Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho rằng giá dịch vụ khám chữa bệnh có phần bồi hoàn cho chi phí người tham gia BHYT, bởi vậy, giá này càng cao thì người dân tham gia BHYT sẽ càng có lợi.

VietNamNet giới thiệu phần đầu của Bàn tròn với Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế và Bà Nguyễn Thị Bích Hường- Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức về chủ đề: Tăng giá 1800 dịch vụ y tế.

Tính đúng, tính đủ theo lộ trình cải cách

Nhà báo Ánh Tuyết: Xin hỏi Vụ trưởng Nguyễn Nam Liên, thưa ông, tại sao Bộ Y tế lại quyết định tăng giá vào thời điểm này?

Ông Nguyễn Nam Liên: Trước hết, tôi xin nói rằng giá dịch vụ khám chữa bệnh là một loại giá dịch vụ đặc biệt, không đơn thuần như các loại giá dịch vụ khác. Nó còn là cơ sở quan trọng để cơ quan BHXH làm căn cứ thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh tại bệnh viện.

Hiện nay chúng ta đã có 75% dân số tham gia BHYT, do đó phải có giá để thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT của 75% dân số này. Nói cách khác, giá dịch vụ khám chữa bệnh còn là giá bồi hoàn cho chi phí người tham gia BHYT khi không may bị đau ốm. Trên một khía cạnh nào đó, giá này càng cao thì người dân tham gia BHYT sẽ càng có lợi bởi đã được BHYT thanh toán mức cao hơn.

{keywords}

Về mặt chủ trương chung, vấn đề điều chỉnh giá dịch vụ y tế và thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế là thực hiện của chủ trương của Đảng, Quốc Hội và Chính phủ. Quốc Hội đã có nghị quyết rất rõ ràng là từng bước chuyển ngân sách cho các bệnh viện hiện nay sang hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng tính đủ giá dịch vụ Y Tế. Các vị đại biểu cũng đã biết là Đảng ta đang chủ chương cải cách hệ thống các đơn vị sự nghiệp, trong đó có các bệnh viện. Nguồn thu của các bệnh viện đang dùng một là nguồn ngân sách, hai là nguồn do người dân đóng góp thông qua BHYT. Cùng một lúc Nhà nước không thể là cả hai bước là vừa cấp ngân sách các bệnh viện vừa hỗ trợ người dân tham gia BHYT theo lộ trình BHYT toàn dân.

Trong khi đó nếu chúng ta cấp ngân sách cho các bệnh viện thì hoạt động của bệnh viện không được hiệu quả lắm, do đó, chủ chương giảm dần và không cấp ngân sách cho các bệnh viện để dành cho người dân tham gia BHYT, hỗ trợ các đối tượng tham gia BHYT là hết sức cần thiết, giúp cho thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân được nhanh hơn, và cũng giúp cho Bệnh viện nâng cao chất lượng chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.

Bởi vì giá viện phí khi được tính đúng tính đủ thì bệnh viện bắt buộc phải nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ người bệnh, khi dịch vụ tốt thì sẽ có nhiều người đến khám và có kinh phí để hoạt động cũng như có nguồn để tăng lương cho cán bộ, bệnh viện nào hoạt động không tốt sẽ có nguy cơ bị đóng cửa nữa.

Tôi lấy ví dụ như hiện nay Nhà Nước đang cấp ngân sách cho các bệnh viện thì làm nhiều hay làm ít đều được hưởng lương như vậy, khi mà chúng ta đã tính tiền lương vào dịch vụ y tế thì bắt buộc bệnh viện phải nâng cao năng suất và chất lượng dịch vụ lên để thu hút người dân, khi đó người dân là người trả lương cho cán bộ và chắc chắn chất lượng sẽ phải được nâng lên.

Để cụ thể hoá chủ trương này thì Chính phủ đã ban hành rất nhiều văn bản, đặc biệt có Nghị định 68 của Bộ Y Tế đã yêu cầu đến năm 2020 phải tính đúng tính đủ các chi phí và khi đó sẽ không cấp kinh phí cho các bệnh viện nữa, chỉ trừ một số bệnh viện ở các vùng núi, vùng xa vùng khó khăn cần khám chữa bệnh đặc thù thì Nhà Nước mới cấp ngân sách.

Thêm nữa là Nghị Định 16 của Chính Phủ ban hành đã nêu rất rõ, đến năm 2016 thì giá dịch vụ y tế phải tính đủ chi phí trực tiếp và tiền lương, đến năm 2018 tính thêm chi phí quản lý và đến năm 2020 phải tính đủ các chi phí. Đấy là những điều hết sức quan trọng làm cơ sở cho Ngành Y tế, Ngành tài chính ra Thông tư để quy định việc tính đúng tính đủ dịch vụ y tế, trước mắt là tính tiền lương vào giá dịch vụ Y tế.


Xếp hạng bệnh viện để định giá khám chữa bệnh

Nhà báo Ánh Tuyết: Thưa Vụ trưởng, Thông tư quy định cụ thể thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh là như thế nào ạ? Nội dung cụ thể xin Vụ trưởng trình bày.

Ông Nguyễn Nam Liên: Vừa rồi, Bên Bộ Y tế, Bộ Tài Chính cũng đã ký Thông tư số 37/2015 để hướng dẫn thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT thống nhất giữa các bệnh viện trong toàn quốc. Thông tư này quy định khoảng 1.800 dịch vụ Y tế, đây là những dịch vụ y tế cơ bản và sẽ được BHYT thanh toán. Trong số các dịch vụ này, chi phí sẽ có tính đủ chi phí trực tiếp phục vụ cho các dịch vụ kỹ thuật và tiền lương của cán bộ y tế. Trước mắt, đối tượng áp dụng là người đã có BHYT, đối với người chưa có BHYT, tức là 25% dân số mà hiện nay chưa tham gia BHYT thì bên Bộ quyết định trước mắt vẫn áp dụng giá như hiện nay các bệnh viện thu của người dân.

Năm 2016, tuỳ điều kiện kinh tế xã hội, Liên Bộ sẽ báo cáo với Chính phủ quyết định mức cho phù hợp. Trong Thông tư này cũng có một điểm nữa: trước kia Liên Bộ Y Tế Tài Chính chỉ quy định mức tối đa của giá dịch vụ y tế thôi, còn mức cụ thể để làm cơ sở cho cơ quan BHXH thanh toán cho người dân có thẻ BHYT do UBND các cấp trình HĐND các cấp quyết định bổ sung một số điều luật BHYT.

Lần này Liên Bộ y tế tài chính ban hành điều luật cụ thể cho các địa phương áp dụng, trong mức giá này tính theo hạng bệnh viện, chỉ có 2 loại giá là có sự khác biệt trong các hạng bệnh viện, đó là giá khám bệnh và giá ngày giường bệnh, khác biệt giữa các chuyên khoa trong bệnh viện.

VD như là giá giường bệnh hồi sức cấp cứu thì cao hơn giá giường bệnh điều trị ngoại khoa, nội khoa. Còn các dịch vụ kỹ thuật khác như: dịch vụ chiếu chụp chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, các phẫu thuật, thủ thuật ... thì giá các bệnh viện các hạng đều bằng nhau hết. Trên cơ sở đó khuyến khích các bệnh viện tuyến dưới phát triển kỹ thuật.

Nhà báo Ánh Tuyết: Ở đây chúng ta có một đại diện đến từ bệnh viện, đó là bệnh việc Việt Đức. Thưa bà Nguyễn Thị Bích Hường, BV Việt Đức là một trong năm BV được xếp hạng đặc biệt. Có phải là sẽ áp giá đặc biệt không ạ? Những dịch vụ gì sẽ tăng giá mạnh nhất? Xin bà cho biết phí một ca mổ cùng loại ở bệnh viện của bà so với viện tuyến dưới và việc chi trả BHYT ở BV của bà như thế nào ạ?

Bà Nguyễn Thị Bích Hường: Thưa chị, như anh Liên vừa nói, BV Việt Đức là BV hạng đặc biệt, nhưng trong khung giá chỉ có 2 dịch vụ có giá khác biệt so với các tuyến và các Bệnh viện hạng khác đó là giá ngày giường bệnh và giá khám bệnh. Thực ra tỷ trọng thu của hai dịch vụ này trong tổng thu của bệnh viện chúng tôi rất là nhỏ. VD như giá ngày giường chỉ chiếm tỉ trọng chưa đến 5%, giá khám bệnh đang chỉ chiếm tỉ trọng khoảng 0,2% nên việc tác động đến nguồn thu của bệnh viện cũng không nhiều.

{keywords}

Đúng như chị vừa nói, trong các nhóm dịch vụ của BV thì nhóm điều chỉnh giá nhiều nhất là nhóm phẫu thuật và thủ thuật. Ví dụ 1 ca phẫu thuật loại đặc biệt,vì Việt Đức là bệnh viện tự chủ toàn phần nên nếu đưa vào cơ cấu giá cả chi phí tiền lương và chi phí phụ cấp thì 1 ca phẫu thuật loại đặc biệt sẽ tăng giá là 2.800.000 đồng.

Nếu áp dụng cho người bệnh bảo hiểm y tế, với những người có đồng chi trả cao nhất là 20% thì sẽ phải trả thêm 560.000 đồng. Còn những người thuộc đối tượng chính sách không phải đồng chi trả thì không ảnh hưởng gì. Còn các đối tượng ở nhóm đồng chi trả 5% ảnh hưởng của tăng giá này cũng không đáng kể.

VietNamNet

Đón xem phần 2: Tăng giá dịch vụ y tế: Lỗ - lãi của người bệnh