Ngoài công việc là kế toán của một công ty nhà nước, chị Đỗ Thị Quý (Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội) còn khá năng động khi tìm thêm cho mình công việc bán hoa quả, nước mía, tạp hóa tăng thu nhập.
Bán tất cả những mặt hàng có thể bán
Hơn 1 năm nay, trong căn phòng chừng 40m2 của gia đình chị Đỗ Thị Quý ở chung cư thu nhập thấp Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội lúc nào cũng ngập tràn các loại hoa quả, nước mía, dầu ăn, mì chính, đường, giá đỗ, ốc luộc...
Chị Quý chia sẻ, chị là nhân viên kế toán của một công ty nhà nước và hiện đang nuôi hai cậu con trai tuổi ăn học. Lương công chức thấp cộng với áp lực nuôi con nhỏ tuổi ăn học đã thôi thúc chị phải làm thêm việc gì đó ngoài giờ, thế rồi chị quyết định bán hoa quả, nước mía và đồ dùng thiết yếu gia đình để tăng thu nhập.
Ngôi nhà 40m2 của chị Quý luôn ngập tràn các mặt hàng. |
Ý tưởng kinh doanh đầu tiên của chị Quý là những chiếc máy hút mùi tại bếp - nơi mà những người dân mới chuyển về khu chung cư đang rất cần để lắp đặt. "Tuy nhiên, vì chưa từng biết đến buôn bán nên để thực hiện được công việc này, nên thời gian đầu đó, tôi đã phải đi rất nhiều nơi để tìm hiểu, hỏi han giá cả để nhập hàng", chị Quý nói.
Chị Quý cho biết: "Sau đó, từ buôn bán từng mặt hàng nhỏ, lẻ tẻ, tôi bắt đầu tìm hiểu những chủ vườn ở tận Miền Nam để nhập hàng hoa quả như bưởi, thanh long, ổi, xoài, chôm chôm... Tôi chịu khâu chọn mặt hàng, chủ vườn sẽ đóng bao bì, rồi gửi xe ô tô ra Hà Nội. Đến Hà Nội, tôi ra tận xe để nhận hàng rồi chuyển về nhà.
Về đến nhà, sau khi lo bữa tối cho hai con xong, tôi chia hoa quả ra từng loại, theo từng kg, chụp ảnh đăng lên mạng bán và ai mua thì ship (giao hàng) cho khách. Công việc ấy tưởng chừng đơn giản nhưng khá vất vả, nhiều hôm tôi phải làm việc đến tận tối mịt".
Hoa quả Miền Nam chị quý nhập về để bán. |
Rồi chị bán cả những mặt hàng thiết yếu khác như dầu ăn, sữa, mỳ chính, nước mắm, đường... những mặt hàng này, tuy không phải bảo quản cẩn thận như mặt hàng hoa quả nhưng lại phải cạnh tranh với các cửa hàng bên ngoài.
“Có đến hàng trăm người rao bán loại hàng này với các mức giá chênh lệch khác nhau và ai cũng cam đoan hàng của mình là thật, là đảm bảo nhất, giá thành rẻ nhất', chị Quý cho biết.
Thời gian gần đây, khi thời tiết nắng nóng, chị Quý lại tranh thủ bán nước mía, caramen, kem.... Mỗi ngày khi hết giờ làm, chị thường đi chọn mía và nhờ một chủ hàng ép vào những chiếc bình to. Đến tối, chị xuống sân chung cư và bán cho các hộ dân. "Thu nhập tuy chẳng đáng là bao nhưng nhiều cái nhỏ góp vào thì sẽ thành lớn. Đói thì đầu gối ắt phài bò thôi", chị Quý cười nói.
Chị Quý cho biết thêm: “Sau một thời gian buôn bán, tôi đã nhận được sự tin tưởng của rất nhiều khách hàng. Vì thế, số lượng khách tìm đến để mua sản phẩm cũng ngày càng nhiều hơn, từ đó cuộc sống của mấy mẹ con tôi cũng dễ thở hơn. Nhiều cư dân cũng vì thế mà ví nhà tôi như một cửa hàng tạp hóa thu nhỏ, kể ra cũng thú vị".
Sĩ diện không làm no bụng!
Theo chị Quý, một người dù làm công ăn lương, công chức, giáo viên... khi có thời gian rảnh rỗi thì đều có thể làm thêm.
"Giáo viên rảnh rỗi họ có thể đi bán quần áo, dạy thêm, buôn bán mỹ phẩm được thì dân công chức cũng thế, miễn chúng tôi không ăn cắp thời gian khi làm việc", chị Quý nói.
Chị Quý cho biết: "Với riêng cá nhân tôi, công việc ở cơ quan không quá áp lực nên nghĩ có thể kinh doanh thêm. Tôi tận dụng tối đa mọi thời gian sau giờ làm để buôn bán. Tôi ủ giá đỗ sạch, làm sữa chua, caramen... để bán. Tôi bán bất cứ thứ gì mà người dân cần. Tôi không sợ xấu hổ, sự xấu hổ, sĩ diện không làm no bụng tôi, các con tôi".
Giá đỗ chị Quý tự làm thêm để bán sau mỗi ngày làm việc ở cơ quan. |
"Không chỉ công chức nhà nước mà nhiều ngành nghề khác, nếu chỉ tính riêng tiền lương thì hiện khó đảm bảo đủ để trang trải cuộc sống ở mức tiết kiệm. Do đó, tôi nghĩ ở thời đại này ai cũng cần chủ động tìm việc làm thêm phù hợp với sở thích và có thể gánh đỡ phần nào những chi tiêu hàng ngày.
Tôi thấy có nhiều người còn làm thêm cả việc vệ sinh, cả trông trẻ, nhổ cỏ... để có tiền. Tôi chả sợ ai chê cười vì chình mặt bán này bán nọ mà chỉ sợ người ta cười vì mình làm không đủ ăn. Mình cứ bỏ sức lao động chân chính, bán hàng chân chính thì nhiều người còn học theo ấy chứ", chị Quý bày tỏ.
Kể về những gian nan của nghề 'tay trái' chị Quý cười nói: "Có ai trải qua nghề buôn bán mà không một lần bị lỗ, với tôi cũng vậy. Nhiều khách mua hàng đòi trả hay đi hàng chục km nhưng đến nơi khách đi vắng mình cũng phải chịu. Rồi khi trời nắng, hàng hóa bị hư hỏng... Tuy nhiên, chúng ta mạnh dạn, chúng ta dám làm thì chúng ta sẽ có thu nhập".
Thanh Hải