- Thay vì những lời than vãn, những cái lắc đầu ngán ngẩm nhiều nhà dân ở Hà Nội đã chủ động lắp giếng khoan, xây bể lọc để đối phó với nạn mất nước bởi họ "đã hết chịu nổi".

"Tự cứu mình"

Sáng 29/9, tại phố Quan Nhân, Thanh Xuân, câu chuyện mất nước vẫn rôm rả nơi những quán trà đá. Dường như tin vừa có nước trở lại không đủ làm xoa dịu sự giận giữ của người dân.

"Họ thiếu tôn trọng người tiêu dùng. Hơn 15 lần mất nước là một con số không thể chấp nhận được", ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Nhà ông Hùng xây nhà từ năm 2010 nhưng ông vẫn cẩn thận đầu tư xây bể nước ngầm lớn để dữ trữ nước. "Cứ mỗi lần mất nước nhà tôi lại nhộn nhịp hẳn lên bởi các nhà hàng xóm người xô, người chậu sang xin".

Những người dân xung quanh khu vực này cho biết: "Nếu tình trạng này tái diễn thành phố phải xây bể nước công cộng cho dân. Nếu không đủ chi phí chúng tôi sẵn sàng đóng góp theo phương châm "nhà nước và nhân dân cùng làm".

{keywords}
Nhiều hộ dân đã "tái khởi động" hệ thống bơm nước từ giếng khoan

Chị Oanh, chủ quán bún ở Định Công lại cho rằng "nên tự cứu mình trước khi chờ người khác". Ngày trước gia đình chị dùng nước giếng khoan nhưng sau đó chuyển sang mua nước máy của thành phố, giếng khoan từ đó bị bỏ không, hư hỏng. Tuy nhiên, nguồn nước thành phố cung cấp không ổn định do quá nhiều lần vỡ đường ống nên chị đang tính toán việc tái sửa chữa giếng khoan.

"Gia đình tôi cũng sẽ đầu tư xây bể lọc để chủ động có nguồn nước sạch ổn định. Mất nước không những ảnh hưởng đến sinh hoạt còn làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh làm ăn của gia đình. Mỗi lần mất nước ai sẽ bù lỗ cho tôi khi tiền mặt bằng, tiền thuê người...vẫn phải trả trong khi không có nước để sản xuất hàng bán?".

"Ai ngờ rằng giữa Thủ đô văn minh mà người dân lại phải trông chờ vào nước giếng khoan để dùng?", chị này bức xúc.

Qua nhiều năm trường kì kháng chiến với nạn mất nước, ông Nguyễn Kiên ở Định Công, nói: "Chúng tôi đã bỏ quá nhiều tiền để mua nước trong những ngày vỡ đường ống với chất lượng nước đục, bẩn thậm chí là màu còn hơi đỏ. Lần này gia đình tôi quyết định đầu tư hẳn một cái giếng khoan để đề phòng".

Tương tự, ông Kiên chia sẻ, con trai cả của ông đang xây lại nhà (cách gia đình ông vài căn nhà) cũng đã yêu cầu kỹ sư thiết kế bể ngầm, bể dự trữ diện tích rộng để tích nước sạch. "Ở vùng này là phải thế, ai dám chắc không có lần vỡ thứ 16, 17?"

Tại phường Mỹ Đình 1, do quá ngán ngẩm với chuyện mất nước, có gia đình đã phải ngừng mọi hoạt động kinh doanh để đào bể chứa nước giữa nhà.

Gia đình này cho biết, thường xuyên mất nước gia đình không có nước dự trữ nên rất khổ. Nhiều lúc có nước thì nguồn nước lại yếu không đẩy lên bình trên mái nhà. Do đó, phải xây bể chứa dưới nhà để khi có nước sẽ dự trữ được và dùng máy bơm để đẩy lên bể trên.

Đóng quán, chuyển chỗ

Đa số người dân đều phản ánh, tiền nước họ giao nộp không thiếu một đồng, một ngày bởi nếu muộn họ sẽ bị chủ đầu tư "hứa hẹn" cắt nước. 

Chị T.H (chủ quán ốc ở Định Công Thượng) nói: "Thu tiền nước thì như siết nợ, người dân xin khất 1, 2 hôm thì nhận được chị thị "tự ra điểm thu để nộp" và "quá hạn sẽ ngừng cấp nước" trong khi mất nước hàng tuần liền chúng tôi không nhận được một lời xin lỗi nào".

{keywords}
Khi không có nước giếng khoan, người ta đưa quần áo đi tiệm giặt là, ăn cơm bình dân và đi tắm ở nhà nghỉ để đối phó với tình trạng mất nước

Có mặt tại đây vào sáng 29/9, chúng tôi được chị chủ quán gội đầu Thanh Tâm (2/112 Định Công Thượng) cho biết, chị đang phải dùng nước giếng khoan để gội đầu cho khách. "Đến hiện tại chỗ tôi vẫn chưa có nước". Chị chỉ tờ hóa đơn tiền điện nằm chỏng chơ trên bàn, nói: "Nhân viên đến thu tiền nước tôi không thèm đóng. Đóng làm gì khi nước chưa có?".

Cũng làm nghề cắt tóc gội đầu cho khách, một chủ quán khác chia sẻ, anh thuê mặt bằng ở đây làm ăn khá lãi vì lượng khách ổn định nhưng mỗi lần mất nước cả chủ quán lẫn nhân viên phải thay nhau đi xách.

"Lúc mất nước mình có thể tắm gội qua quýt nhưng gội cho khách phải chu đáo, nước giếng khoan mùi nhiều khách khó tính còn cáu gắt. Tôi đang tính phải chuyển chỗ thuê sang khu vực khác bởi nhiều lần mất nước, đóng quán chúng tôi không có doanh thu mà khách họ cũng nản. Mất khách thì lấy gì mà làm?"

Cũng cảnh thấp thỏm với nguồn nước sạch nhà anh Hà (Định Công) nói: "Không đâu như vùng này, mùa mưa thì nước bẩn ngập không có chỗ thoát đi làm mà như đi thi bơi mùa hè thì nước sạch hết lần này lần khác bị mất. Vợ tôi đang bàn hai vợ chồng bán nhà đất mua chung cư cao cấp ở các khu vực khác văn minh, sạch sẽ để ở".

"Việc mất nước ở Thủ đô như chiếc Iphone vậy, mỗi năm có vài phiên bản. Năm nay chắc chắn sẽ có 16 và 16s đấy, mọi người sẵn sàng xô chậu để đón ngày ra mắt...", một độc giả cảnh báo người dân đề phòng chuyện mất nước những lần tới.

Ngọc Trang - Thanh Hải

(còn tiếp)