"Có yêu mới ghen", "ghen là một trong những cung bậc của tình yêu", "Tình yêu không ghen tuông chẳng khác gì canh không muối"... đó là một trong những lí giải của rất nhiều người về sự ghen tuông.

Không giống như sự ghen tỵ, ghen tuông luôn liên quan tới cảm giác sợ mất mát và luôn có 3 người. Khi ghen, trong cơ thể sẽ xảy ra các phản ứng cả về tâm lí và hành động với các biểu hiện đau đớn về tinh thần, tức giận, buồn bã, ghen tị, sợ hãi, lo lắng về hình ảnh của mình, tự xót thương mình, cảm thấy bị bẽ mặt (tâm lí), run rẩy, toát mồ hôi, tự trấn an mình, có những hành động hung hăng, thậm chí bạo lực (hành động).

Dưới con mắt của y học thì ghen tuông mù quáng là dạng bệnh tâm thần, nó giống hệt với bệnh tự kỉ: không sợ đau đớn, không quan tâm đến người khác, không bị bất cứ điều gì tác động làm thay đổi suy nghĩ và hành vi, luôn lặp đi lặp lại một số hành động khiến cho người xung quanh mệt mỏi và căng thẳng.

Ở những người mắc chứng ghen tuông bệnh hoạn, khoảng hạn giữa trạng thái bình thường và bùng nổ giận dữ rất hẹp, hẹp tới mức chỉ cần một vài dấu hiệu lờ mờ là cơn giận ngay lập tức có mặt, bất chấp lí trí mạnh đến đâu. Khi cơn giận đến, cơ thể tiết ra một chất hoá học làm nhịp tim đập nhanh, mạch máu căng lên, đầu óc rối bời. Lúc đó chỉ muốn phá phách hoặc tự sát để làm dịu cơn giận.

{keywords}

Ảnh minh họa

Bệnh ghen ảnh hưởng trực tiếp đến trí não, nó làm giảm trí thông minh, thiếu logic, đánh mất sự tự tin, tiêu tan độ hấp dẫn. Ghen cũng giống như một thứ nghiện. Những người ghen sau cơn giận đều biết mình sai trái, đều xấu hổ với hình ảnh xấu xí của mình, đều ân hận vì đã làm tổn thương những người xung quanh, thế nhưng khi "cơn nghiện" đến họ lại không làm chủ được bản thân. Nhiều người còn rơi vào tình trạng tự tăng liều ghen, cảm thấy "phê" cái cảm giác hành hạ và lăng nhục người khác.

Ghen có khả năng thắt chặt sợi dây tình cảm, nó làm cho tình yêu mạnh mẽ và nồng nhiệt hơn. Với "liều lượng" vừa phải và trong tầm kiểm soát được, ghen có thể là một sức mạnh tích cực trong mối quan hệ luyến ái. Theo các nhà tâm lí, thì ghen là một tình cảm bình thường của con người, cũng như nỗi sợ hãi vậy. Khi gặp nguy hiểm ta thấy sợ là dĩ nhiên, nhưng sẽ là không bình thường nếu để nỗi sợ choán hết tâm trí. Nếu để ghen tuông ám ảnh mọi lúc, mọi nơi, nhìn vào đâu cũng thấy "tình địch" thì sẽ biến cuộc sống thành địa ngục. Rất nhiều người vì ghen tuông thái quá đã tự huỷ hoại bản thân, hoặc huỷ hoại tình địch, thậm chí hủy hoại cả bạn tình của mình, kết cục cái mà họ nhận được chính là bất hạnh.

Theo các chuyên gia tâm lí, ghen là một dạng bản năng của con người, là một trạng thái tình cảm bí ẩn ngay cả với chính người trong cuộc. Ngay từ khi biết nhận thức con người đã biết ghen. Nếu những cơn ghen tị, ghen tuông từ khi còn là một đứa trẻ không được giải toả, sẽ khắc sâu vào tâm trí và dần dần hình thành nên tính cách: những người "hướng ngoại" thì biểu hiện sự giận giữ, ghen tuông ầm ĩ; còn người "hướng nội" thì biểu hiện sự ghen tuông của mình bằng sự xa lánh, lạnh lùng, khinh bỉ, căm thù đối tượng. Dù là "hướng ngoại" hay "hướng nội" thì đều rất nguy hại cho sức khỏe cả thể chất và tinh thần.

Ghen tuông là bản năng của con người nên không có cách gì loại bỏ được nó. Con người chúng ta không thể không ghen, nhưng hoàn toàn có thể chế ngự được những trạng thái cảm xúc khiến chính mình và người thương yêu của mình phải đau đớn. Bạn có thể kiểm soát "cung bậc tình yêu" của mình bằng cách: khi bắt đầu cảm thấy sự xuất hiện của cơn ghen, hãy hít thở thật sâu và tự nhắc nhở mình rằng người yêu bạn vẫn rất yêu bạn, luôn tận tâm và tôn trọng bạn.

Tôn trọng và tự tin vào chính mình sẽ giúp bạn tránh được những suy nghĩ và hành động gây tổn thương cho mình và người khác.

Nếu sự ghen tuông của bạn bắt nguồn từ những tổn thương về tinh thần trong thời thơ ấu, hãy đi gặp bác sĩ tâm lí để được trợ giúp.

Đừng ngần ngại tiếp xúc với "đối thủ" của mình nếu như hình ảnh của anh (chị) ấy luôn ám ảnh mình. Hành động này sẽ giúp chúng ta tránh được tình trạng bị ảo giác hành hạ.

Trong cuộc sống lứa đôi cần đặt ra một số quy tắc ngay từ đầu, những quy tắc chung mà cả hai đều có thể chấp nhận. Bằng cách này các bạn sẽ biết tự điều chỉnh khi có những cử chỉ hay cách cư xử không thích hợp.

Tham khảo ý kiến của người thứ ba sẽ giúp bạn đánh giá, nhìn nhận khách quan và hiểu được những hành động của mình. Lúc này, bạn bè và người thân là nguồn tham khảo ý kiến quý báu.

(Theo BS. Hồ Anh Kiên/ SKĐS)