- Hôn nhân trắc trở gây khó khăn cho tất cả mọi người… đặc biệt là với trẻ nhỏ. Dưới đây là chia sẻ làm thế nào để bảo vệ con trẻ khỏi tác động từ mối quan hệ vợ chồng không hòa hợp, cách nói về một cuộc chia tay…
“Tôi là mẹ của một cậu con trai nhỏ tám tuổi – đó là cuộc sống và cũng là linh hồn của tôi. Suốt năm năm qua, cuộc hôn nhân của tôi dần bị hủy hoại tới mức không gì cứu vãn nổi. Tất cả những gì vợ chồng tôi làm với nhau gần như chỉ là cãi vã và ẩu đả, mối quan hệ này chỉ mang lại bất hạnh cho tôi.
Nhưng vì con, tôi không thể và sẽ không bỏ chồng. Người bạn đời của tôi không phải là ông chồng chu toàn, nhưng lại là một ông bố tốt.
Ảnh minh họa |
Do vậy, tôi quyết định kéo dài cuộc hôn nhân, dù không hạnh phúc. Đôi khi tôi thấy mình trì trệ, nhưng rồi tự nhủ rằng tôi đang làm tất cả những gì tốt nhất cho con mình, và điều đó giúp tôi có thể tiếp tục sống như vậy” – chia sẻ của một bạn đọc tên là Penny.
Khi việc nuôi dạy con cái, chi trả các hóa đơn và sự nghiệp gian nan ‘tấn công’ vào các cặp đôi, họ có thể phải chịu tác động rất mạnh. Nhiều mối quan hệ như của vợ chồng cô Penny phải đối đầu rất chật vật khi tình yêu không còn màu hồng.
Khi cha mẹ lựa chọn việc chia tay, con trẻ sẽ phải đứng giữa. Vậy bạn quyết định kéo dài hôn nhân vì con, hay là chấm dứt cuộc sống khiến bạn khổ sở?
Đi hay ở?
Khi quyết định kéo dài hay chấm dứt một mối quan hệ khó khăn, Winifred Ling – Giám đốc và cũng là một Hiệu trưởng chuyên ngành tâm lý học – cho rằng điều đó còn phụ thuộc vào tuổi của đứa trẻ, và các vấn đề hôn nhân khó khăn tới mức nào.
Giống như Penny, nhiều cặp đôi chọn cách sống chung bất chấp cuộc sống khó khăn ra sao, ít nhất là cho tới khi con họ đủ lớn để hiểu. Nhiều người thậm chí còn chờ tới khi con cái họ trưởng thành.
Cho dù bạn quyết định thế nào thì việc bảo vệ con khỏi tác động của mối quan hệ căng thẳng giữa bố mẹ có tầm quan trọng then chốt đối với sự phát triển lành mạnh của con, và đây phải là một ưu tiên hàng đầu.
Bảo vệ con
Dawn là một người từng ly hôn, chia sẻ: “Tôi nghĩ lời khuyên khả dĩ nhất mà tôi có là tôi không nên cố gắng hay biến con gái mình trở thành bạn tâm giao, không chia sẻ nỗi khổ tâm của tôi với con chỉ vì con luôn ở cạnh bên”.
Thực tế, bắt con bạn phải nghe mọi tâm sự không phải là ý hay. Khi con biết quá nhiều, con sẽ có thể hiểu sai sự việc hoặc tự trách bản thân. Con trẻ có thể nghĩ rằng chính chúng đã gây ra vấn đề giữa vợ chồng bạn. Winifred nói: “Hãy nói với con rằng cuộc hôn nhân khó khăn của bạn không phải là lỗi tại con”.
Con bạn cũng có thể vô tình chọn về phe bạn khi bạn dành tình cảm cho con. Nhưng, thật sự là không công bằng khi bạn đặt con vào tình huống con nghĩ rằng phải chọn bố hay mẹ.
Nói cách khác, ngay cả khi buộc phải ‘nói dối để bảo vệ’ con, thì bạn cũng nên thành thật hết mức có thể. “Con trẻ rất nhạy cảm và có thể nhận biết cảm xúc tiêu cực dù cho bố mẹ chúng có nói rằng mọi việc vẫn ổn” – Winifred nói.
Bạn nên tránh nói câu: “Đây là chuyện người lớn, con không hiểu được đâu”, vì điều này sẽ phủ nhận cảm xúc của đứa trẻ và khiến con cảm thấy bất lực.
Còn nếu bạn cần trao đổi với bạn đời và câu chuyện có thể dẫn tới cãi vã, hãy chờ tới khi con đi ngủ hoặc không có ở nhà.
Những dấu hiệu cần để ý ở con trẻ
Có đôi khi cuộc sống hôn nhân của bạn gặp sóng gió, con trẻ không thể tránh khỏi tác động từ điều này.
Theo Winifred, một thay đổi đột ngột hoặc quyết liệt trong hành vi của con thường là dấu hiệu cảnh báo đầu tiên. Chẳn hạn như, một đứa trẻ năng nổ bỗng nhiên lãnh đạm, hay trẻ tự dưng biếng ăn, hoặc một trẻ bình thường vốn hiền lành lên cơn cáu giận.
Những đứa trẻ khác có thể bộc lộ sự căng thẳng và lo âu theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như gặp rắc rối ở trường học, hoặc các hành động như bỏ học.
Bạn cũng có thể giúp con kiểm soát cảm xúc bằng cách ‘thường xuyên để tâm, bày tỏ sự lo ngại và luôn giữ kênh liên lạc’ – Winifred nói.
Winifred cũng gợi ý rằng bạn nên tạo không gian an toàn cho con, ở đó, con có thể chia sẻ những suy nghĩ – dù là biểu lộ qua các cơn giận dữ - mà không bị phán xét.
Hàn gắn mối quan hệ tan vỡ
Khi con trẻ có liên quan tới một mối quan hệ hay cuộc hôn nhân trục trặc, các chuyên gia khuyến nghị rằng các cặp đôi nên có sự trợ giúp chuyên nghiệp để giúp bạn hàn gắn mối quan hệ trước khi nó chấm dứt.
Một chuyên gia tư vấn có thể giúp bạn: hiểu rõ những sai lầm trong cuộc hôn nhân của bạn; cải thiện đời sống vợ chồng khi giải quyết từng vấn đề một; tìm các các nguồn lực và sức mạnh nội tại để giúp đôi bên vượt qua khó khăn; trò chuyện và nối lại mối liên hệ; gây dựng lại niềm tin và hứa hẹn ban đầu.
Khi phải chia tay
Cách khả dĩ nhất để nói với con rằng bố mẹ sẽ không ở cùng nhau nữa, đó là ‘giải thích một cách đơn giản nhất tại sao cuộc hôn nhân không thể tiếp tục, và nhắn nhủ rằng cả hai vẫn sẽ yêu thương và chăm sóc con, chỉ là họ sẽ không ở cùng trong một ngôi nhà nữa’ – cô Winifred nói.
Nếu xử lý khéo léo, việc ly hôn hay chia tay có thể không tác động tiêu cực lên đứa trẻ, chẳng hạn như trường hợp của Anna – một người mẹ đang cùng chăm sóc cậu con trai 5 tuổi với người chồng cũ.
Anna giải thích rằng, khi vợ chồng cô mới quyết định chia tay, họ nói một cách nhẹ nhàng với cậu bé rằng: “ba mẹ sẽ vẫn chăm sóc cho nhau, nhưng sẽ không ở chung trong một ngôi nhà nữa”. Anna liên tục trấn an cậu bé rằng cô và chồng không ngừng yêu thương cậu, dù họ không đi chung một lối.
Giờ đây, cậu bé mong ngóng tới cuối tuần để được chơi với ba, sau đó lại vui vẻ về nhà với mẹ trong suốt cả tuần kế tiếp.
Nếu bạn buộc phải chia tay, Winifred khuyên rằng vợ chồng bạn nên chấp nhận thực tế rằng sẽ có một khoảng thời gian rất khó khăn cho mọi người, và bạn nên thấu hiểu khi con mình bày tỏ sự giận dữ hay thất vọng. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy cần thiết, hãy tìm đến sự trợ giúp chuyên nghiệp để giúp con hiểu quyết định của bạn.
Lê Thu