Ở nam giới, việc mắc bệnh quai bị ở tuổi sau 30 càng dễ dẫn đến viêm tinh hoàn dẫn đến teo... và có nguy cơ vô sinh rất cao.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng tinh hoàn bị teo ở một số nam giới. Song vì ngại ngần hoặc chủ quan mà dẫn đến hiện tượng vô sinh ở một số nam giới.

Teo tinh hoàn do quai bị

Tuy lấy vợ được 3 năm và đã có một đứa con, nhưng anh L.V.Hà (Đống Đa – Hà Nội) đang có ý định đi gửi tinh trùng vì bị teo mất một bên tinh hoàn. Cách đây khoảng 2 tháng, trong một lần bị sốt nhẹ nhưng anh Hà vẫn đi công tác vì nghĩ chỉ là ốm thông thường. Nhưng sau khi đi công tác, anh được chẩn đoán bị quai bị, toàn thân rã rời, gia đình anh đã phải vội vàng đưa anh đi cấp cứu.

Sau một tuần cách ly và điều trị, anh đã khỏe trở lại. Nhưng sau hai tuần, anh phát hiện một bên tinh hoàn đã bị teo. Ngoài ra, anh còn mất đi cảm hứng trong chuyện chăn gối vợ chồng.

{keywords}

Khi tinh hoàn bị đau nhức, sưng tấy cần phải đi khám để điều trị. Ảnh minh họa.

Anh Hà chia sẻ: “Sau khi bị teo một bên tinh hoàn, tôi ít có cảm hứng trong chuyện ấy, một tháng tôi chỉ gần gũi vợ một lần. Vợ tôi cũng đã đưa tôi đi khám, hiện tôi đang uống thuốc điều trị. Nhưng nếu không khỏi và có nguy cơ teo cả hai bên tinh hoàn thì buộc tôi phải đưa tinh trùng của mình đi gửi”.

Trái với anh Hà là trường hợp của anh N.V.Lâm (Cầu Giấy – Hà Nội) bị teo một bên tinh hoàn hồi thanh niên. Vì thế, kết hôn được hơn 3 năm rồi nhưng vợ chồng anh vẫn chưa thể có con. Anh Hà có biểu hiện đau ở tinh hoàn hồi 20 tuổi, nhưng vì chủ quan và ngại ngùng nên anh đã không đi khám. Hiện tượng kéo dài khiến một bên tinh hoàn của anh Lâm bị teo hẳn. Nhưng vì nghĩ là bình thường, không lường trước được việc vô sinh sau này nên anh Lâm vẫn không đi khám. Sau khi lấy vợ hơn 1 năm mà vẫn không có con, anh mới chịu đến trung tâm sức khỏe sinh sản để thăm khám.

Nguyên nhân anh Lâm không thể có con là do một bên tinh hoàn bị teo, dẫn đến việc số lượng và chất lượng tinh trùng bị giảm. Việc để lâu không điều trị, khiến việc phục hồi lại chức năng cho tinh hoàn cũng bị hạn chế. Trường hợp của anh Lâm nếu không chữa trị kịp thời thì tinh hoàn còn lại cũng teo dần và dẫn đến vô sinh.

Teo tinh một bên tinh hoàn liệu có vô sinh vĩnh viễn?

Theo bác sỹ nam khoa Trần Kháng, tinh hoàn là bộ phận sản sinh ra tinh trùng và tế bào Lydig sản xuất hoóc môn Testosteron, quyết định đến khả năng sinh sản và độ nam tính của người đàn ông. Khi một bên tinh hoàn bị teo đi, có nghĩa là hoóc môn Testosteron và lượng tinh trùng giảm, dẫn đến việc mất đi sự ham muốn trong quan hệ tình dục, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe sinh sản của người đàn ông.

Tỷ lệ nam giới bị viêm tinh hoàn do quai bị chiếm đến 20 – 30%, song tập trung chủ yếu ở độ tuổi dậy thì và sau dậy thì, hiếm gặp ở những người lớn tuổi. Việc viêm tinh hoàn dẫn đến hiện tượng tinh hoàn bị teo chiếm tỉ lệ cao và khiến người bệnh bị vô sinh. Do vậy, khi bị teo hai bên tinh hoàn từ 1 đến 2 tháng cần phải đưa tinh trùng đi gửi vì lúc đó trong tinh dịch vẫn còn lưu giữ tinh trùng để duy trì nòi giống.

Khi một bên tinh hoàn bị teo, hoặc có hiện tượng bị teo hoặc sưng tấy, đau nhức cần phải được gặp bác sỹ để được thăm khám, tư vấn và chữa trị. Khi tinh hoàn bị teo một bên không có nghĩa là vô sinh hoàn toàn, vì có nhiều phương thức để điều trị, chuyên gia có thể dùng phương pháp y học để kích thích tinh hoàn bị teo trở lại hoạt động bình thường, song phải điều trị dài lâu và kiên trì.

Để tránh trường hợp bị teo tinh hoàn khi bị quai bị, người bệnh cần phải được chữa trị bệnh quai bị nhanh chóng. Đồng thời cần phải kiểm tra và theo dõi tinh hoàn sau khi bệnh nhân khỏe trở lại. Sau một hai tháng khi hết bệnh quai bị mà có dấu hiệu bất thường cần phải thông báo kịp thời cho bác sỹ để được chữa trị.

Bên cạnh đó, cần phải chăm sóc tinh hoàn tốt bằng cách: Không mặc quần bó sát, không nên sử dụng các chất kích thích, phòng tránh viêm tiết niệu, vệ sinh sạch sẽ “cậu nhỏ” hàng ngày, mát xoa tinh hoàn sau khi tắm, tránh nằm sấp nhiều vì dễ bị xoắn thừng tinh... Khi có biểu hiện sưng tấy, đau nhức tinh hoàn cần phải đi gặp bác sỹ để được siêu âm và điều trị nếu trong tình trạng bất ổn.

(Theo Congluan)