Vừa chân ướt chân ráo về nhà chồng đã bị mẹ chồng "phủ đầu" bằng những hiềm khích, ghen ghét. Thế nhưng giờ đây, khi đã làm dâu chính thức được 7 năm, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu đã thay đổi đến 180 độ. Mẹ chồng đã quý và bênh chị còn hơn con gái ruột của bà.

Những bữa cơm chan đầy nước mắt

Lên xe hoa về nhà chồng khi mới bước sang tuổi 24, chị Phạm Thùy L (sinh năm 1984, quê Lạng Giang - Bắc Giang) vẫn còn nhớ như in những ngày chị mới bước chân về nhà chồng.

Khi ấy, chị chỉ là một nhân viên kế toán, hàng ngày làm những công việc lặt vặt nên lương chỉ được 1,4 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, chồng chị là kỹ sư trưởng của một công trình xây dựng. Lương của anh đủ để chăm lo cho chị và gia đình. Vì thế, đến gần tháng đẻ, anh động viên chị nghỉ luôn việc ở nhà để chăm sóc con.

{keywords}
Ảnh minh họa

Nghe lời chồng, chị về quê với bố mẹ chồng để chờ ngày sinh đẻ. Nhưng về ở với bố mẹ chồng chưa được bao lâu thì mâu thuẫn đã xảy ra. Bà liên tục tâng con mình lên đến tận mây xanh nhưng lại dìm chị xuống đến tận bùn đen.

Lúc nào bà cũng bảo, con trai bà giỏi hết phần, đẹp hết phần của chị. Nhà chị tu 10 kiếp nên chị mới lấy được anh. Rồi, chị làm gì bà cũng không hài lòng, chị nấu ăn, khách khứa khen ngon, khen chị nói năng khéo léo bà cũng lườm nguýt bĩu môi.

Đến khi chị sinh con, những mâu thuẫn càng trở nên nặng nề. Những câu nói như đâm vào tim chị liên tục được bà thốt ra: Nào là, “thằng bé giống mẹ nên mới đen mới xấu, nhà tao chả đứa nào xấu thế; nhìn thấy mày tao đã thấy không ưa rồi, không hiểu sao thằng P (chồng chị) nó lại vớ phải mày. Bố mẹ mày không dạy mày hay sao mà cái gì mày cũng vụng về thế…”

Những khi ấy, chị chỉ biết ôm con mà khóc. Chị khóc nhiều đến mức, 2 con mắt lúc nào cũng sưng húp. Người chị gầy rạc đi. 2 tháng sau sinh, chị mất sữa.

Thấy chị mất sữa, bà càng mắng chửi chị thậm tệ. Thậm chí, bà cắt luôn chế độ ăn của bà đẻ rồi bảo, cháu bà không được bú thì cho chị ăn cũng bằng thừa…

Chị cay đắng lắm nên xin về mẹ đẻ để ở. Đến khi con chị được tròn 6 tháng, chị nhờ mẹ chồng lên Hà Nội chăm cháu để chị đi làm nhưng bà không đi.

Chị đành nghỉ việc ở nhà để chăm con. Từ đó, không bao giờ bà điện thoại hỏi thăm cháu. Chị điện về, bà không nghe. 2 mẹ con gần như không nhìn mặt nhau, không nói chuyện với nhau suốt 1 năm trời.

Công cuộc “điều trị” mẹ chồng

Khi con trai được 18 tháng, chị quyết định cho con đi trẻ rồi xin việc đi làm. Khi đi làm, tâm lý thoải mái hơn, chị lại được tiêu đồng tiền của chính mình nên suy nghĩ cũng thoáng hơn. Từ đó, cứ mỗi tuần chị lại điện thoại về cho bố chồng 1, 2 lần. Thỉnh thoảng chị lại mua quà, khi thì cái áo, lúc lại cái quần … để gửi về cho 2 ông bà. Giỗ chạp của gia đình, chị dâu chị thờ ơ nhưng chị rất xăm xắn. Chị luôn về từ sớm để mua bán sắm sửa. Ở nhà chồng có gì hỏng hóc, cũ nát chị cũng hỏi ý kiến ông bà rồi thay cái mới.

Mẹ chồng chị nói những câu không vui, chị lánh đi nơi khác để khỏi bực tức. Sau đó, nếu chuyện không to tát, chị bỏ ngoài tai. Chuyện lớn hơn, chị tỉ tê với chồng để chồng góp ý. Còn lại, không bao giờ chị cãi mẹ chồng.

Thêm vào đó, trước mặt mẹ chồng, không bao giờ chị nói xấu con trai bà, lúc nào chị cũng thể hiện là người phụ nữ yêu chồng thương con, đảm đang năng động và hoạt bát. Chị luôn lo chu tất chuyện cơm nước và chăm sóc chồng con.

Có lẽ vì thế mà càng ngày mẹ chồng chị càng quý chị ra mặt. Chị sinh con thứ 2. Bà xung phong lên chăm sóc chị. Mẹ con ở cùng nhau nhưng khác hoàn toàn với ngày chị sinh đứa đầu, bà quý và chăm sóc chị còn hơn con gái. Ai nói gì chị, bà cũng bênh chằm chặp.

Thậm chí, bà còn không cho chị làm nhiều, cái gì bà cũng bắt con trai của mình phải làm để đỡ đần cho vợ. Vì thế không khí gia đình chị vui vẻ hơn nhiều.

Từ đó, chị rút ra kết luận, các cụ già, nhất là những người ở quê, lấy lòng họ không khó, và “điều trị” họ cũng không khó. “Chỉ cần mình có nghệ thuật, bình tĩnh, chiều chuộng, quan tâm đến họ 1 chút thôi là các cụ đã thích và đi khoe khắp xóm rồi. Và khi các cụ đã thích thì làm gì mà không được. Còn “đã không ưa thì dưa cũng có dòi” thôi” – chị L cười nói.

Minh Anh