Có trường hợp osin được thưởng số tiền gấp sáu, bảy lần lương tháng của nhân viên ngân hàng thì rất đáng quan tâm.
Lương, thưởng tết theo giá thị trường
Theo thị trường chung nhiều năm nay, cuối năm nhiều người giúp việc sẽ được nhận thêm tháng lương thứ 13 coi như đó là tiền thưởng tết. Tùy thuộc vào độ hào phóng của mỗi gia đình mà tháng lương thứ 13 này có thể giao động từ 2 triệu đến 6 triệu, ngoài ra gia chủ có thể biếu cho osin thêm quà bánh, quần áo về quê ăn tết.
Chị Đoan Trang (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi hai vợ chồng làm kinh doanh bận tối ngày, nên ba năm nay phải thuê giúp việc để họ làm đỡ việc nhà và đưa các cháu đi học. May mắn thuê được chị giúp việc tốt nên tôi cũng yên tâm, làm cho nhà tôi đã ba năm nay mà chưa có vấn đề gì xảy ra cả. Lương hàng tháng tôi trả đủ 4 triệu, giỗ chạp tôi cũng biếu 5 trăm đến 1 triệu, năm hết tết đến thì trả thêm một tháng lương nữa, cộng với ít bánh mứt và cho tiền tàu xe về quê.”
Tuy rằng có khung giá lương, thưởng chung cho osin dịp cuối năm cứ áp vào đó mà “người ta sao thì mình vậy”. Nhưng có nhiều gia đình rơi vào cảnh khóc đứng, khóc ngồi vì bị osin “bòn” khéo dịp cuối năm nên tỏ ra khá bức xúc.
“Tết đến công việc ngôn ngổn, đủ các thứ phải lo đau cả đầu, về đến nhà cũng không được yên. Bà giúp việc nay đòi tăng lương, mai hỏi vay tiền, mượn vàng, không vừa ý bà cái gì là dọa nghỉ việc. Bà ấy đưa ra đủ lý do để xin thêm tiền: nào là ra giêng cháu lớn lấy vợ, nào là sắp đến tết cái nhà cũ quá phải sửa, rồi nay ông nội, bà ngoại ốm, mai bà thím, ông cậu bệnh… Giời ạ, chắc tôi cũng đi làm osin cho rảnh mất.” chị Nguyễn Thị Loan (Hà Đông, Hà Nội) bất bình.
Vấn đề lương, thưởng cho người giúp việc ngoài theo mức giá chung, còn là chuyện tình cảm gắn bó giữa gia chủ và người giúp việc. Vì một chữ tình ấy mà có thể mức lương, thưởng được điều chỉnh cao hơn, hoặc thấp hơn một chút so với mặt bằng chung.
Sự thật khó tin: osin từng được thưởng tết gần 50 triệu
Cô Đoàn Thị Nguyên, năm nay 57 tuổi (quê ở Nam Định) đã đi làm giúp việc được 10 năm. Cô Nguyên không có gia đình, ở quê buồn lại không có công việc phù hợp, được một người quen nhờ lên thành phố giúp việc cho gia đình họ nên cô đi.
Lúc đầu chỉ nghĩ giúp họ một thời gian rồi thôi nhưng càng làm quen cô càng gắn bó với công việc, với gia chủ. Nghề giúp việc giúp cô tìm được sự ấm áp của tình cảm gia đình mà cô mong ước nên cứ thế cô gắn bó với nó cho đến giờ.
Cô Đoàn Thị Nguyên năm nay lại ăn tết ở Hà Nội, cô được chủ nhà quý mến giữ lại vừa là chung vui với gia đình họ mấy ngày tết vừa giúp họ quán xuyến cửa nhà. |
Được người quen giới thiệu nên hầu hết những gia đình cô Nguyên đến làm họ đều rất tốt. Cô được trả mức lương xứng đáng, được đối xử như người nhà, những ngày lễ, tết họ đều quà bánh, thăm hỏi rất chu đáo.
Nói về những món thưởng, cô Nguyên bất ngờ nhất khi năm 2011, cô được thưởng lên đến gần 50 triệu. Đó là món thưởng lớn nhất mà cô từng được nhận trong đời.
Ngoài lương chính 5 triệu cô được thưởng tết 10 triệu tiền mặt, ngoài ra còn dây chuyền bạc, quần áo, giày dép, đồng hồ, bánh kẹo ngoại.... và được cho 200 nghìn tiền tàu xe về quê.
“Cô chú (vợ chồng chủ nhà ) và cả bố mẹ chồng của cô quý tôi lắm. Đi công tác hay đi du lịch nước ngoài về hay mua quà tặng tôi, biết tôi thích đan len nên cô hay mua len về cho tôi đan. Bà mẹ chồng cũng chu đáo, sinh nhật hay ngày 8/3, 20/10 là mua hoa, quà tặng tôi. Xúc động lắm, cả đời tôi chưa được ai quan tâm nhiều như vậy ”
Gần tết năm đó, hai vợ chồng chủ nhà đi Đức về có mua tặng cô một chiếc đồng hồ giá hơn 7 triệu đồng, mua cho hai cái áo dạ và đôi giầy da. Đi nước ngoài về lần nào chủ nhà cũng mua quà tặng cô, đến ngày sinh nhật cô thì bà mẹ chồng của chủ nhà mua tặng cô dây chuyền bạc.
Theo cô Nguyên, gia chủ làm kinh doanh bất động sản, năm đó làm ăn được nên mới mạnh tay thưởng lớn như vậy, những năm sau làm ăn không thuận lợi lắm nên chỉ thưởng 5 triệu thôi.
Cô Nguyên bảo nếu tính chi li những món quà vật chất cô được tặng trong một năm cũng lên đến bốn, năm chục triệu đồng. Nhưng món quà tinh thần cô nhận được còn giá trị hơn thế gấp nhiều lần. Một người sống cảnh “thân cô thế cô” lại ở vùng quê nghèo như cô có bao giờ biết đến sinh nhật là gì, có bao giờ biết 8/3, 20/10 là ngày gì đâu. Chỉ khi cô lên thành phố, được làm cho nhà chủ tốt cô mới thấy mình may mắn và hạnh phúc hơn nhiều người.
Như Quỳnh