“Phụ nữ nói chung “bảo thủ” hơn nam giới theo nghĩa là họ vẫn tiếp tục tin rằng phụ nữ phải chịu hy sinh, phải nghe lời chồng. Họ cũng vẫn cho rằng công việc gia đình là “thiên chức” của phụ nữ và nếu không làm tốt công việc gia đình là không xứng đáng làm vợ làm mẹ”, TS Khuất Thu Hồng nhận định.

Xung quanh con số đáng báo động “hơn 50% phụ nữ chấp nhận cho chồng bạo hành”, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), một chuyên gia tâm lý – xã hội đã nhiều năm nghiên cứu và thực hiện các chương trình về phụ nữ.

Theo TS. Khuất Thu Hồng, báo cáo MICS 2015 do Tổng cục Thống kê thực hiện đưa ra con số hơn 50% phụ nữ cho rằng người chồng có đủ lý do để đánh vợ, trong đó có 28,2% phụ nữ cho rằng người chồng có thể đánh vợ với 5 lý do: Nếu đi chơi mà không nói với chồng, nếu bỏ bê con cái, nếu cãi lại chồng, nếu từ chối quan hệ tình dục với chồng, nếu làm cháy thức ăn...đã phản ánh đúng thực tế ở Việt Nam.

{keywords}
Xã hội cần coi bạo hành gia đình là vấn đề quyền con người mà xã hội phải có trách nhiệm can thiệp.

“Còn nhiều phụ nữ Việt Nam chưa nhận thức được quyền bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới. Họ vẫn còn mang nặng tư tưởng “nam tôn, nữ ti”, coi người chồng có nhiều quyền lực hơn vợ và có thể dùng quyền của mình để giữ “tôn ti trật tự” trong gia đình thông qua việc “trừng phạt” người vợ nếu họ không tuân thủ trật tự đó. Các nghiên cứu khác của chúng tôi cũng có kết quả tương tự. Phụ nữ nói chung “bảo thủ” hơn nam giới theo nghĩa là họ vẫn tiếp tục tin rằng phụ nữ phải chịu hy sinh, phải nghe lời chồng. Họ cũng vẫn cho rằng công việc gia đình là “thiên chức” của phụ nữ và nếu không làm tốt công việc gia đình là không xứng đáng làm vợ làm mẹ”, bà Hồng nhận định.

Theo vị chuyên gia nhiều năm làm việc và nghiên cứu về phụ nữ này, việc nhiều phụ nữ Việt Nam hiện nay vẫn chấp nhận và cam chịu sự bạo hành là một sự thật. Tình trạng này đã tồn tại từ lâu và vẫn đang tiếp tục diễn ra cũng vì quan niệm xã hội không ủng hộ người phụ nữ dám tố cáo bạo hành trong gia đình mình. Dù Luật Phòng chống Bạo lực gia đình đã được ban hành 10 năm qua nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống. Vẫn còn rất nhiều người, kể cả những người lãnh đạo và cán bộ các cơ quan chức năng coi bạo lực gia đình là vấn đề nội bộ chỉ nên giải quyết trong gia đình qua phương pháp hoà giải.

Những người phụ nữ bị chồng bạo hành không những không được khuyến khích lên tiếng mà ngược lại nếu họ tố cáo hành vi bạo lực họ lại thường bị cộng đồng đánh giá một cách tiêu cực. Trong một khảo sát rà soát về các can thiệp phòng chống bạo lực gia đình mà TS. Khuất Thu Hồng phối hợp thực hiện với tổ chức Care tại Việt Nam tháng 6 vừa qua, nhiều phụ nữ là nạn nhân của bạo hành từ phía người chồng cho biết họ thường cam chịu bạo hành kéo dài trong nhiều năm. Họ không dám lên tiếng yêu cầu giúp đỡ hoặc tố cáo người chồng vì sợ bị đánh giá là “vạch áo cho người xem lưng” và thậm chí có thể còn bị bạo hành nhiều hơn.

“Chừng nào xã hội còn chưa coi bạo hành gia đình là vấn đề quyền con người mà xã hội phải có trách nhiệm can thiệp thì chừng đó bạo hành vẫn giới hạn đằng sau cánh cửa mỗi gia đình và phụ nữ vẫn tiếp tục phải chịu đựng bạo hành từ chồng hoặc các thành viên khác của gia đình”, bà Hồng nói.

{keywords}
“Bạo hành gia đình là vấn đề của nam giới và phúc lợi của nam giới chứ không chỉ kêu gọi nam giới động lòng hay thông cảm” – TS. Khuất Thu Hồng.

Chia sẻ về những giải pháp có thể giúp người phụ nữ Việt Nam hiểu và hành động thực hiện đúng quyền con người và quyền được an toàn của mình, bà Hồng nói: “Giải pháp căn bản là phải truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về quyền của phụ nữ trong những thiết chế có liên quan như gia đình, nhà trường, các phương tiện truyền thông đại chúng và văn hoá. Các tổ chức đoàn thể của phụ nữ và hoạt động vì phụ nữ phải giúp phụ nữ nâng cao nhận thức về quyền bình đẳng của mình, trang bị cho họ kiến thức và kỹ năng để có thể tự bảo vệ quyền của mình và của phụ nữ nói chung.

Thay đổi cách suy nghĩ và hành vi của nam giới, coi đây là vấn đề của nam giới và phúc lợi của nam giới chứ không chỉ kêu gọi nam giới “động lòng” hay “thông cảm”. Thế giới này tồn tại vì có phụ nữ và nam giới, sự bình yên và hạnh phúc của phụ nữ liên quan mật thiết đến bình yên và hạnh phúc của nam giới và ngược lại.

Phổ biến luật pháp đến nơi đến chốn, không chỉ luật phòng chống bạo lực gia đình mà các luật khác như luật hôn nhân gia đình, luật bình đẳng giới, luật dân sự, luật hình sự … Các quy định pháp luật phải được lồng ghép vào các hoạt động cụ thể thiết thực với người dân.

Cán bộ, đặc biệt là lực lượng thực thi pháp luật và các cơ quan chức năng phải quán triệt quan điểm bình đẳng giới, tâm huyết với công việc và có năng lực chuyên môn tốt”.

Kim Minh