Tôi hay đi thong thả theo những con ngõ ấy. Thỉnh thoảng có ánh sáng phía cuối đường. Ánh sáng của bếp núc nấu ăn.

Một tác giả của trang blog Stickyrice, chuyên về trải nghiệm ẩm thực Hà Nội theo kiểu Tây balô, đã giải tỏa nỗi tò mò với những con ngõ sâu, hẹp và tối của thành phố này bằng cuộc phiêu lưu về khẩu vị dưới đây:

Đêm đến thì cứ ngõ tối là phải tránh. Trong đó toàn ngáo ộp lẩn trốn thôi. Nền văn hóa phương Tây đã làm cho chúng ta định kiến với việc đâm đầu vào những lối đi ấy. Những sách vở chúng ta đọc, phim chúng ta xem, chuyện chúng ta nghe kể, những dọa dẫm của người lớn từ lâu đã âm thầm tạo ra một nỗi sợ đối với những không gian chật hẹp kéo dài không có ánh sáng. Cứ liều mà vào đi, sẽ chẳng có kết cục gì tốt đẹp đâu.

{keywords}
Bốn bát được đưa ra bàn

Nhưng nếu là ở Hà Nội, thì đừng sợ. Những ngõ tối như thế nhiều vô kể, là lối tắt nối những con phố lớn với nhau, hoặc là những ngõ cụt đằng sau nhà dân. Nhất là ở Phố Cổ, đúng là một mê cung những ngõ nhỏ lúc nào cũng khuất bings, ngày hay đêm cũng đều tối tăm. Tôi đồ rằng ở đây chẳng ai lại bảo nhau "đừng đi vào ngõ tối buổi đêm". Có kha khá người dân sống trong những cái ngõ đó đấy!

Tôi hay đi thong thả theo những con ngõ ấy. Thỉnh thoảng có ánh sáng phía cuối đường. Ánh sáng của bếp núc nấu ăn.

Từ hồ Hoàn Kiếm đi mãi về hướng Nam, một con ngõ như thế dẫn đến một cái sân với những hộ dân san sát, trong số đó có một hàng bún. Bên ngoài, trên mảnh sân nhỏ với những bức tường lỏ lói bụi bặm là một "cơ sở" nấu nướng lau rửa cổ lỗ sĩ; mấy cái bếp than, hũ lọ bằng gốm, dao thớt muôi thìa treo lủng lẳng trên giá làm từ mắc áo cũ. Xung quanh là đủ thứ nhựa đủ màu sắc. 

Khăn rách cáu bẩn treo cùng mũ bảo hiểm, nón và áo mưa nilông. Khắp nơi là nồi niêu xoong chảo. Cái mớ hỗn độn đấy thực ra lại rất điển hình cho cuộc sống hàng ngày của phụ nữ Việt Nam: ngày một hai bận đi chợ (bất kể mưa nắng), nấu cơm rửa bát, nấu cơm rửa bát, nấu cơm rửa bát...

{keywords}
Ở Hà Nội phải có đến hàng nghìn phụ nữ cố gắng kiếm thêm thu nhập cho gia đình bằng tài nấu nướng, mời khách qua đường vào ăn trong chính nhà mình.

Ở Hà Nội chắc phải có đến hàng nghìn phụ nữ như vậy, cố gắng kiếm thêm thu nhập cho gia đình bằng tài nấu nướng, mời khách qua đường vào ăn trong chính nhà mình. Chủ hàng bún của chúng tôi dẫn khách đi lên những bậc thang cheo leo để vào phòng khách tầng hai nhà bà, vừa đi vừa nhắc cẩn thận. 

Chúng tôi đi qua cái tủ kính bày hàng của bà, nguyên liệu đều đã chế biến, sẵn sàng dọn ra bát. Và khác hẳn với với cái ngõ tối chúng tôi phải đi qua để tìm được hàng này, chỗ ngồi ăn lại sáng đến mức tôi suýt chói mắt.

Bốn bát được đưa ra bàn: bánh đa trộn là một món khô với mỳ nâu Hải Phòng ăn với riêu cua, đậu phụ, giò, thịt bò, một ít giá, rau muống hoặc rau cần; miến trộn gần như giống hệt chỉ khác là sợi miến làm từ bột sắn hoặc đậu xanh nên ăn có vị hơi khác - đều có rau mùi và hành phi tô điểm; bún ốc là món nước có ốc, chuối xanh, đậu phụ và nước dùng chua vị cà chua; và, bánh đúc, một món nước khác thường với bột gạo nấu nhão, thịt băm, mộc nhĩ, đậu phụ rán và rau mùi. Nếu thích ăn cay thì cho thêm dấm tỏi và tương ớt hoặc ớt bột để sẵn trên bàn. Món cuối cùng kia chắc tôi phải nghiên cứu thêm.

Nhưng thế nào tôi cũng quay lại cái ngõ tối đó.

* Tác giả đang nói đến hàng Bánh Đúc, ngõ 8 Lê Ngọc Hân, Hai Bà Trưng

Đại An (theo Stickyrice)