- Một ông bố đã đưa ảnh con gái lên mạng xã hội với lời chú thích con ăn cắp tiền lợn đất của em trai, tiền của ông bà, tiền học phí…


Bêu riếu tội lỗi của con với đám đông

Không dùng roi vọt để dạy dỗ con nên mỗi lần con mắc lỗi, chị H. (Cầu Giấy, HN) thường bắt con viết bản kiểm điểm kể chi tiết lỗi lầm của chúng rồi đọc lên cho bố mẹ nghe. Bình thường, chị H. cất “bộ sưu tập” bảng kiểm điểm của con trong tủ. Nhưng một lần nhà có cỗ, con trai chị chơi đùa làm vỡ cái bình gốm quý, thế là chị phạt con đứng góc tường không cho ăn cơm. Chị còn lôi hết đống bảng kiểm điểm của con ra cho họ hàng đọc, rồi liên tục chỉ trích con suốt ngày mắc lỗi. Đứa trẻ 9 tuổi chỉ biết úp mặt vào tường im lặng trong tiếng xì xào to nhỏ của họ hàng.

{keywords}

Bêu riếu con trẻ trước đám đông là hành vi xâm hại trẻ về tinh thần.

Nhà báo Hoàng Minh Trí cũng chia sẻ rằng, mới đây anh được người bạn gửi cho một đường dẫn facebook của một cô bé học cấp 2. Trong đó có ảnh cô bé đang nằm sấp, úp mặt khóc dưới sàn nhà trong bộ đồng phục trắng. Phần chú thích bức ảnh có vẻ như là do bố cháu biên và sử dụng chính tài khoản facebook của cháu đăng tải, nội dung “đấu tố” cháu ăn cắp tiền lợn đất của em trai, tiền của ông bà, tiền học phí...

“Có em cùng lớp cháu nhanh nhảu báo cáo phụ huynh bạn “Chú ơi con đã mách thầy hiệu trưởng rồi ạ”. Sau vài chục comments (bình luận) của người lớn, anh ta đã xoá bỏ bức ảnh, nhưng tôi tin rằng đây là một vết sẹo rộng miệng trong tâm thức của cô bé đang tuổi loay hoay hình thành nhân cách”, anh Trí chia sẻ.

Theo anh Trí, sử dụng facebook để "đòn roi" đe nẹt con cái có lẽ là hành vi độc ác vượt qua ngưỡng giáo dục dễ đẩy trẻ vào bi kịch khác.

“Dạy con thời nào cũng khó, đối thoại với con thời nay còn khó hơn. Điểm trung hoà giá trị nhận thức cuộc sống giữa con cái và cha mẹ không còn giản dị là "manh áo mới, có miếng ăn ngon" như dăm chục năm trước. Diễn biến tâm lý con trẻ ngày nay quá phức tạp, chúng say mê những thứ cha mẹ không có trong tiềm thức như kiểu "văn hoá" Hàn Quốc, Zalo, giày Nike có cánh, truyện ngôn tình. Chúng mong manh dễ vỡ, được học quá nhiều thứ "cao sang" nhưng không được quan tâm chú ý cần thiết đến diễn biến tâm lý và học cách sử dụng đồng tiền... Một phút nóng nảy dạy con theo cách phản giáo dục đều có thể là khởi đầu cho chuỗi hành vi phản ứng chống đối hoàn toàn mất kiểm soát, tôi nghĩ vậy”, nhà báo Minh Trí quan ngại.

Cha mẹ đang xâm hại con!

Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương - giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm việc bêu riếu lỗi lầm của con với cộng đồng như đưa lên mạng xã hội là một hành vi xúc phạm nhân phẩm trẻ rất nặng nề. Xét theo khía cạnh tâm lý thì đây đúng là một hành vi xâm hại trẻ về tinh thần.

“Hệ quả của nó rất nghiêm trọng. Đã có những em bé bị bố mẹ bêu riếu nặng nề hoặc là oán trách, mắng mỏ đã giải quyết vấn đề một cách rất tiêu cực như tự tử hoặc bỏ nhà ra đi”, bà Hương cảnh báo.

Mỗi đứa trẻ một tính cách nên khó có thể tìm được một cách dạy con hoàn hảo ứng dụng chung cho mọi trường hợp. Tuy nhiên, vẫn có những nguyên tắc chung mà mọi phương pháp dạy con đều nên lấy đó làm nền tảng. Theo TS. Hương, để một em bé trưởng thành, chắc chắn sẽ có vài nguyên tắc mà cha mẹ bắt buộc phải tuân thủ. Đó là các nguyên tắc dạy con cái bằng:

- Luật lệ. Đưa ra các quy định và yêu cầu các thành viên trong gia đình bắt buộc phải tuân thủ, kể cả người lớn. Ai không tuân thủ sẽ bị phạt nặng.

- Tình yêu thương: Luôn nói yêu con cho dù con có làm điều gì sai trái đi nữa. Dạy con bằng chính tình cảm và sự sẻ chia của mình.

- Tôn trọng trẻ: Tôn trọng khả năng của trẻ, tôn trọng sự riêng tư và cả lòng tự trọng của trẻ.

- Đề cao tính tự lập: Khi bạn bao bọc con, bạn đã thể hiện rõ ràng sự thiếu tôn trọng trẻ. Ngoài ra việc đó cũng sẽ khiến cho sự phát triển của trẻ bị ảnh hưởng.

TS. Hương cũng gợi ý cách xử lý khi cha mẹ nghi ngờ con làm một chuyện gì đó có lỗi:

“Nếu con đang làm một việc trái luật pháp nhà nước, cha mẹ cần chỉ cho con biết rõ con đã vượt qua ranh giới. Ngoài ra hãy cho con hưởng một chút đau khổ của nạn nhân. Ví dụ: nếu con ăn trộm, hãy thử cho con biết cảm giác của người mất trộm, con sẽ tự hiểu ra rút kinh nghiệm cho bản thân.

Nếu việc vi phạm của con chỉ nằm trong giới hạn các quy định của gia đình, hãy phạt con thật nghiêm. Hình phạt không cần phải quá nghiêm khắc, nghiệt ngã, đơn giản đôi khi chỉ là tước đi 1 niềm vui nào đó của trẻ. Những hình phạt này sẽ giúp trẻ điều chỉnh hành vi của chính mình”, TS. Hương đưa ra lời khuyên.

Mục đích của cha mẹ đánh con, phạt con là muốn răn đe, để con không tái phạm lỗi. Nhưng nhiều hình phạt vô tình lại khiến con trẻ bị ám ảnh, bị sang chấn tâm lý.

Để cha mẹ sáng suốt, tránh đưa ra những hình phạt sai lầm, TS. Hương khuyến nghị: “Tôi nghĩ, cha mẹ nếu ngồi nhớ lại thời gian thơ ấu của mình thì chắc chắn sẽ cảm thông với con hơn. Ngoài ra, giữ bình tĩnh khi giáo dục trẻ thì sẽ giúp cha mẹ tìm ra cách thức dạy con phù hợp nhất.

"Dục tốc bất đạt", cha mẹ hãy nghiên cứu kỹ càng mọi thứ trước khi dạy dỗ con. Con chắc chắn sẽ chẳng hư đốn hơn sau vài giờ hoặc vài ngày cha mẹ điềm tĩnh suy nghĩ”.

Kim Minh