- Mọi việc lớn nhỏ trong nhà kể cả nuôi em gái chồng ăn học cũng một tay tôi lo. Thế nhưng tôi vẫn bị mẹ chồng đi nói xấu khắp nơi là keo kiệt. Bố chồng thì coi thường bố mẹ đẻ tôi, lần nào ông bà tới thăm cháu cũng bị bố chồng tôi gây sự đuổi về.

Tôi năm nay 28 tuổi và mới kết hôn được hơn một năm. Chồng tôi là con trai duy nhất trong một gia đình không mấy khá giả, dưới còn một cô em chồng đang học đại học năm thứ 3.

Mẹ chồng tôi không có nghề nên hàng ngày chỉ quanh quẩn với mấy sào ruộng và vài ba con gà. Còn bố chồng tôi là một kẻ nghiện rượu, suốt ngày ông say xỉn chửi bới từ người nhà cho tới hàng xóm. Mẹ chồng tôi làm ra bao nhiêu thóc gạo, gà qué đều bị ông mang đi bán lấy tiền uống rượu. Hết thì ông đi ăn trộm khắp nơi. Thế nên kinh tế gia đình trước nay không có một đồng nào gọi là dư dả. Kể cả tiền cưới xin cho vợ chồng tôi, mẹ chồng cũng phải đi vay lãi ngân hàng.

{keywords}
Ảnh minh họa

Cũng may trước khi về nhà chồng, tôi có nghề nghiệp ổn định. Thương mẹ chồng nên từ khi về làm dâu, mọi gánh nặng kinh tế tôi đều thay bà lo toan. Từ tiền lãi ngân hàng, tiền sinh hoạt gia đình cho tới tiền hàng tháng nuôi cô em chồng học đại học, tôi đều chi trả. Thậm chí tôi còn tốn rất nhiều tiền để mua thuốc giúp bố chồng cai rượu, nhưng rồi cũng không có kết quả gì.

Suốt thời gian mang bầu, chưa lúc nào tôi được yên với bố chồng. Ngày nào vợ chồng tôi cũng bị ông chửi bới, nhục mạ với những lời lẽ hết sức thô tục. Bữa ăn mà nấu không đúng ý ông, ông sẵn sàng đập phá hết mâm cơm.

Bố chồng đã vậy, tưởng may mắn được mẹ chồng tốt tính thì tôi phát hiện ra bản tính hám tiền của bà. Nghỉ trước sinh một tháng nên không có lương, dành dụm được mấy chục triệu để sinh con và lo chi tiêu sau sinh thì bà gạ tôi trả nợ ngân hàng với lời đảm bảo “sau sinh không phải lo tiền nong gì cả”. Vậy mà sau khi tôi sinh con, thái độ của bà khác hẳn.

Mẹ chồng đi khắp nơi nói xấu tôi là không biết ăn ở. Nằm một chỗ được mẹ chồng phục vụ mà không đưa lấy một đồng. Tôi không có nhiều tiền để cho em gái chồng thì bị bà chửi là keo kiệt bủn xỉn. Chồng tôi sang thăm bố mẹ vợ thì bà chỉ sợ anh ấy cho bố mẹ tôi tiền, trong khi ông bà chỉ cho đi chứ không bao giờ nhận.

Vì tiền mà tôi bị mẹ chồng khinh rẻ, bố chồng chửi bới rồi còn coi thường cả bố mẹ đẻ của tôi. Hễ ông bà sang thăm cháu ngoại là lại bị bố mẹ chồng tôi kiếm cớ đuổi về. Tôi thương bố mẹ chỉ biết khóc, khóc nhiều đến nỗi mất sữa.

Đầy tháng xong tôi đưa con sang ngoại chơi, mẹ chồng còn đi theo tận nơi chỉ để đòi mấy đồng tiền điện. Giờ tôi rất sợ phải về lại nhà đó. Tôi sợ sự lạnh lùng vô cảm của mẹ chồng, sợ bị bố chồng chửi và cả lo lắng cho hoàn cảnh lớn lên của con tôi sau này. Nhưng tôi không biết phải làm sao, nếu buộc phải về lại nơi đó, tôi e rằng sớm muộn mình cũng bị trầm cảm mất. Xin hãy cho tôi lời khuyên!

Ngọc Hoa (Bắc Ninh)

Chào bạn! Xin chia sẻ với hoàn cảnh mà bạn đang gặp phải.

Những tình huống rắc rối, mâu thuẫn giữa con dâu với nhà chồng là điều khó tránh khỏi. Thế nhưng với những gì bạn đang gặp phải qua lời bạn kể thì quả thật rất đáng lo ngại.

Chúng tôi hiểu, nếu bây giờ trở về nhà chồng thì bạn sẽ phải chịu thêm rất nhiều áp lực cả về tinh thần lẫn vật chất. Bạn mới sinh con, nếu phải suy nghĩ quá nhiều thì nguy cơ dẫn đến trầm cảm và các hành vi liên quan là khá cao.

Thứ hai, đúng như bạn nói, sau này con bạn sẽ phải lớn lên trong một môi trường hoàn cảnh không mấy lành mạnh. Bà nội thì vô tâm chỉ biết đến tiền, bố chồng thì suốt ngày say xỉn chửi bới rồi trộm cắp…

Có một mấu chốt khá quan trọng để giải quyết vấn đề này mà tôi không thấy bạn nói tới đó là chồng của bạn. Chúng tôi không biết anh ta là người ra sao, có yêu thương và thông cảm chia sẻ với mẹ con bạn hay không? Bởi chính anh ta mới là người có thể giúp bạn vượt qua những chuyện này.

Giả sử chồng bạn là một người yêu thương vợ con, sống có trách nhiệm. Điều đầu tiên bạn cần làm là tâm sự với chồng mình những vấn đề bạn đang gặp phải. Tuy nhiên, để tránh làm tổn thương lòng tự ái của anh ta với gia đình mình, bạn cần nói khéo léo. 

Chỉ giãi bày chứ không tỏ thái độ phê phán lên án bất cứ thành viên nào trong gia đình nhà chồng. Sau khi chồng hiểu thì hai bạn cần cùng nhau tìm giải pháp. Có thể là xin ở thêm bên ngoại một thời gian cho tới khi bạn đi làm trở lại hoặc về nhà chồng và trước mọi tình huống xảy ra, chồng bạn sẽ đứng ra bảo vệ mẹ con bạn.

Trường hợp ngược lại, chồng bạn cũng là kẻ vô tâm và không hiểu cho vợ thì bạn nên kiên quyết bày tỏ suy nghĩ lẫn mong muốn của mình. Sau đó có thể chọn cho mình cách ra ở riêng để tránh xung đột, nếu chồng bạn vẫn không hiểu thì bạn nên chuẩn bị tâm lý cho những tình huống xấu nhất. Bản thân bạn cần nhớ rằng mình làm thế không phải vì ích kỉ, bởi chịu đựng là chính bạn tự làm hại bản thân mình và ảnh hưởng cả đến tương lai của con (nguy cơ bạn bị trầm cảm, con bạn lớn lên trong môi trường không lành mạnh).

Một điều nữa bạn cũng nên lưu ý, không nên quá nhu mì trước những tình huống cần kiên quyết. Cụ thể là khi bố mẹ đẻ bị bố mẹ chồng của bạn coi thường, đuổi về. Hãy nói với mẹ chồng rằng họ là những người đã sinh ra và nuôi mình nên cần có sự tôn trọng nhất định.

Kinh tế trong gia đình bạn cũng đừng nên gánh vác một mình, san sẻ trong khả năng và hãy để mọi thành viên cùng có trách nhiệm để không ai ỉ lại vào bạn.

Chúc bạn hạnh phúc!

Chuyên gia tâm lý