy của các mẹ mà ai nhìn thấy cũng nổi da gà.

Mới đây, hình ảnh một bà mẹ địu con nhỏ (khoảng 2-3 tuổi) trước ngực trong lúc lái xe máy lan truyền trên cộng đồng mạng đã dấy lên những tranh cãi về cách chở con an toàn khi tham gia giao thông.

{keywords}

Bức ảnh mẹ Việt đèo con bằng xe máy gây tranh cãi.

Anh Minh, người chia sẻ bức ảnh lo ngại rằng đứa trẻ có thể gặp nguy hiểm nếu lỡ có sự cố gì xảy ra. “Đi bình thường thường thì không nói làm gì. Nhưng ví dụ có bất kỳ sự cố nào dù nhỏ thì tư thế này kém an toàn hơn là đứa bé được buộc sau lưng. Về nguyên tắc là cháu bé phải ngồi vào ghế riêng. Tất nhiên đó là chuyện nguyên tắc, ở ta chả ai làm thế.

Ngày xưa đi xe đạp hay xe máy thì đều có ghế trẻ em, nhưng bây giờ chúng ta không dùng. Và theo nghiên cứu thì đặt ghế trước người lái chưa phải là an toàn vì khi bị ngã thì người sẽ đè lên đứa nhỏ. Có phải ai cũng có phản xạ ôm con đâu. Tất nhiên, khi đã tai nạn thì mọi chuyện đều có thể xảy ra. Là tìm cách an toàn nhất cho đứa trẻ thôi. Chưa có chuyện gì xảy ra với con cái chúng ta là vì may mắn chứ không có nghĩa là an toàn. Chúng ta chở con thì cẩn thận nhưng có người đi ẩu có thể đâm vào chúng ta”, anh Minh quan ngại.

Một số ý kiến cho rằng, cách địu con như vậy khi tham gia giao thông là không an toàn. Bởi bé đã khá lớn, dễ gây cản trở và khó xử lý các tình huống bất ngờ khi lái xe hoặc khi mẹ phanh gấp bé rất dễ bị đập gáy vào công tơ mét theo lực quán tính.

“Có lần tôi đi ở Lê Trọng Tấn, đường đông, đang tắc, nghe đánh uỵch một phát, nhìn gương hậu thấy một chị đang lúi húi đằng sau. Mở cửa xuống xe lại thấy thêm một nhóc phía trước chị, mồm đỏ hỏn, khóc tùm lum. Chị nhăn mặt bảo đi kiểu gì thế, tôi điên tiết định mắng nhưng nhìn đứa trẻ tội quá. Máu me tùm lum do rách môi, mọi người xúm lại bảo chị tắc đường, chở trẻ con mà phi ầm ầm, đưa nó đi khám ngay. Tôi thì điên tiết mà không dám mắng, chỉ có thể nói chị đi cẩn thận hơn thôi. Trên thực tế thì kiểu gì cũng không an toàn vì chưa đến lượt thôi. Dân mình chỉ nhìn cái lợi trước mắt nhưng không bao giờ nhìn thấy nguy cơ”, độc giả này chia sẻ.

Trong khi các ông bố bình tĩnh nhìn nhận những nguy cơ mà con trẻ có thể đối mặt với cách đưa đón kiểu này thì các bà mẹ lại “sửng cồ” lên cho rằng họ là người yêu con nhất, họ tự biết thế nào là tốt cho con mình.

“Các anh phiếm diện quá, con nhỏ phải địu đằng trước, đi chậm, quan sát tốt, thì mới đảm bảo an toàn hơn, trẻ con có rất nhiều cái khó lường, phải "liền mắt" với mẹ chứ. Em cũng đàn bà con gái con nhỏ, từ lúc con hơn 1 tháng là địu con đằng trước dù là đi xe ô ô taxi hay đi xe máy, đi bộ, vì con trớ, con ho, con ngủ gật mình đều nhìn thấy và kiểm soát được ngay lập tức”, một bà mẹ phân trần.

“Mẹ nào cũng đều muốn điều tốt nhất cho con. Nên các anh không phải lo hộ ạ. Cái thứ 2, chả có mẹ nào đèo con mà phóng nhanh đâu, nên cái trường hợp đâm vào đâu thì rất ít. Còn cái thứ 3, trường hợp bất khả kháng, thì... ngồi trong ô tô còn đi nữa là. Nói chung em thấy bình thường”, một bà mẹ khác chia sẻ.

Chở con bằng xe máy thế nào là an toàn?

Các chuyên gia lưu ý, khi chở trẻ nhỏ trên xe máy, những điều đầu tiên mà bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng cần phải nhớ là:

- Tuyệt đối không để trẻ ngồi một mình ở yên sau, vì trẻ nhỏ thường hiếu động, khó ngồi yên nên rất dễ xảy ra tai nạn.

- Đối với trẻ từ một tuổi trở xuống, nên dùng đai để cố định trẻ khi lưu thông trên đường. Nếu không, bạn có thể dùng khăn vải làm thành một túi đeo chéo để giữ chặt con. Không để chân hoặc đầu trẻ thò ra ngoài tránh xe cộ va quệt chúng.

- Nếu con bạn từ ba tuổi trở lên, bạn nên cho bé đội mũ bảo hiểm khi ra đường. Đặt trẻ ngồi giữa cha mẹ, bạn giữ chặt bé bằng hai tay và không cho con ló đầu ra ngoài.

- Không để trẻ đứng trên xe với bất cứ lý do nào.

{keywords}

{keywords}

Ở nước ngoài, dù chở con bằng xe máy hay xe đạp, người ta cũng trang bị ghế trẻ em chuyên dụng và đội mũ bảo hiểm an toàn cho trẻ.

Một chuyên gia trong ngành y tế cho rằng, chở trẻ con bằng xe máy, vị trí an toàn nhất là sau lưng người lớn, có dây đai để nịt chặt trẻ vào bụng người chở, trẻ muốn ngủ muốn quậy phá đều không đáng lo. Vị trí phía trước, ngay sau tay lái là vị trí nguy hiểm nhất, chỉ cần phanh gấp là lực quán tính đẩy đứa bé đến phía trước, ngực đập vào tay lái, vỡ bất cứ thứ gì trong lồng ngực kể cả tim. Nếu xe ngã, vị trí phía trước là nơi chật chội, chèn ép, và tay lái có thể quay ngang chọc vào bụng trẻ. Không nên cho trẻ đứng trên yên xe dù là có người giữ phía sau, vì khi xe chao trái hay phải, lực gia tốc kéo trẻ đi theo cái đà đó, xe sẽ có khuynh hướng nghiêng theo chiều ngang, khi đó trọng lực sẽ kéo đứa trẻ xuống, trẻ càng nặng lực càng mạnh, không cách gì người ngồi phía sau kịp tăng lực lên để kéo trẻ lại, chỉ cần một tích tắc sơ sẩy là trẻ tuột xuống đường ngay. Chở trẻ bằng ghế ngồi phía trước cũng không an toàn như nhiều người nghĩ.

K. Minh (tổng hợp)