- Nhiều người Việt Nam lần đầu tiên đi nước ngoài, nên chưa biết phải cư xử ra sao khi đến một môi trường khác lạ, văn minh hơn cái “ao làng” nhà mình nên họ hành xử như đang ở nhà. Vậy thay vì cứ chê bai họ “sống bẩn” chúng ta nên giúp họ có ý thức hơn khi ra nước ngoài.
Thưa tác giả bài viết “Dọn phòng Singapore ngán ngẩm thói "ở bẩn" của khách Việt” tôi xin có mấy ý kiến sau:
Tôi là người đam mê khám phá lại hoạt động trong lĩnh vực du lịch, cá nhân tôi cho rằng đúng là có một thiểu số người Việt khi ra nước ngoài, đặc biệt là đi trong các đoàn tour trọn gói, có những hành động kém văn minh.
Để công bằng, nói đi cũng phải nói lại, theo tôi được biết những hiện tượng đó ngày nay đã ít dần, so với cách đây 10-15 năm thì đã tiến bộ hơn rất nhiều.
Phải thú nhận rằng, khi lên mạng xã hội, người Việt Nam thường chỉ chăm chú tìm các thông tin về đất nước và con người Việt Nam mà ít khi để ý đến thông tin về khách du lịch từ các nước khác.
Hình ảnh xấu xí của người Việt ở tiệc buffet. Ảnh minh họa. |
Tôi đi nước ngoài rất nhiều, trong đó có Singapore. Khi tôi làm việc với các khách sạn và công ty du lịch của Singapore, phần đông họ cho rằng: Họ vô cùng ngán ngẩm nhất là khách du lịch Trung quốc vì khách Trung Quốc thường ở bẩn, ồn ào, bất lịch sự…, sau đó đến Ấn Độ bởi họ ở bẩn, keo kiệt. Khách du lịch Việt Nam được xếp cùng với khách từ Indonesia và Philipines, Malaysia.
Tôi hiểu có nhiều người Việt Nam lần đầu tiên đi nước ngoài, nên chưa biết phải cư xử ra sao khi đến một môi trường khác lạ, văn minh hơn cái “ao làng” nhà mình. Vì vậy, họ hành xử như đang ở nhà. Vậy thay vì cứ chê bai, phê phán, khích bác với nhiều lời lẽ nặng nề, chúng ta nên cùng nhau đưa ra các hành động thiết thực để giúp người dân ý thức hơn khi ra nước ngoài.
Ví dụ: Các công ty du lịch hãy in các điều nên và không nên làm cho những trường hợp tiêu biểu: khi đi ngoài đường, đi taxi, ở trong khách sạn, ăn uống. Tổng Cục du lịch hãy phát động phong trào: “Cư xử có văn hóa khi ra nước ngoài, đây chính là biểu hiện của lòng tự tôn dân tộc”. Hãy đưa vào giáo trình “Giáo dục công dân” ở các trường phổ thông thêm phần về văn hóa và hành xử của con người khi đi ra nước ngoài.
Tôi đã đi cùng nhiều bạn bè các nước, sang có, bình thường có. Khi tôi hỏi, mọi người đều nói là không có thói quen tip cho dọn phòng. Khi tôi hỏi tại sao, họ nói là chỉ tip cho bốc xếp, nhân viên phục vụ nhà hàng, không thấy nơi nào nhắc tip cho dọn phòng.
Điều đặc biệt, tôi để ý là nhân viên dọn phòng thay đổi hàng ngày, có muốn tip, chẳng biết là ai sẽ được nhận. Chỉ khi ở các resort hạng sang có dịch vụ butler kiêm dọn phòng, thì chắc chắn chúng ta phải tip.
Về ăn uống khi du khách đi du lịch nước ngoài, chúng ta đừng đánh đồng chỉ ở nước ngoài mới có buffet, hiện này ở các nhà hàng, khách sạn Việt Nam đã có rất nhiều. Tuy nhiên khi ăn buffet, dân ta có thói quen lấy nhiều đồ ăn (có lẽ do suy nghĩ là “trả tiền thì ăn cho đã”).
Nhưng có cái lạ là khi ăn gọi món, tức tự trả tiền, dân ta cũng có thói quen gọi nhiều, có lẽ vì “no bụng đói con mắt”, hay vì cái “sĩ”, gọi mà ăn hết thì sợ bị người xung qunh cho là “keo kiệt”, đặc biệt là khi mời nhau ăn thì có thừa thãi mới được coi là rộng rãi, là sang?.
Về nạn ăn cắp vặt tồn tại ở một số du khách, tôi nghĩ xử phạt hay không? lên án hay không đó là việc của cơ quan nhà nước. Liệu chúng ta có nên bổ sung thêm vào luật để phạt tù thật nặng đối với những hành vi ăn cắp ở nước ngoài? Tôi nghĩ mỗi người dân đều có nhận thức, ý thức được điều đó.
Khi đến các nước tiên tiến, tôi không thấy những hiện tượng được nêu trên diễn ra nhiều. Phải chăng vì những người đã có khả năng đi du lịch các nước đó, thì cũng đã đi các nước Châu Á nhiều, nên học được cách cư xử văn minh hơn.
Điều đó cũng khặng định kết luận trên của tôi rằng chúng ta cần những biện pháp tuyên truyền, giáo dục cụ thể để mỗi người dân biết cách cư xử sao cho văn minh lịch sự khi ra nước ngoài, vì đó là thể diện quốc gia, chứ không phải là thái độ tiêu cực theo kiểu chỉ chê bai, ném đá. Liệu những “anh hùng bàn phím” đang chê bai, khi có dịp ra nước ngoài, có biết cách cư xử tốt hơn không?
Bích Hà
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)