- Không chỉ nghi ngờ người bạn đời lâu năm phản bội, cặp bồ, ông T. (60 tuổi) còn cho rằng, vợ ông đang lắp bí mật lắp camera mini, cài lén máy ghi âm để “theo dõi ngược” chồng.

LTS: Đời sống càng hiện đại, khoảng cách giữa con người với nhau càng lớn. Đặc biệt người già ở các đô thị lớn, sau khi nghỉ hưu họ trở nên cô đơn, thiếu các hoạt động bổ ích và không ít người trong số đó đã bị trầm cảm, tâm thần.

U60 nghi vợ lắp camera theo dõi chuyện ngoại tình

Thạc sĩ – Bác sĩ Đinh Hữu Uân, Giám đốc phòng khám Chuyên Tâm thần (Thường tín, HN) cho biết, hiện có rất nhiều người già bị trầm cảm, gia đình phải đưa đến phòng khám của ông để chữa trị.

Một trong những trường hợp đó là ông T. (60 tuổi, Cầu Chiếc, Thường Tín) là một người từng đi bộ đội nay về hưu bị tâm thần. Ông T. thường xuyên có biểu hiện ảo tưởng. Ông cho rằng vợ mình đã già rồi mà còn đi cặp bồ. 

{keywords}
Khoảng 20% người già được ghi nhận là có ít nhất một triệu chứng của trầm cảm (Ảnh minh họa)

Thậm chí, bà vợ này “có tật giật mình” còn thuê người “theo dõi ngược” ông. Bà vợ đã lắp camera, cài máy ghi âm để tìm bằng chứng ông ngoại tình. Những suy luận áp đặt, hoang tưởng của ông làm cho người thân nhất là bà vợ vô cùng mệt mỏi.

Ông còn cho rằng mình bị mắc chứng ngủ nhiều và ông tự chế một loại thuốc đặc biệt có thể chữa được bệnh ngủ nhiều cho mình.

Khi được người thân nhờ cậy, BS Uân đã phải vào tận nhà ông để điều trị vì không thể thuyết phục ông đi chữa bệnh.

Để đưa ông đến phòng khám ông Uân đã nghĩ ra một kịch bản. Anh nói với ông T. “Bố cháu và bác là bạn chiến đấu cùng nhau thời đi bộ đội. Nay bố cháu bị mắc chứng ngủ nhiều, cháu biết bác tự chế được loại thuốc chữa được bệnh này nên nhờ bác chữa cho bố cháu”.

Ông T. nghe thế liền đồng ý đi giúp đỡ “đồng đội cũ”. Lúc vào đến phòng khám, bác sĩ Uân liền cho bảo vệ đóng cửa phòng lại. Lúc này, ông T. mới biết mình bị lừa, ông kiên quyết phải đối bằng cách “tuyệt thực”. BS Uân lại phải ra yêu cầu: “Một là ông phải tự ăn hai là cháu sẽ dung một xilanh to bơm thẳng thức ăn vào dạ dày của ông luôn. Ông có thể chọn một trong hai cách”. Bất lực, ông T. đành phải thỏa hiệp: “Thế thì cho tôi cốc sữa nóng”.

Sau một thời gian điều trị, ông T. cũng khỏi bệnh và về nhà hòa nhập với gia đình.

Hoang tưởng, cụ già nghi con cháu đầu độc mẹ

Bà Vũ Thị T., (64 tuổi, Nam Định) được con cái đưa vào TP.HCM sống từ nhiều năm trước. Từ khi vào với con cái nhưng xa quê cô đơn khiến vợ chồng bà thì rơi vào ngày tháng khủng hoảng tinh thần.

Ở đây, hàng xóm không thân thiết không giao lưu, các con bận bịu công việc, học hành khiến bà T. từ một người phụ nữ hay nói trở nên trầm tính. Bà suốt ngày xem ti vi. Xem chán bà lôi điện thoại ra gọi cho người thân ở quê để buôn chuyện. Người thân cũng dần chán nghe điện thoại, bức xúc bà lại khủng bố họ bằng tin nhắn.

{keywords}
Cô đơn, thiếu hoạt động xã hội bổ ích là một trong những nguyên nhân gây trầm cảm ở người cao tuổi (Ảnh minh họa)

Rảnh rỗi, bà nghĩ ra đủ cảnh tượng người chồng già gần 70 tuổi cặp bồ với hàng xóm. Bất cứ người phụ nữ nào quanh nhà bà cũng nghĩ rằng người đó là nhân tình của chồng. Bà căm ghét họ và không trò chuyện với ai.

Có người lạ đi qua nhà, bà suy luận rằng, con cái thuê người đến theo dõi, hạ độc bà. Bởi thế, bà tìm cách đề phòng tất cả mọi người xung quanh mình. Bà tự đi mua xô lớn về chứa nước rồi mua nước riêng về dùng. Ăn uống bà cũng hết sức dè dặt, canh chừng. Lo lắng vì những biểu hiện bất thường của mẹ, các con bà thuê bác sĩ tâm lý đến nhà nói chuyện với bà T. nhưng không kết quả.

Cuối cùng, các con của bà T. phải nói dối, mời bà đi thăm người thân ngoài Hà Nội. Tưởng thật, bà vui vẻ ra đi. Lúc này, con cái đưa thẳng bà từ sân bay Nội Bài vào Bệnh viện Tâm thần trung ương I.

Tại đây, nhiều lần bà T. đòi bỏ trốn với lý do “Tôi không có bệnh gì để mà chữa cả”. Các bác sĩ chẩn đoán, bà T. đã mắc triệu chứng bệnh trầm cảm lâu ngày nên sinh chứng hoang tưởng.

Đó là một trong số ít những ca bệnh trầm cảm, hoang tưởng ở người già. Bác sĩ Đinh Hữu Uân cho biết, khoảng 20% người già được ghi nhận là có ít nhất một triệu chứng của trầm cảm. Tuy vậy chỉ có 2 – 3% là có đủ các triệu chứng của trầm cảm điển hình.

Một trong số các nguyên nhân gây bệnh là do người già sống cô đơn thiếu lòng tin luôn cho rằng có người khác không thích mình và lợi dụng mình. Dạng nhân cách này gây ra nhiều sự tranh cãi với gia đình, bạn bè và hàng xóm, và sự cách biệt ngày càng tăng.

Ông Uân cũng nhấn mạnh, trầm cảm ở người già ngày càng tăng, nhất là những trường hợp sống ở đô thị, người già bị cô độc, ít bạn bè.

Ngọc Trang- Hạnh Thúy