Nhiều người ở Bệnh viện K cho rằng khi bị ung thư ăn trứng vịt lộn, ăn nhiều đường sẽ khiến cho bệnh ung thư phát triển nhanh hơn, tế bào ung thư nhanh di căn hơn.

Chị Nguyễn Thị Tình trú tại Thái Bình bị ung thư buồng trứng đã cắt bỏ cách đây vài tháng. Chị đang được bác sĩ truyền hóa chất. Chị Tình kể từ ngày bị ung thư, chị không bao giờ dám ăn trứng vịt lộn hay các loại thực phẩm giàu chất béo, nhiều đường.

Chỉ tay về túi bánh mì khô khốc, chị Tình kể từ ngày biết mình bị bệnh ung thư, chị bắt đầu ăn kiêng. Liệt kê một vài thực phẩm giàu đạm như trứng vịt lộn, thịt chó, các đồ ăn nhanh chị Tình bỏ hẳn.

Cùng suy nghĩ với chị Tình, ông Vũ Văn Lượng trú tại Nam Trực, Nam Định đang điều trị ung thư đại tràng tại bệnh viện K cũng cho biết ông suýt chết vì ăn trứng vịt lột.

Ông Lượng kể cách đây hơn 4 năm ông bị đau bụng, sốt đi khám bác sĩ cho biết viêm đại tràng. Ông Lượng về nhà không kiêng khem gì cả, uống thuốc và ăn đều. Vì người ốm nên vợ ông tẩm bổ ngày nào cũng 2 quả trứng vịt lộn ăn bữa sáng.

Sau hơn một tháng, tình trang đau bụng không đỡ. Ông lại đi kiểm tra lần nữa.

Bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư đại tràng giai đoạn 1 phải cắt bỏ. Dù không đổ lỗi trứng vịt lộn gây ung thư nhưng ông Lượng cho biết vì ăn trứng vịt lộn nên ung thư phát triển nhanh hơn.

{keywords}

Nhiều người bệnh ung thư không dám ăn trứng vịt lộn (Ảnh minh họa)

Gần đây, ông bị ho đi kiểm tra bác sĩ phát hiện di căn đã chạy sang các bộ phận khác. Ông Lượng vô cùng lấy làm tiếc vì đã không ăn kiêng các thực phẩm như đường, sữa. Sau này, ông đi viện nhiều người bảo ăn nhiều đường, chất béo càng nuôi tế bào ung thư.

Anh Bình quê Lạng Sơn đang chăm con bị ung thư máu tại đây cho biết vài hôm trước anh mua trứng vịt lộn cho con ăn cũng bị một người nhà bệnh nhi khác mắng là không được cho con ăn trứng vịt lộn vì có thể khiến bệnh diễn biến nặng hơn.

Ở bệnh viện K trung ương, dù không bác sĩ nào khuyến cáo nhưng các bệnh nhân đều truyền tai nhau tự tránh xa đồ ăn giàu chất đạm, đường đó.

Đó là hiểu lầm chết người

Giáo sư Nguyễn Bá Đức – Nguyên giám đốc Bệnh viện K trung ương cho biết khi bị ung thư người bệnh không phải kiêng bất cứ thực phẩm nào vì lúc bị bệnh cơ thể suy kiệt cần rất nhiều thực phẩm giàu dưỡng chất để bổ sung cho cơ thể khỏe mạnh, chống lại bệnh ung thư.

Nếu ăn kiêng quá, bệnh nhân không chết vì ung thư mà chết vì suy kiệt. Có rất nhiều bệnh nhân khi mắc ung thư thì nghe người này, người kia mách không ăn uống gì là hết sức đáng lo ngại.

Giáo sư Đức cho biết khi là bệnh nhân, ai cũng cần sức khỏe rất nhiều để chống chọi với thời gian điều trị ung thư.

Còn TS Nguyễn Diệu Linh – Phó khoa Khám bệnh, Bệnh viện K trung ương cho biết việc kiêng ăn đường là người bệnh đã hiểu sai.

Mặc dù trước đó có một số xét nghiệm tiến bộ sử dụng các đầu vị phóng xạ gắn với phân tử đường và dùng một máy quét ở đầu dò bên ngoài cơ thể phát hiện sớm ung thư di căn bởi tính chất háo đường của các tế bào ung thư.

Nhưng nhiều thử nghiệm lâm sàng được thử nghiệm tại Mỹ đã chỉ ra, việc sử dụng đường tinh luyện cũng như các thực phẩm chứa đường (bánh ngọt, sữa, đường tinh luyện) không làm cho tế bào ung thư phát triển nhanh chóng hơn.

Những bệnh nhân đái tháo đường týp 2 có mối liên quan chặt chẽ tới việc gia tăng một số bệnh ung thư như: ung thư vú ở phụ nữ bởi sự thừa đường trong cơ thể và quá trình chuyển biến được khi insulin không chuyển hóa được sẽ chuyển thành chất nội tiết gia tăng.

Đó cũng chính là lý do vì sao những người thừa cân, béo phì có tỷ lệ mắc ung thư vú cao hơn so với những người có chế độ ăn nhiều chất xơ và cân nặng bình thường.

Còn về trứng vịt lộn, TS Linh cho biết đến thời điểm này chưa có một tài liệu khoa học nào chứng minh rằng, việc ăn trứng vịt lộn hay các thực phẩm có nguồn gốc tế bào mầm làm tăng nguy cơ gây ung thư.

Trong trứng vịt lộn có nhiều hàm lượng dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.

(Theo Trí Thức Trẻ)