Những món quà ấy, mang tính cá nhân nhưng ai cũng nhận ra mức độ tình cảm của sếp gửi gắm trong đó sâu đậm thế nào.

Tôi là nhân viên chăm sóc khách hàng của một công ty truyền thông. Môi trường làm việc năng động, lương lậu ổn định và đồng nghiệp cũng thoải mái khiến tôi vô cùng hài lòng với công việc của mình. Nhưng đó chỉ là trước đây, còn hơn 3 tháng trở lại đây, khi bộ phận tôi có sếp mới thì sự thoải mái chẳng còn nữa. Thay vào đó là sự ấm ức, ghen tỵ, phân bì vì sự phân biệt có phần "bên trọng bên khinh" của sếp.

Sếp mới của chúng tôi, tốt nghiệp ở nước ngoài về nên có phần cởi mở, thoáng và sáng tạo trong công việc. Tuy nhiên, về tình cảm, giao tiếp thì chị lại thẳng thắn quá, đôi khi khiến chúng tôi cảm thấy hụt hẫng và buồn. Từ khi sếp mới về, phòng tôi hàng tháng có những buổi liên hoan, gặp gỡ điều đó khiến chúng tôi thấy vui hơn rất nhiều. Và trong những buổi liên hoan ấy, sếp tôi cũng phóng khoáng, có quà tặng, khuyến khích nhân viên. Tuy nhiên, món quà của sếp chính là điều đáng nói nhất.

Buổi gặp mặt đầu tiên của chúng tôi là vào cuối tháng 12 năm ngoái, khi liên hoan tổng kết năm. Bao nhiêu hồ hởi, phấn khởi khi sếp mới về, chế độ cho nhân viên cũng hào phóng hơn sếp cũ. Trong buổi liên hoan ấy, cả phòng cũng bình bầu ra những cá nhân có thành tích công việc xuất sắc trong năm để được khen thưởng. Sếp đồng ý và nói sẽ tự bỏ tiền của mình tặng quà nhân viên, chúng tôi đã rất cảm kích về tinh thần đó của sếp, và thống nhất sẽ tặng tiền để mọi người tiện sử dụng.

{keywords}
Ảnh minh họa

Tôi cũng là một cá nhân được phòng bình chọn. Chỉ có một mức khen thưởng cho 3 nhân viên có thành tích xuất sắc thôi nhưng mức thưởng không đồng nhất nhau. Ban đầu, chúng tôi không biết, nhưng về sau chuyện trò thì mới biết, 3 người 3 mức khác nhau. Chúng tôi không hài lòng vì chuyện đó nhưng cũng chẳng biết nói sao khi, sếp tự bỏ túi để thưởng cho nhân viên cơ mà.

Rồi đến việc sếp đi công tác về, mua quà tặng nhân viên cũng vậy. Mỗi người một thứ khác nhau, không chỉ khác về chủng loại mà còn khác cả về giá trị nữa. Những món quà ấy, mang tính cá nhân nhưng ai cũng nhận ra mức độ tình cảm của sếp gửi gắm trong đó "sâu đậm" thế nào. Cả phòng chỉ được hoa quả, đồ ăn. Duy chỉ có 2 chị nhiều tuổi, có gia đình, con cái được sếp mua đồ lưu niệm. Việc này đã khiến chúng tôi thắc mắc, nhưng sếp chỉ cười và nói đừng ganh tỵ, mỗi việc sếp làm đều có dụ ý, mục đích riêng. Chúng tôi chưa hiểu, mục đích của sếp là gì nhưng đã thấy trong nội bộ phòng có sự so sánh, ganh tỵ với nhau rồi.

Chẳng hiểu, sếp nghĩ gì lại phân biệt trong việc tặng quà như vậy, khuyến khích nhân viên chẳng thấy đâu, chỉ thấy thị phi và điều tiếng. Ai cũng biết vậy, nhưng chẳng ai dám lên tiếng nữa vì đó là quà của cá nhân sếp, tặng ai và tặng như thế nào là quyền của chị cơ mà. Mỗi điều, cách tặng quà của chị không thích hợp thôi.

{keywords}
Ảnh minh họa

Việc tặng quà cá nhân và do sếp bỏ ra thì chẳng nói làm gì, nhưng hôm vừa rồi, kỷ niệm ngày 8/3, phòng tôi tổ chức trước mấy hôm, sếp cũng duyệt mức tặng cho nhân viên chênh lệch khiến chúng tôi không hài lòng. Sếp nói: "Lấy tiền quỹ phòng, thưởng cho chị em gọi là khuyến khích với mức như sau: có gia đình và con cái cao nhất, có gia đình và chưa có con thấp hơn và chưa có gia đình thì lại ít hơn nữa”. Dĩ nhiên, theo mức chia của sếp, tôi chưa có gia đình chỉ nhận mức 200.000 đồng. Tôi và hai bạn nữa trong phòng bị nhận mức thấp nhất thấy vô cùng ấm ức. Các chị lớn, được nhận nhiều hơn chúng tôi cũng tỏ ra không hài lòng nhưng chẳng ai lên tiếng.

Thôi thì món quà của cá nhân sếp đã đành, nhưng đây là quỹ phòng bỏ ra thì thiết nghĩ mọi người phải được bình đẳng như nhau. Tôi cũng hiểu hơn, sâu xa trong suy nghĩ của sếp thì những người có gia đình con cái sẽ vất vả hơn cánh độc thân chúng tôi. Nhưng sếp đâu có hiểu, quyền lợi cá nhân trong công việc phải như nhau, sự quan tâm quá sâu xa của sếp lại gây ra một sự phân biệt khá lớn giữa các nhân viên. Tôi đã định lên tiếng với sếp nhưng các chị trong phòng ngăn lại, vì sợ tôi làm phật ý sếp, sau này sẽ khó khăn trong công việc.

Tôi im lặng nhưng vẫn thấy ấm ức vô cùng. Tôi hiểu ý và tinh thần của sếp là rất tốt nhưng cách thể hiện như vậy là chưa được, chưa phù hợp trong môi trường tập thể. Nhất định tôi sẽ tìm một cơ hội nào đó để góp ý với chị về việc này, nếu không ai nói, có lẽ tình huống ấy sẽ còn diễn ra nhiều lần hơn nữa. Một lần, hai lần thì không sao, nhưng nhiều lần như vậy, tình đoàn kết, sự gắn bó của nhân viên chúng tôi cũng sẽ bị “phân cấp” như mức độ quà tặng của sếp vậy.

Giá như, vì một số lý do đặc biệt nào đó mà sếp muốn tặng quà cho riêng một nhân viên của mình, thì chị nên thận trọng và kín đáo để xóa đi cái định kiến của chúng tôi và để chị khỏi bị mang tiếng là “thiên vị”. Hơn hết, đám nhân viên chúng tôi cũng thấy thoải mái, đỡ cảm giác “bên trọng, bên khinh” trong cách tặng quà của sếp, sẽ vui vẻ, phấn khởi đón chào món quà từ chị.

(Theo Emdep)