Trả lời phỏng vấn của phóng viên, cả 2 nữ sinh đều khá thoải mái và cho rằng, chuyện ly hôn của bố mẹ không ảnh hưởng thậm chí còn khiến cuộc sống và mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên tốt đẹp hơn.


Ở với nhau mà căng thẳng thì mệt lắm!

Là con gái của nghệ sĩ Thanh Lam - Quốc Trung, và cũng có hoàn cảnh bố mẹ không còn chung sống với nhau dưới 1 mái nhà. Tuy nhiên, không ủy mị, buồn bã và khóc lóc như nhiều bạn trẻ khác, Nguyễn Thiện Thanh cho rằng khi bố mẹ đã không thể sống cùng nhau được nữa thì nên ly hôn.

Nguyễn Thiện Thanh cho biết: “Khi bố mẹ ly hôn, em mới 2 tuổi nên chưa biết, cũng chưa hiểu gì về việc này. Lớn lên, khi đã nhận biết được chuyện bố mẹ không còn ở cùng nhau, em có hỏi bố về lý do 2 người chia tay, nhưng bố em bảo, đến khi nào em 20 tuổi, bố sẽ nói.

Bây giờ em 19 tuổi rồi, nhưng em cũng không quan tâm nhiều đến chuyện đó nữa. Bởi bố mẹ ly hôn nhưng vẫn quan tâm, chăm sóc bọn em đầy đủ, không để bọn em thiếu thốn về tình cảm nên em không hề thấy buồn.

Hơn nữa, em nghĩ, bố mẹ đã hết duyên hết nợ thì cũng nên thôi, chứ ở cùng nhau mà không khí không vui vẻ, căng thẳng thì sẽ còn buồn hơn nhiều”.

 

{keywords}
Nguyễn Thiện Thanh - cô con gái đáng yêu của Nghệ sĩ Quốc Trung - Thanh Lam

Chính vì thế, đối với các bạn đang rơi vào trạng thái đau buồn, tự ti vì có bố mẹ ly hôn, Nguyễn Thiện Thanh cho rằng, các bạn nên thay đổi suy nghĩ để sống vui vẻ hơn.

“Em là người đã khuyến khích bố mẹ ly hôn”

Cùng chung quan điểm, đã không còn tình cảm với nhau thì nên ly hôn, Trần Hải Lý – học sinh lớp 11 (Tân Mai – Hoàng Mai – Hà Nội) không ngại ngần khi nhận rằng, chính mình là người đã khuyên bố mẹ ly hôn.

Lý kể, “Bố mẹ em không hợp nhau nên đánh nhau, cãi vã nhau rất nhiều. Đến năm em học lớp 8 thì bố em yêu một người phụ nữ khác. Mẹ em ghen tuông nên suốt ngày phải cực khổ để đi rình mò mối quan hệ của bố em với người phụ nữ kia.

Sau đó, mẹ em còn tổ chức đánh ghen, rồi lại bị bố em đánh lại đến xây xẩm mặt mày. Em thương mẹ mà không làm được gì vì còn nhỏ quá. Hơn nữa em cứ nghĩ, chỉ 1 thời gian ngắn nữa, bố sẽ chán người phụ nữ kia và trở về với gia đình.

Tuy nhiên, càng ngày bố em càng phũ phu nên em đã bảo mẹ rằng, hay là mẹ ly hôn đi. Nhưng mẹ em không chịu. Mẹ em bảo, ly hôn bây giờ thì các con khổ lắm, có cha có mẹ vẫn hơn.

Vậy nhưng, 1 thời gian sau, có lẽ vì không thể tiếp tục chung sống với bố em được nữa nên mẹ gọi em ra rồi hỏi em có giận không nếu như mẹ và bố chia tay.

Em bảo, em muốn có một gia đình hạnh phúc, có đầy đủ cả bố cả mẹ. Tuy nhiên, nếu bố mẹ không còn chung sống được với nhau thì giải thoát cho nhau cũng là việc nên làm.

Thật không ngờ, mấy ngày hôm sau, bố em cũng đến trường đón em, đưa em đi ăn rồi xin lỗi em vì sẽ không thể cùng mẹ sống chung dưới một mái nhà để chăm sóc bọn em. Nhưng bố em hứa sẽ không để chúng em phải thiệt thòi.

Em gật đầu và bố mẹ em ly hôn. Sau đó, bố chuyển đi nơi khác còn lại 3 mẹ con.

Tuy nhiên, cũng từ đó, bố em không còn nặng nề với mẹ em nữa. Cuối tuần, bố vẫn về đón chúng em đi chơi. Bố mẹ em lại chào hỏi nhau như những người bạn.

Vì thế, em nghĩ, khi không thể có được hạnh phúc tròn đầy thì tốt nhất hãy chọn cái cách đỡ tổn thương hơn. Bởi, chúng em cũng sẽ không thể vui vẻ gì nếu sống cùng một mái nhà mà bố mẹ cứ cãi vã, đánh nhau, và coi nhau như kẻ thù”.

Hãy lựa chọn cách nói khôn ngoan để tránh tổn thương cho con

Đồng ý với cách giải quyết của 2 cặp bố mẹ trong bài viết trên, chuyên gia tâm lý Hoàng Công Hoan, tổng đài 1088 cho rằng, khi đi đến quyết định ly hôn, bố mẹ cần phải có cách xử lý khôn ngoan để tránh gây tổn thương cho con, đồng thời tránh cho con có cái nhìn thù oán với bố hoặc mẹ.

Theo đó, chuyên gia tâm lý cho biết, tuỳ từng trường hợp, tùy từng độ tuổi của con cái mà có cách nói khác nhau.

Trường hợp con còn nhỏ, chưa nhận thức được cuộc sống thì có thể trì hoẵn việc thông báo cho con bằng cách nói bố hoặc mẹ bận, phải đi làm xa, lâu lâu mới về thăm con để con không có cảm giác hụt hẫng thiếu vắng cha mẹ.

Trường hợp con lớn hơn, nhưng vẫn chưa đủ nhận thức để hiểu biết sự việc (độ tuổi từ 10 – 15 tuổi) thì tốt nhất là bố mẹ nên thống nhất với nhau về cách nói với con cái. Ví dụ như trường hợp bố hoặc mẹ ngoại tình, và chỉ có 2 người biết thì có thể nói rằng, bố mẹ không còn yêu nhau nữa, nên khó thể sống cùng nhau…Chứ không nên đổ lỗi cho ai vì như vậy sẽ chỉ làm trẻ có suy nghĩ tiêu cực, thù ghét bố hoặc mẹ.

“Trường hợp con lớn hơn, có thể hiểu hết tường tận mọi việc, thì không cần phải nói nhiều con cái cũng đã hiểu. Tuy nhiên cũng không nên hướng cho con có ý nghĩ thù ghét bố mẹ” – chuyên gia tâm lý nói.

Minh Anh

(Ghi)