Các cụ nói ở rể như "chui gầm chạn" cấm có sai. Mới 6 tháng theo vợ về nhà ngoại ở cữ mà tôi tưởng như 6 năm. Vợ thì lười, bố mẹ vợ thì khó tính, việc nhà đổ lên đầu chàng rể là tôi. Tôi không biết có nên để mặc vợ con ở nhà ngoại, còn mình bỏ về nhà nội hay không?
Vợ chồng tôi lấy nhau 3 năm rồi mới có con. Nhà hai đứa đều ở Hà Nội. Sau khi cưới, vợ chồng tôi vẫn ở chung với bố mẹ vì chưa có điều kiện mua nhà ra ở riêng.
Sau khi vợ tôi sinh con, bố mẹ tôi vì già yếu (hơn 70 tuổi) nên không ai chăm cháu, vợ tôi phải sang nhờ ông bà ngoại chăm sóc từ sau khi sinh.
Vì vợ con đều sang ở nhà ngoại nên tôi cũng chuyển sang bên đó ở. Thỉnh thoảng lại về thăm bố mẹ mình. Qua 6 tháng ở nhà bố mẹ vợ, tôi mới hiểu thế nào là cảnh chó nằm gầm chạn. Cảm giác thật mất tự do.
Trong khi vợ vô tư xem ti vi, lướt facebook thì việc nhà ông bà luôn sai tôi làm tất, từ giặt giũ cho con đến nấu bột, thay tã... (Ảnh minh họa) |
Vợ tôi là con một nên ông bà rất chiều con gái, lại vừa sinh xong nên vợ tôi không phải động chân động tay vào bất cứ việc gì. Trong khi vợ tôi vô tư xem ti vi, lướt facebook thì việc nhà ông bà luôn sai tôi làm tất, từ giặt giũ cho con đến nấu bột, thay tã... Mà tôi làm không đúng ý ông bà là bị ông bà nói.
Nhiều lúc nghĩ tôi nản quá, cứ tiếp tục thế này thì thật ấm ức, bí bách. Còn chuyển về nhà nội bỏ mặc vợ con thì tôi lại không nỡ. Xin các anh chị cho tôi lời khuyên, tôi có nên chuyển về nhà nội không ?
Thanh Hùng (Hà Nội)
Chuyên gia tư vấn:
Chào bạn, hiện nay vì nhiều lí do có khá nhiều người sau khi lấy vợ đồng ý về ở rể nhà vợ. Việc ở rể hoàn toàn không phải hạ thấp bản thân và “chịu nhục” như nhiều người vẫn nghĩ. Trong xã hội hiện đại, nhiều gia đình đã có quan điểm rất cởi mở trong hôn nhân. Họ coi dâu rể đều là con cái trong nhà và lựa chọn những phương án thuận tiện nhất đối với hoàn cảnh sống của gia đình mình. Quan niệm ở rể như chó chui gầm chạn cũng đã lỗi thời.
Còn việc chăm sóc vợ con lúc vợ sinh em bé là việc người chồng người cha nào cũng nên làm, để thể hiện trách nhiệm của người chồng, người cha trong gia đình.
Giá trị cốt lõi của gia đình là yêu thương, sự tôn trọng lẫn nhau. Hai vợ chồng cùng chấp nhận nhau, yêu thương nhau để tìm tiếng nói chung sẽ hóa giải mâu thuẫn và xây dựng gia đình cùng nhau.(Ảnh minh họa) |
Vợ chồng bạn đã rất may mắn khi hai nhà gần nhau, tiện đi lại, lại có bố mẹ giúp đỡ lúc vợ bạn sinh nở. Có rất nhiều cặp vợ chồng sau khi kết hôn và sinh con, vì bố mẹ già yếu hoặc ở quê xa, không có điều kiện lên chăm sóc con cháu nên hai vợ chồng phải tự chăm nhau và chăm con. Cuộc sống thực sự rất vất vả nhất là sau khi người vợ vừa sinh con, sức khỏe còn yếu chưa làm được việc nhà.
Bạn hãy xác định việc chăm con là việc của hai vợ chồng, vì là con của hai bạn, ông bà giúp được chút nào hay chút đó.
Còn vấn đề khúc mắc với bố mẹ vợ, tất cả đều do ứng xử cả. Phần vì bố mẹ vợ đôi khi không tế nhị. Phần do bạn không chủ động, có thể không cương quyết, tự chủ khi cần phải thế. Và nữa, đôi khi hai bên lại chấp nhặt chuyện ý kiến của người khác. Bạn hãy cứ coi bố mẹ vợ như bố mẹ mình, hãy làm những thứ đáng ra bạn phải làm. Cái gì liên quan thì ý kiến chừng mực, cái gì không liên quan thì thôi.
Bạn cũng nên nói chuyện với vợ, cô ấy đã ở cữ 6 tháng, nếu sức khỏe không có vấn đề gì, cô ấy nên cùng bạn chăm sóc con, cùng nhau làm việc nhà vì bạn cũng phải đi làm rất mệt mỏi. Bạn hãy chia sẻ những suy nghĩ của mình thậm chí cả quan điểm sống của bạn cho vợ biết. Và mong muốn cô ấy sẽ đồng hành cùng bạn và sẽ là cầu nối với bố mẹ vợ để tạo sự gần gũi và hiểu hơn những áp lực mà bạn đang phải chịu.
Nếu cảm thấy khó dung hòa cùng nhau, bạn có thể yêu cầu vợ con về nhà nội ở và thuê người giúp việc.
Hoặc nếu hai nhà gần nhau thì ban ngày bạn đến chăm vợ con còn tối về nhà nội ngủ, như vậy bạn cũng sẽ cảm thấy thoải mái hơn.
Như hoàn cảnh của bạn, ông bà nội đã già yếu không chăm cháu được, nếu không ở cùng ông bà ngoại thì vợ chồng bạn sẽ xoay sở thế nào với đứa con nhỏ và vợ bạn cũng sắp sửa phải đi làm lại?
Giá trị cốt lõi của gia đình là yêu thương, sự tôn trọng lẫn nhau. Hai vợ chồng cùng chấp nhận nhau, yêu thương nhau để tìm tiếng nói chung sẽ hóa giải mâu thuẫn và xây dựng gia đình cùng nhau.
Thử đặt ra câu hỏi, người phụ nữ có thể theo chồng về làm dâu, phụng dưỡng bố mẹ chồng, thì vì sao người đàn ông lại không thể đến ở rể, chăm sóc bố mẹ vợ?
Thiết nghĩ rằng, nếu bạn tôn trọng bố mẹ vợ, sống biết quan tâm và chia sẻ thì sẽ chẳng cần phân biệt chuyện bố mẹ vợ bố mẹ chồng làm gì cả, điều cốt yếu là cách đối nhân xử thế của cả 2 bên như thế nào để không gặp phải những tình huống khó xử.
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cũng chia sẻ rằng vợ chồng trẻ chung sống với bố mẹ, sự khác biệt về thế hệ, lối sống, cách nghĩ có thể gây bất đồng, đó là điều bình thường. Quan trọng là hai bên biết lắng nghe nhau, hiểu và cảm thông, có thiện chí vun đắp cho mối quan hệ chung. Khi chồng ở rể, vợ có thể là cầu nối, giúp chồng hiểu và gần gũi với bố mẹ mình hơn và ngược lại.
Việc hạnh phúc hay khổ sở phụ thuộc nhiều vào việc người trong cuộc ứng xử thế nào, có làm chủ được bản thân hay không. Nếu người con rể hiếu nghĩa với bố mẹ vợ, sống có trách nhiệm với gia đình, người vợ khéo léo, không "ỷ thế" nhà mình khiến chồng chạm tự ái... thì việc ở rể sẽ rất thuận lợi.
Hãy chọn cách sống cho mình, biết quan tâm hơn loại bỏ tư tưởng “bố mẹ anh, bố mẹ tôi” cuộc sống sẽ bằng phẳng êm xuôi, ở rể sẽ chẳng như người ta vẫn nói, chị em phụ nữ muôn đời nay vẫn đi làm dâu nhà người đấy thôi.
Chúc bạn và gia đình luôn hạnh phúc!
Chuyên gia Tâm lý