“Cái này mẹ có làm được không? Không biết làm thì cứ để đấy, động vào cái gì là hỏng cái đấy”; “Mẹ mà cứ lôi thôi, bẩn thỉu thế này thì cả nhà mắc bệnh”. Cách nói chuyện, sai việc của chồng tôi với mẹ nhiều lúc chẳng khác ông chủ và osin là mấy.
Tôi gặp và yêu anh khi tôi đang theo học ở thành phố. Trong thời gian yêu đương, đã có vài lần anh về nhà tôi chơi và không có bất kỳ biểu hiện chê bai gì. Ngày anh đặt vấn đề cưới hỏi, bố mẹ anh cũng có chút phản đối vì gia đình tôi quá nghèo, nhưng anh vẫn quyết tâm lấy tôi làm vợ. Sự quả quyết của anh khiến tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Mẹ tôi cũng lấy làm mừng cho con gái vì tìm được người đàn ông yêu thương mình thực lòng.
Một năm sau ngày cưới, tôi sinh em bé đầu lòng. Vì bố mẹ chồng già yếu, lại ở nhà anh cả, nên không thể chăm sóc mẹ con tôi. Thế nên, chồng tôi đã gọi điện cho mẹ vợ, nhờ chăm cháu vài tháng.
Ảnh minh họa |
Khổ nỗi mẹ tôi sống ở quê lâu rồi, chưa từng tiếp xúc với những đồ dùng tiện nghi ở thành phố, và kiến thức chăm trẻ theo lối khoa học cũng không có. Mới bước chân vào nhà, mẹ vợ đã được con rể hướng dẫn tỉ mỉ cách sử dụng của rất nhiều thứ: từ bàn là, máy giặt, nồi cơm điện, nhà vệ sinh, bồn tắm, bồn rửa bát, bếp ga, bình nóng lạnh… Nhưng mẹ cứ nhớ nhớ, quên quên, sử dụng không đúng cách lại gây hỏng hóc đồ dùng.
Chồng tôi vốn tính sạch sẽ, trong khi mẹ thì làm gì cũng chỉ qua loa. Một lần, hai lần thì không sao, nhưng khi mọi thứ cứ lặp đi, lặp lại và sự khó chịu trong lòng chồng tôi chất chứa, anh ấy đã có những câu nói vô lễ với mẹ, kiểu như: “Cái này mẹ có làm được không? Không biết làm thì cứ để đấy, động vào cái gì là hỏng cái đấy”, hay như: “Mẹ mà cứ lôi thôi, bẩn thỉu thế này thì cả nhà mắc bệnh”. Cách nói chuyện, sai việc của chồng tôi với mẹ nhiều lúc chẳng khác ông chủ và osin là mấy.
Những lúc nghe thấy thế, tôi buồn lắm, cũng có “mắng” chồng một vài câu trước mặt mẹ rồi thôi. Tới một hôm, tôi thấy mẹ nằm ngủ cạnh cháu mà khóc thầm. Mẹ khóc rất khẽ, chỉ thỉnh thoảng thổn thức thôi, chắc mẹ không muốn để tôi nhận ra điều đó. Tôi đoán, chồng tôi lại nói gì khiến mẹ tủi thân rồi. Tôi thấy thương và có lỗi với mẹ vô cùng. Tôi giờ mới sinh con được ba tháng, vẫn cần có mẹ bên cạnh để đỡ đần việc nhà. Nhưng cứ sống thế này thì có khác gì hành hạ mẹ đâu. Tôi nên làm thế nào?
(Tú, Hòa Bình)
Chào bạn,
Rất cảm ơn bạn vì lá thư khá dài gửi về Hộp thầm kín, dù chúng tôi biết rằng, trong thời gian này, bạn rất bận rộn với con nhỏ và sức khỏe có thể chưa hồi phục hoàn toàn.
Nghe chuyện bạn kể, Hộp thầm kín thấy rằng, bạn quả là rất may mắn và hạnh phúc khi có người mẹ tần tảo, vị tha và giàu đức hi sinh nhường ấy. Ai cũng có lòng tự trọng, ai cũng có quyền được tự ái, thậm chí là tức giận, phẫn nộ khi bị ai đó làm tổn thương. Mẹ của bạn cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Vậy điều gì đã khiến mẹ bạn lặng thinh trước sự vô lễ của con rể? Điều gì đã khiến mẹ bạn phải giấu đi những giọt nước mắt tủi thân của mình? Tất cả là vì bạn đó. Người mẹ không muốn hai vợ chồng bạn cãi cọ, sứt mẻ nên đã chọn cách nhẫn nhịn. Người mẹ không muốn con gái mình phải bận tâm, phiền lòng nên đành chịu đựng đó thôi.
Đồng thời với sự thấu hiểu nỗi lòng của mẹ, bạn cũng không nên đổ hết mọi lỗi lầm lên đầu đức lang quân, vì chính bản thân bạn cũng có lỗi trong chuyện này. Nếu ngay từ đầu, bạn tinh tế hơn và khéo léo tác động như một “điều phối viên” thì câu chuyện đã khác rất nhiều.
Chồng bạn chưa hẳn là người xấu tính. Những câu nói vô lễ có thể được thốt ra một cách bồng bột, thiếu suy nghĩ trong những lần cáu kỉnh, cục tính mà thôi. Vì thế, hãy nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc bắt đầu một cuộc trò chuyện với chồng về vấn đề này. Cách nói chuyện vừa đấm vừa xoa, vừa phê bình nhưng lại vừa thông cảm sẽ phát huy hiệu quả. Đừng “rắn” quá để đẩy cuộc trò chuyện trở thành cãi vã, vì hơn ai hết, mẹ bạn không muốn điều này xảy ra. Hãy để chồng hiểu sâu sắc tấm lòng của mẹ vợ dành cho các con và mẹ xứng đáng nhận được sự tôn trọng.
Trong suốt thời gian bạn ở nhà cùng mẹ, hãy cẩn thận hướng dẫn mẹ từng chút, từng chút một. Đừng quá tham vọng mẹ sẽ ghi nhớ được tất cả một lúc, vì điều đó là không thể, ngay cả với người trẻ tuổi. Dần dà bà sẽ hòa nhập tốt hơn với nếp sinh hoạt nơi thành phố.
Mối quan hệ sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi mọi người hiểu nhau hơn, tôn trọng nhau, tự thay đổi mình một chút và rộng lượng hơn.
Chúc bạn và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc!
(Theo Dân Việt)