Gần 3 năm trời theo chồng sang Đức định cư, em cứ nghĩ cuộc sống ở trời Tây sẽ dễ chịu và thoải mái hơn. Nhưng không, bố mẹ chồng em vẫn xét nét con dâu, nói em ăn không ngồi rồi trong khi em vừa chăm con vừa bán hàng xách tay kiếm thêm thu nhập.
Chào các anh chị, em rất ít khi viết tâm sự của mình lên các chuyên mục của báo, vì không muốn cuộc sống riêng của mình bị đem ra mổ xẻ, bàn luận. Nhưng em thực sự cảm thấy bế tắc quá và muốn được chia sẻ để nhận được lời khuyên của các anh chị.
Em cũng như đa phần các mẹ khác vì chồng nên phải bỏ mọi thứ mình có ở Việt Nam để sang một đất nước xa lạ. Tiếng không biết, mối quan hệ không có, gia đình ở Việt Nam có việc cũng không về được vì còn vướng 2 đứa con nhỏ. Nhìn bạn bè đi chơi mà em phát thèm.
Gần 3 năm trời ở Đức em cũng xây dựng được công việc bán hàng xách tay và chuyển hàng về cho các chị em, từ bàn tay trắng em mở được shop xách tay nho nhỏ, công việc ngày nào cũng bận rộn. Các mẹ cùng hoàn cảnh thì khen em giỏi xoay xở nhưng trong con mắt của nhà chồng, em chỉ là đứa vô công rồi nghề, chả làm cái gì cả.
Cứ tưởng cuộc sống ở trời Tây sẽ dễ thở hơn, nhưng dù định cư ở Đức, em vẫn bị mẹ chồng soi mói, xét nét từng tí một. (Ảnh minh họa) |
Như ngày hôm nay em ốm vẫn phải đưa con lớn đi học, đưa con nhỏ đi khám bác sĩ. Đến lúc đón con về em cho con uống thuốc bác sĩ kê. Em cho con uống thuốc 2 lần rồi đến tối em mệt quá lăn ra ngủ lúc nào không biết. Em ngủ được một lúc thì chợt tỉnh vì nghe tiếng chửi oang oang của bố chồng, rằng em là đồ ăn hại, chỉ ăn không ngồi rồi, thuốc cũng không cho con uống. Rồi ông đứng trước cửa phòng chửi em là “con hãm”. Em choáng váng quá!
Em đã dặn mẹ chồng là em cho con uống thuốc rồi chỉ còn 1 lần nữa nhờ bà cho uống hộ mà không hiểu sao lại thành ra như vậy. Em biết phận làm dâu “khác máu tanh lòng”, em ốm cũng không cần nhà người ta hỏi thăm đâu nhưng em cần được yên tĩnh. Em mới nghỉ ngơi 1, 2 tiếng thôi cũng bị chửi chẳng ra gì.
Chồng em đi làm cả ngày em không muốn kể những gì em phải chịu đựng hàng ngày ra cho chồng biết vì nếu có kể thì anh cũng bênh bố mẹ mình thôi.
Nhiều lúc nghĩ em thấy ấm ức lắm. Bố mẹ em nuôi dạy con gái đàng hoàng tử tế, cứ nghĩ con mình được vào gia đình tử tế. Từ ngày lấy chồng sang đây em mới biết thế nào là nhịn nhục, là ức mà phải câm nín. Bố mẹ em ở Việt Nam mà biết được chắc xót con lắm. Con em mỗi lần nhìn thấy mẹ khóc lại hỏi: “Mẹ ơi sao mẹ lại có nước mắt?”, em lại càng tủi thân.
Em viết tâm sự của mình lên đây chỉ mong nhận được sự đồng cảm động viên của các anh chị vì em không dám tâm sự với bố mẹ hay bạn bè ở Việt Nam.
Mai Thu Hà (thuha1709@...)
Chuyên gia tư vấn:
Chào bạn, mâu thuẫn bố mẹ chồng- nàng dâu thời nào cũng có và hầu như cứ sống gần nhau sẽ nảy sinh những va chạm, khúc mắc.
Mặc dù vợ chồng bạn đang sống ở nước ngoài, với nền văn minh và văn hóa khác hẳn trong nước, nhưng vì chung sống cùng bố mẹ chồng dưới một mái nhà, những tư tưởng và quan niệm đã ăn sâu vào trong gốc rễ khó lòng thay đổi được, nên khó tránh khỏi những mâu thuẫn.
Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới những xung đột gay gắt giữa mẹ chồng và nàng dâu là do sự ghen tuông. Có những người mẹ rất hiền từ nhưng khi có con dâu thì trở nên đáo để, xét nét, bắt lỗi con dâu đủ điều. Đó không phải là bản tính quá quắt của các bà mẹ chồng hay “khác máu tanh lòng” mà xuất phát từ sự ghen tuông. Tâm lý của người mẹ chồng khi có con dâu thường tìm cách bới móc con dâu vì thấy con trai yêu vợ hơn mình.
Để chung sống hòa thuận với bố mẹ chồng là cả một nghệ thuật, bạn hãy để chồng là cầu nối để dung hòa mối quan hệ với nhà chồng. (Ảnh minh họa) |
Để có thể sống chung với bố mẹ chồng một cách hòa thuận, êm thấm là cả một nghệ thuật. Khi bố mẹ chồng nóng nảy, mắng mỏ thì bạn hãy cố nín nhịn mà không nên nói lại. Vì lúc này một bên đã nóng, một bên lại cự cãi sẽ dẫn đến mâu thuẫn ngày càng căng thẳng. Ông bà ta đã có câu “một sự nhịn là chín sự lành” mà. Đợi khi ông bà đã nguôi ngoai, bạn có thể lựa lời để nói cho ông bà hiểu. Nếu bạn bị ốm, hãy nói để ông bà biết và nhờ ông bà trông con giúp. Nếu con bị ốm hãy nhờ ông bà cho cháu uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và nói trước mặt cả hai ông bà luôn.
Nếu có bạn bè, người thân để chia sẻ, giãi bày tâm sự và có thể cho bạn những lời khuyên chân thành, thì cuộc sống của bạn có lẽ cũng sẽ giảm bớt những áp lực và căng thẳng hơn.
Hoàn cảnh của bạn phải theo chồng ra nước ngoài, xa gia đình, bạn bè, người thân thực sự đã rất thiệt thòi và thiếu thốn tình cảm. Lại bị bố mẹ chồng nói như vậy chắc sẽ cảm thấy rất buồn.
Do đó, bạn có thể tâm sự với chồng, mục đích không phải để chồng lên tiếng bênh vực mình, mà để vợ chồng cùng chia sẻ, tâm sự với nhau những lúc buồn vui và cùng nhau tìm cách giải quyết. Hãy cho anh ấy biết những áp lực, căng thẳng mà bạn đang phải chịu.
Về kinh tế, bạn đã có shop bán hàng xách tay và công việc thuận lợi, luôn bận rộn đông khách chứng tỏ về kinh tế vợ chồng bạn đã tự chủ được, không phụ thuộc vào bố mẹ chồng, nên việc bố mẹ chồng nói bạn “ăn không ngồi rồi” là không đúng.
Nếu bố mẹ chồng muốn bạn ra ngoài đi làm kiếm tiền thì ông bà có đảm bảo chăm sóc được cho 2 đứa con của bạn để bạn đi làm hay không? Vả lại việc đi làm ở nước ngoài rất áp lực không thể có nhiều thời gian chăm sóc gia đình, con cái. Việc này bạn nên nói với chồng để anh ấy nói chuyện với bố mẹ chồng bạn.
Hãy để chồng là cầu nối để dung hòa mối quan hệ giữa bạn và bố mẹ chồng. Trong cuộc sống gia đình, ai cũng phải học cách tôn trọng, nhường nhịn, và quan tâm đến nhau. Còn bạn cứ sống đúng lương tâm mình. Phận làm con phải làm tròn nghĩa vụ. Coi bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ thì sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều.
Và một điều quan trọng là bạn phải tự chủ được về mặt kinh tế, nếu cần thiết thì có thể xin bố mẹ ra ở riêng. Còn nếu không thể sống riêng và hoàn cảnh bắt buộc phải sống chung thì mỗi người đều phải bớt đi tính ích kỷ, cái tôi cá nhân và quan tâm lẫn nhau.
Chúc bạn thành công và vững vàng lên nhé!
Chuyên gia Tâm lý