- Sau một năm đi làm ăn nơi tứ phương, họp họ là dịp con cháu bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, là cơ hội để anh em sum vầy, gặp mặt hàn huyên tăng tình gắn kết trong gia đình, họ tộc.

10 năm phục dựng họp họ

Ông Hoàng Kim Chất (80 tuổi) là người đứng đầu chủ trì các cuộc họp họ của dòng họ Hoàng ở xã Sơn Nga, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Ông Chất cho biết, dòng họ Hoàng, hàng năm lấy ngày mất của cụ Tổ (9 đời) là ngày 23/11 âm lịch làm ngày giỗ họ.

Vào ngày truyền thống này, các con cháu trong họ tập hợp nhau lại ra mộ Tổ dâng hương sau đó về nhà thờ Tổ dâng lễ để bày tỏ lòng nhớ ơn, kính trọng tổ tiên đã sinh thành, nuôi dưỡng, gây dựng cơ nghiệp cho dòng họ.

{keywords}
"Con em trong một gia đình dòng họ được giáo dục tốt về lòng biết ơn tổ tiên, quan tâm yêu thương lẫn nhau thì xã hội cũng bớt gánh nặng”.

Họp họ cũng là dịp để động viên người tốt việc tốt trong dòng họ. Theo ông Chất, ngày này, dòng họ ông tiến hành tặng quà cho các cụ già cao tuổi để động viên các cụ giữ sức khỏe và các cháu nhỏ tuổi có thành tích học tập tốt.

Đồng thời, cũng nhân buổi họp họ, các thành viên có những hành vi, việc làm chưa đúng cũng bị nhắc nhở, khiển trách nhẹ nhàng. Trong suốt buổi họp họ, những thước phim ghi lại các truyền thống tốt đẹp, những lần giỗ họ trước cũng được mở, phát cho con cháu xem để tưởng nhớ nguồn cội

Ông Chất chia sẻ thêm, chuyện họp họ trong dòng họ của ông có truyền thống từ nhiều đời trước nhưng đến năm 1975 do nhiều biến động nên hoạt động này tạm dừng. Vào năm 2005, do con cháu có lời đề xuất nên việc họp họ được phục dựng lại.

Hàng năm, khắp mọi miền Tổ quốc như Thanh Hóa, Hà Nội, Yên Bái... con cháu cũng thu xếp công việc để tham dự. Người cao tuổi nhất là 91 tuổi đến các cháu bé cũng được bố mẹ đưa về để nhận họ hàng.

Sắp đến ngày giỗ họ hàng năm, các đầu chi sẽ thành lập một ban liên lạc họp bàn lại, lên nội dung. Ngoài ra, ban tổ chức của dòng họ cũng phải chuẩn bị chỗ ngồi đầy đủ, trang trí, lên danh sách khách mời, tổ chức liên hoan... Chương trình được triển khai nhanh gọn để nhường thời gian cho con em hàn huyên. Sau một năm vất vả lao động đây là dịp để họ gặp mặt, thăm hỏi nhau.

Họp họ bù đắp lại những thiếu hụt trong giáo dục

Theo ông Chất,  năm nay con cháu họ Hoàng đề nghị lễ họp họ sang năm nên mở rộng thêm vì nhiều người không được tham dự. Do trước đó, dòng họ ông  hạn chế mỗi gia đình chỉ 2 vợ chồng và 1 con được tham gia họp họ. Bởi vậy, nhiều con cháu đã gọi điện thắc mắc: “Ngày giỗ lớn của dòng họ sao con/cháu không được tham gia?”

{keywords}
Theo ông Hoàng Kim Chất, việc tổ chức họp họ là để vun đắp, nuôi dưỡng truyền thống nhớ ơn tổ tiên, yêu thương, gắn kết, tương trợ dòng họ. Đây là một việc làm quan trọng trong bối cảnh xã hội ngày nay đang chứng kiến những hiện tượng xuống cấp về đạo đức, sự rạn nứt, vô cảm thậm chí tan vỡ của các mối quan hệ họ hàng.
 

Ông Hoàng Kim Chất nói, ngày họp họ không chỉ là dịp để mọi người bày tỏ lòng thương nhớ, biết ơn tổ tiên mà con cháu cũng có cơ hội nhận biết anh chị em, cô bác, ông bà để từ đó có tôn ti trật tự, giữa con người với con người có sự tôn trọng, thương yêu, gắn kết lẫn nhau. Cách đây 10 năm, lần đầu tiên dòng họ ông tổ chức họp họ, anh em đến gặp nhau chào nhau lộn xộn, không biết vai vế nhưng giờ đây mọi chuyện đã khác.

“Theo tôi, ngày họp họ cũng bù đắp lại những thiếu hụt trong giáo dục. Ngày xưa, các giá trị đạo lý được giáo dục từ nhà, làng xã rồi đến xã hội nhưng gần đây đã bị coi nhẹ. Nhiều bạn trẻ học điều hay thì ít mà bắt chước thói xấu thì nhiều. Nếu trong mỗi gia đình, dòng họ không chú ý đến việc giáo dục mạnh, hướng dẫn, nhắc nhở sẽ không gỡ lại được sự suy đồi đạo đức trong lớp trẻ.

"Con em trong một gia đình dòng họ được giáo dục tốt về lòng biết ơn tổ tiên, quan tâm yêu thương nhau thì xã hội cũng bớt gánh nặng”.

Cũng theo ông Chất, qua nhiều năm họp họ con cháu anh em trong họ ngày càng gần gũi, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống, tôn ti trật tự cũng được củng cố. Người lớn có nhiều thuận lợi trong làm ăn, lớp trẻ của dòng họ cũng hạn chế được những thói hư tật xấu. 

Có những em bé tuổi rất nhỏ nhưng cũng được theo cha mẹ vượt đường xa về quê hương để cúi chào tổ tiên, nghe các cụ giảng dạy đạo lý, để nhớ về nguồn cội.

Ngọc Trang