Trước vụ việc chồng chém vợ đứt xương chân ở Bắc Giang, bà Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên CSAGA đặt ra câu hỏi: "Chúng ta có quá nhiều Hội và cán bộ Hội nhưng các cán bộ này đã hiểu về quy trình hỗ trợ phụ nữ có dấu hiệu bạo hành chưa? Kiến thức và kỹ năng thoát hiểm khỏi bạo hành đã được các tổ chức ấy đưa đến với người dân hay chưa?"

"Có chồng bạo hành: Nay chửi, mai tát, ngày kia có thể bị đứt đầu"

Liên quan đến vụ việc chồng chém vợ ở Bắc Giang, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên CSAGA, cho rằng: "Trong vụ việc này, tôi không muốn quy trách nhiệm cho bất kỳ ai bởi đó là trách nhiệm của tất cả chúng ta".

{keywords}
Dương Thị Hiền tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang

Về nạn nhân, bà nhận định: "Cô Hiền và gia đình 2 bên đều biết anh chồng của cô hung bạo. Nhưng không ai hình dung ra cái cảnh cuối cùng kinh sợ này. Nếu tất cả mọi người đều được trang bị kiến thức, rằng với một kẻ bạo hành thì hôm nay chửi, ngày mai tát, ngày kia có thể sẽ là cú đá dập lá lách và cuối cùng có thể chém đứt đầu và họ có tất cả những địa chỉ hỗ trợ có thể liên lạc khẩn cấp…, thì tôi chắc sẽ có ít hơn nhiều những vụ việc đáng tiếc thế này".

Về chính quyền, Giám đốc Trung tâm CSAGA cho rằng: "Cơ quan quản lý nhà nước, các cán bộ ăn lương để hỗ trợ cho dân, các đơn vị có trách nhiệm phổ biến luật pháp và thực thi luật pháp, người dân cũng như chính chúng ta đều có trách nhiệm trong đó.

Người phụ nữ ở Hải Dương bị chồng đánh đến chết trong khi tầng trên con trai chị vẫn học bài. Vì sao? Vì chị không kêu cứu. Hàng xóm, đồng nghiệp chị đều biết chị có anh chồng gia trưởng và hay ghen nhưng chỉ nghĩ đó là chuyện cá nhân, nội bộ nhà người ta.

Cán bộ các hội của cộng đồng, nơi mà chúng ta có quá nhiều Hội và cán bộ Hội, đã hiểu về quy trình hỗ trợ người/gia đình có dấu hiệu bạo hành chưa? Kiến thức và kỹ năng thoát hiểm khỏi bạo hành đã được hệ thống này đưa đến người dân chưa?

Bà Vân Anh khẳng định: "Nếu những cô gái đuợc trang bị kiến thức từ khi chưa lấy chồng về cách nhận diện sự hung bạo của người đàn ông, nếu những phụ nữ có chồng hung tính được trang bị các phương án thoát hiểm và nhận diện dấu hiệu xảy ra bạo lực, nếu hàng xóm không đứng đó mà nói rằng: có gì về bảo nhau … thì đã không có những sự việc đau lòng như thế này".

Đừng trách cô Hiền hay các chị khác vì họ có quyền được hệ thống dịch vụ xã hội, nơi đang ăn lương từ thuế người dân hỗ trợ và cung cấp dịch vụ. Mà những những người đã không cung cấp kiến thức để Hiền và những phụ nữ khác phòng tránh mới đáng lên án và cần thay đổi".

Xấu hổ hay là chết?

Nhiều năm nghiên cứu về nạn bạo hành gia đình, bà Vân Anh cho rằng, bạo lực thường xảy ra trong các gia đình mà quyền lực do người đàn ông chủ động nắm giữ. Có người rất hiền nhưng vẫn gia trưởng theo kiểu không đấm đá mà chì chiết móc máy, gây họa một cách khác.

Bà Vân Anh cũng có lời khuyên dành cho các chị em trót lấy chồng bạo lực nên:

1- Tự khái quát khi nào chồng nổi nóng và dễ ra tay: Mỗi người đàn ông có một kiểu khác nhau. Ví dụ: Có ông thì rượu về chắc chắn có chửi hoặc đòn; Có ông thì cứ vợ đi đâu về là nổi cáu (coi vợ như vật riêng của mình cấm đi ra ngoài); Có ông cứ vợ mặc đẹp là bực tức; Có ông trí thức thì cứ vợ có cái gì hơn mình, thành công, được khen, thăng chức là tìm cớ ra đòn. Khi đã dự đoán được thời điểm bùng phát tức là người vợ phải có kế hoạch đối phó. Chúng ta chủ động sẽ dễ hơn nhiều so với bị động. Bị đánh rồi mới nghĩ cách thoát thì rất khó. Giả dụ cô Hiền có thể chuẩn bị cách thoát thân truớc khi sự việc xảy ra.

2- Bạo lực gia đình có tính tăng tiến và tính chu kỳ. Tăng tiến là lần sau nặng hơn lần trước. Nên nếu để thế mất cân bằng được xác lập từ đầu cuộc hôn nhân thì xoay chuyển khó hơn nhiều. Người phụ nữ bị chửi bới, nhịn, nghĩ mai nó nghĩ lại nó sẽ thay đổi. Tức là sẽ có tát, sau đó sẽ nặng dần hơn. Sau mỗi lần lại xin lỗi và làm lành. Rồi lại tạo cớ và bạo lực tiếp. Nhiều người hỏi vì sao phải tạo cớ. Kẻ gia truởng phải tìm mọi cách để điều khiển, không chế người kia nhằm thỏa mãn nhu cầu làm chủ và sự lệ thuộc của họ.

3- Nếu sợ xấu hổ không nói chuyện với ai thì đó là một điểm yếu khiến kẻ bạo lực dễ dàng lấn tới hơn. Các chị em phải nghĩ rằng: Xấu hổ hay là chết?

Trong suốt quá trình Dương Thị Hiền điều trị ở BV, mẹ Hiền là bà Trần Thị Thanh (ngoài 60 tuổi) vừa trải qua một ca phẫu thuật sỏi thận chưa bình phục hoàn toàn đã phải lặn lội từ Thái Nguyên sang Bắc Giang để chăm con gái. Trong khi đó con trai Hiền mới 2 tháng tuổi đã phải để bà nội chăm sóc và bé không được dùng sữa mẹ khi Hiền liên tục phải tiêm kháng sinh để điều trị ở bệnh viện.

Sau khi được xuất viện, gia đình mẹ đẻ đã đón em và con trai về quê ngoại để chăm sóc. Hiền nói: Nhà em có 3 chị em gái (Hiền là con út), 2 chị đã đi lấy chồng hoàn cảnh kinh tế cũng không khá giả để giúp đỡ gia đình. Giờ em chưa bình phục mọi chi phí trong gia đình đều phải dựa vào mấy sào ruộng của bố mẹ".

Bà Thanh cũng cho biết thêm, 2 ông bà đã cao tuổi, không có lương hưu, thu nhập mỗi tháng chỉ khoảng 3-4 trăm ngàn. Năm vừa rồi (2015), bà đã 3 lần phải vào viện vì sức khỏe yếu. "Nếu như trước đây chỉ có 2 vợ chồng thì khéo ăn thì no khéo co cũng ấm nhưng giờ chúng tôi phải lo cho con gái bị thương cũng như nuôi cháu ngoại nên rất khó khăn".

Chiều 1/3, qua điện thoại chúng tôi nhận được tin Hiền phải nhập viện ở BV gần nhà vì vết thương cũ có dấu hiệu xấu.

Mọi liên lạc với Hiền, quý độc giả có thể theo địa chỉ: Dương Thị Hiền (SN 1993, con bà Trần Thị Thanh) ở xóm Thượng vụ 1, xã Thành Công, Phổ Yên, Thái Nguyên. SĐT: 01658296318.

Ngọc Trang - Vũ Lụa