Bằng phương pháp vừa học vừa chơi, nhiều bà mẹ đã tự dạy tiếng Anh tại nhà cho con thành công.

Học từ Ipad, Youtube

Chị Liêu Thủy Tiên, Giảng viên ngành Quản trị khách sạn, Đại học Kinh tế Quốc dân được đông đảo phụ huynh biết tới với phương pháp dạy tiếng Anh cho con rất hiệu quả. Hai bé gái nhà chị, bé Miu 5 tuổi và bé Moon 2 tuổi đều có thể sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với mẹ. Đặc biệt bé Miu 5 tuổi đã sử dụng tiếng Anh trôi chảy, giao tiếp tự tin với người lớn.

Chị Tiên cho con tiếp xúc với tiếng Anh từ khoảng hơn 1 tuổi thông qua Ipad và Youtube, đến khoảng 2 tuổi thì bé bắt đầu giao tiếp nhiều với mẹ bằng ngôn ngữ thứ hai này.

{keywords}

Bé Miu 5 tuổi đã sử dụng tiếng Anh trôi chảy, tự tin giao tiếp với người lớn.

“Tôi không dạy theo một giáo trình nào cả. Tất cả cảm hứng học và nói tiếng Anh cho bé được bắt nguồn từ chính những trò chơi của bé trên Ipad, hay kênh hoạt hình bé thường xem trên Youtube. Bé làm quen với những thứ này ngay từ khi 1 tuổi, rồi đến 2 tuổi thì bé bắt đầu nói chuyện với mẹ bằng tiếng Anh. Miu thường hay chơi các trò chơi trên Ipad như nấu ăn, giặt quần áo, chăm búp bê... bằng tiếng Anh.

Ngoài ra, bé cũng hay xem Youtube, trên kênh Youtube của Miu và em gái - bé Moon, bố bé thường thêm những kênh phù hợp với lứa tuổi như Disneychannel, Peppa Pig, Story bots..., nghe các bài hát bằng tiếng Anh. Mỗi ngày 2 bạn thường xem khoảng 1 tiếng trước khi đi ngủ, còn cuối tuần thì bố mẹ không hạn chế”.

Chị Tiên cho rằng, sai lầm của các bậc phụ huynh khi dạy tiếng Anh cho con là quá coi trọng việc phát âm đúng, phải nói chuẩn ngữ pháp nên liên tục chỉnh sửa, nhắc nhở kheiesn trẻ dần mất tự tin, không dám nói nữa. Chị thì khác, chị để con thoải mái, tự tin nói theo cách của con.

“Trên thực tế văn nói nhiều khi không cần thiết phải như vậy. Các bạn cứ để bé tự nhiên bộc lộ, sau này con sẽ còn học thêm nhiều và tự sửa dần. Tránh sửa sai quá nhiều lúc đó bởi việc này sẽ khiến bé thiếu tự tin, không dám nói nữa”, chị chia sẻ.

Học từ trò chơi, phim hoạt hình

Chị Quỳnh Phương (Hà Nội), một bà mẹ có con gái 5 tuổi cũng thành công với phương pháp dạy tiếng Anh cho con “vừa học vừa chơi”.

Chị bắt đầu dạy tiếng Anh cho con từ năm bé 3 tuổi. Biết con rất mê xem phim hoạt hình, chị Phương đã cài đặt sẵn một vài kênh chiếu phim hoạt hình như Disney, Cartoon… để hai mẹ con cùng xem và học luôn. Khi xem phim, bé hay thắc mắc "gấu con đang nói gì hả mẹ?" hay "Công chúa đang khóc kìa, công chúa nói gì với hoàng tử đấy mẹ?"… Chị sẽ giải thích để bé hiểu.

Khi xem phim, chị Phương còn khuyến khích con nhắc theo những từ ngắn, câu ngắn nhiều lần để con có thể bắt chước được ngữ điệu, phát âm của nhân vật trong phim. Xem phim nhiều, thuộc nhiều câu hội thoại, bé Na còn bắt chước các phóng viên trên đài 'phỏng vấn' mẹ những câu hỏi kiểu như “What is”, “Who is” hay “How are you?”… và bắt mẹ trả lời.

Nhiều khi chị Phương cố tình trả lời sai để bé phát hiện và sửa cho mẹ nên bé càng thích chơi trò “phỏng vấn” này với mẹ. Nhờ vậy mà giờ mới 5 tuổi mà bé đã biết hỏi tên, hỏi tuổi, hỏi nghề nghiệp, hỏi màu sắc, hỏi đồ vật… và tự tin nói chuyện khi gặp người nước ngoài.

“Đến nay, bé Na đã hiểu được nhiều câu ngắn, đơn giản khi nhân vật trong phim nói với nhau và còn làm 'phiên dịch' cho mẹ nữa", chị Phương cho biết. Bé cũng có thể hát theo các bài hát nhạc nền trong phim và dù chưa hiểu được ý nghĩa hay thuộc lời nhưng bằng cách này, bố mẹ đã truyền được cảm hứng yêu thích tiếng Anh cho con.

{keywords}

“Vừa học vừa chơi” sẽ tạo hứng thú cho trẻ (Ảnh minh họa)

Để thay đổi cách học hấp dẫn hơn cho con, chị Phương còn cùng con chơi trò chơi mang tên "Ai nhanh tay hơn?" nhằm tăng thêm vốn từ vựng cho con. Chơi trò này, hai mẹ con thi đua xem ai "nhặt" được các "từ thân thiết" với nhau và cho vào giỏ của mình thật nhanh.

Chị Phương chuẩn bị 10-15 miếng bìa nhỏ viết 10-15 từ vựng theo các chủ đề như gia đình (family), con số (number), động vật (animal)…

Mỗi hôm chọn một vài chủ đề và trộn lẫn nhau để hai mẹ con sẽ thi đua xem ai nhanh tay nhặt được nhiều miếng bìa có từ vựng đúng theo yêu cầu hơn thì sẽ là người chiến thắng. Ngoài ra, bé cũng rất thích chơi trò "Đi tìm kho báu" vì sau khi bé đoán đúng nghĩa của các từ vựng theo gợi ý, bé sẽ nhanh chóng tìm đến kho báu và được phần thưởng của mẹ.

Để giúp con nhận diện và thuộc các chữ cái có trong từ vựng đơn giản, chị Phương đã tự tay làm một bộ gồm 24 chữ cái tiếng Anh, mỗi chữ viết trên một miếng bìa nhỏ để con chơi trò "Ghép chữ cùng bé yêu".

Ví dụ, khi chị hỏi con từ "Ba…y" (Baby: em bé) còn thiếu chữ cái nào thì bé Na đã nhanh chóng tìm ra chữ "b" còn thiếu và ghép vào để có một từ "Baby" hoàn chỉnh. Hoặc, khi chị đố con ghép các từ như bố (dad) hay mẹ (mum)… bé sẽ nhanh chóng tìm đủ các chữ cái để ghép thành từ.

Chị Phương cho biết, đối với những bé chưa biết chữ, cho con chơi trò này sẽ giúp con thuộc nhiều từ vựng và có thể hữu ích cho kỹ năng viết tiếng Anh của con sau này.

K. Minh (tổng hợp)