- Dù có đến 100 loại văn hoá cổ hủ nào đó xúc phạm con mình, thì dù ta chỉ có 1 mình, ta cũng phải đứng lên phỉ nhổ cái văn hoá ấy!

LTS: Nhiều bé gái ra đời thay vì được chào đón trong sự vui mừng, hạnh phúc thì lại chịu đựng sự bực dọc, thất vọng từ người lớn chỉ vì giới tính của em. Mặc dù vấn đề bình đằng giới đã được đề cập bao lâu nay nhưng "Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô" quan niệm coi trọng con trai hơn con gái từ thời phong kiến dường như vẫn chi phối nhiều gia đình Việt cho đến tận ngày nay. 

Ngày nghỉ đi lang thang ăn cơm cùng một nhóm bạn. Mọi người hỏi thăm bà xã một chàng U40, mới biết vợ chàng sắp sinh đứa con gái thứ hai. Chàng là người thành đạt, vui vẻ, xuất thân từ gia đình trí thức, vợ cũng môn đăng hộ đối, có vẻ khá hạnh phúc. 

Thế nhưng chàng bảo đang lo ngại về việc thuyết phục bố mẹ chấp nhận việc bé thứ hai cũng là con gái. Mình bảo có gì mà khó, sự thực là như thế và nếu ông bà không thích nhận cháu thì ông bà thiệt, chả ai muốn mất cháu nên không cần lo. Chàng thanh minh ông bà cũng quý cháu nhưng văn hoá nó thế nên bản thân chàng cũng thấy sao sao ấy.

{keywords}
Ảnh minh họa

Mình nghĩ đến người phụ nữ đang mang bầu tháng thứ 7, khi toàn thân chỉ còn là một khối đau nhức, chân sưng phù lên, đi lại khó khăn, đi tiểu 15 phút/lần, ăn uống khổ sở, không đêm nào ngủ trọn giấc vì nằm tư thế nào cũng khó chịu và con đạp liên tục. 

Khoa học đã chứng minh, sự đau đớn khi sinh ngang bằng với gãy cùng một lúc 20 cái xương sườn. Đã có nam giới nào từng nếm trải cảm giác ấy chưa? Có dám để người khác bẻ thử 2 cái xương sườn xem cảm giác ra sao không? 

Chị chịu đựng tất cả, kể cả hy sinh sự nghiệp riêng của mình để sinh con cho chồng vui, chị sẽ nghĩ thế nào khi biết đứa bé mình mang nặng đẻ đau ấy không được hoan nghênh chỉ vì nó không có giới tính mà họ mong muốn, điều mà không ai làm gì để thay đổi được? 

Mình nghĩ đến đứa trẻ chưa từng làm đơn để được sinh ra, sắp bị đẩy vào cái trần gian bể khổ này chỉ vì bố mẹ nó muốn có thêm con cho vui cửa vui nhà. Nếu bé biết sự ra đời của mình lại không được những người thân nhất trong đời chào đón, liệu bé có muốn ra đời không? Hai người phụ nữ ấy xứng đáng được chăm sóc, nâng niu và được biết ơn vì sự hy sinh của mình, chứ sao lại bị ghẻ lạnh khi không hề có lỗi?

Vì sao những người bố, đáng ra phải là điểm tựa cho vợ con, thay vì chào đón và che chở cho sinh linh chính mình đẩy vào đời lại buồn khổ vì những suy nghĩ lẩn thẩn của người khác? Vì sao những bậc ông bà sắp đi khỏi cõi đời này không vui mừng nhìn một sinh linh bé bỏng tiếp nối cho sự tồn tại của gia tộc mà lại bận bịu vì những suy nghĩ của những người chết từ lâu rồi như Khổng Tử? Đáng ra chỉ có chút ý nghĩ so đo như vậy cũng đáng xấu hổ rồi chứ còn phàn nàn nữa thì quá tệ.

Chàng bảo, văn hoá nó thế, biết làm thế nào được? Mình bảo, thế thì nhổ vào cái văn hoá đó. Là người có học, chúng ta phải hiểu chỉ có con người là đáng trân trọng nhất trong cuộc đời này. Là bố mẹ, chúng ta phải hết lòng bảo vệ con mình. Dù có đến 100 loại văn hoá cổ hủ nào đó xúc phạm con mình, thì dù ta chỉ có 1 mình, ta cũng phải đứng lên phỉ nhổ cái văn hoá ấy. 

Ta phải hiểu, văn hoá là những gì do con người tạo ra thì con người cũng phải sửa được, chưa kể thực ra văn hoá hoàn toàn khách quan, xấu tốt là do người dùng nó. Văn hoá chỉ là cách sống, cách ứng xử do con người tạo ra để đối phó với môi trường sống, khi môi trường sống thay đổi thì tất yếu văn hoá cũng phải thay đổi. Cái gì phù hợp với cuộc sống là văn hoá, nó sẽ trường tồn. 

Cái gì đi ngược lại cuộc sống là hủ tục, cần loại bỏ nó. Ai cũng có thể sai lầm, kể cả bố mẹ ta. Khi còn nhỏ, bố mẹ đã dạy ta những điều hay lẽ phải đầu tiên; bây giờ khi các cụ già yếu, không theo kịp thời cuộc, trách nhiệm của ta là giải thích lại cho các cụ. Nếu không thay đổi được các cụ thì ta vẫn phải trung thành với lẽ phải và bảo vệ vợ con mới đáng mặt đàn ông chứ? Nếu không thì lấy vợ, sinh con làm gì?

PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh (ĐH Ngoại thương Hà Nội)