“Lần về thăm nhà dịp Tết, tôi đem theo gần 10 nghìn đô mà coi như sạch túi luôn, bao nhiêu cũng không đủ vì gặp ai cũng phải lì xì hết”, một việt kiều ở Mỹ chia sẻ.


Cả năm xa xứ, chỉ chờ dịp Tết về đoàn tụ gia đình nên những người con xa quê đang sinh sống, làm việc và học tập ở nước ngoài đều rất háo hức. Nhưng, bên cạnh niềm vui đoàn tụ gia đình là những nỗi niềm ưu tư, lo lắng về chi phí ăn Tết, đặc biệt là khoản lì xì cho con cháu, họ hàng.

Ông Huỳnh Ngọc, một người Việt đang sống ở Mỹ chia sẻ rằng, ăn Tết ở Mỹ không vui bằng Việt Nam vì thiếu cha mẹ, anh em nên ông về Sài Gòn ăn Tết để “được sống trong tình cảm ấm áp của gia đình”. Vui vì được đoàn tụ nhưng trải qua một cái Tết ở Việt Nam khiến ông Ngọc hãi hùng vì quá tốn kém.

{keywords}
Ảnh minh họa

“Lần về thăm nhà dịp Tết, tôi đem theo gần 10 ngàn đô mà coi như sạch túi luôn, thấy không thấm vô đâu hết. Bao nhiêu cũng không đủ. Tốn tiền rất nhiều, vì gặp ai cũng phải lì xì hết”, ông Ngọc vừa kể vừa cười một cách đau khổ vì quan niệm “ai cũng nghĩ mình là Việt Kiều nên mình phải cư xử cho ... giống Việt Kiều.”

“Lần tới có về thì tôi không chọn đi dịp Tết nữa, trừ khi tôi trúng số”, ông Ngọc nói.

Nhớ gia đình nên anh Phạm Duy, hiện đang sống và làm việc ở Đài Loan cũng rất muốn về quê ăn Tết. Nhưng rút kinh nghiệm từ lần trước về quê ăn Tết quá tốn kém, anh Duy chọn cách về dịp Tết dương lịch thay vì về Tết âm lịch để đỡ một khoản – lì xì.

“Năm, hai năm mới về một lần nên mỗi lần về là quà cáp nhiều lắm. Về đúng dịp Tết nữa thì có khi bay cả mấy tháng lương luôn vì ở quê con cháu nhiều, gặp ai cũng phải mừng tuổi. Không mừng không được, mừng ít cũng không xong vì ai cũng nghĩ mình từ nước ngoài về lắm tiền”, anh Duy chia sẻ.

Tục lì xì vốn có ý nghĩa tốt đẹp, là một lời chúc may mắn, sức khỏe và sung túc nhân dịp năm mới. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, lì xì lại trở thành gánh nặng với những người lao động, người thu nhập thấp hoặc những người xa nhà lâu ngày mới trở về thăm quê. Nhiều người oằn mình lì xì cao hơn khả năng của mình vì sợ bị chê keo kiệt hoặc vì sĩ diện mà tỏ ra là kẻ hào phóng.

Vì gánh nặng này mà nhiều người con xa nhà, nhiều đồng bào xa quê “né” Tết, sợ Tết.

“Ngày xưa, cứ có phong bao đỏ là vui là mừng, không ai để ý đến số tiền bên trong. Nhưng ngày nay có thể không có phong bao, chỉ cần tờ tiền mệnh giá càng to càng mừng. Trẻ con bây giờ khôn lắm, 2-3 tuổi đã biết mặt tiền, biết phân biệt ít nhiều, mừng ít là ăn cái bĩu môi ngay”, anh Duy chia sẻ.

K. Minh