Thời gian gần đây, rất nhiều người có mức thu nhập trung bình luôn phải tìm cách thắt chặt chi tiêu khi đồng lương không tăng nhưng các khoản sinh hoạt phí lại đồng loạt tăng giá. Tuy nhiên, nếu biết cách lên kế hoạch hợp lý; với đồng lương cố định hàng tháng ở mức trung bình, bạn vẫn có thể “sống khỏe”. Dưới đây là một vài cách chi tiêu cho người có mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng.
1. Tiền ăn:
- Ăn sáng: 10.000 đồng/bữa x 30 ngày = 300.000 đồng (với số tiền này, bạn có thể ăn xôi, ăn bánh mỳ, nấu mỳ ăn sáng;…).
- Ăn trưa + ăn tối: 25.000 đồng/bữa x 2 bữa x 30 ngày = 1.500.000 đồng (Thay việc ra ngoài ăn trưa, bạn có thể dậy sớm nấu cơm và mang đi làm. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiêm và tự nấu ăn sẽ đảm bảo vệ sinh khi tình trạng thực phẩm bẩn ngày càng gia tăng như hiện nay. Số tiền trên đã bao gồm tiền hoa quả ăn tráng miệng).
Ghi chép cẩn thận là một cách hạn chế việc lạm chi. |
+ Để có bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng và tiết kiệm, bạn có thể nấu một món và chia cho 2 bữa trưa và tối. Thức ăn, bạn có thể dậy sớm và đi chợ đầu mối. Một tuần, bạn nên chợ từ 2 – 3 lần để luôn có thực phẩm tươi ngon, bữa ăn phong phú.
+ Với các loại đồ khô, bạn có thể mua tích trữ để có giá tốt nhất. Tuy nhiên, không nên tích trữ quá nhiều bởi bạn ở 1 mình.
+ Nên chọn thực phẩm, rau xanh theo mùa để đảm bảo an toàn và mua với giá rẻ.
- Chi phí các loại gia vị và đồ khô: 120.000 đồng.
2. Tiền thuê nhà và các khoản sinh hoạt phí:
- Với mức thu nhập vừa phải, nếu chọn phương án ở một mình, bạn nên chọn những nhà trọ xa trung tâm. Mặc dù sẽ tốn thời gian đi lại nhưng bù lại bạn sẽ thuê được căn hộ đẹp với giá rẻ, điện nước cũng không quá đắt đỏ. Tuy nhiên, bạn nên ưu tiên cho khu nhà trọ tiện việc đi lại, đi chợ. Nếu tiện đường, bạn có thể chọn xe buýt làm phương tiện đi lại để đỡ vất vả. Dưới đây là một vài khoản nhất định phải chi nếu bạn phải đi thuê trọ.
+ Tiền thuê nhà: 1.200.000 đồng/tháng (Ưu tiên nhất bạn nên chọn một người hợp tính cách ở cùng. Làm như vậy, bạn có thể “nhẹ bớt” rất nhiều khoản như tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, tiền ăn;… và đặc biệt có người trò chuyện, chăm sóc khi sức khỏe không tốt),…
+ Tiền điện, nước: 150.000 đồng (Do ở một mình lại đi làm cả ngày, chỉ có thời gian buổi tối ở nhà nên bạn sẽ không phải chi nhiều cho khoản này).
+ Tiền internet: 50.000 đồng/tháng (bạn nên sử dụng mạng internet cùng với một vài phòng khác trong khu trọ. Nếu đi làm cả ngày, buổi tối về nghỉ ngơi, bạn có thể không sử dụng internet cũng là một gợi ý).
- Tiền xăng xe: 200.000 đồng/tháng.
- Tiền xà phòng, kem đánh răng, tiền ga,…: 200.000 đồng.
- Chi phí đề phòng khi phát sinh trong tháng: 280.000 đồng.
- Các khoản tiền trên chưa bao gồm tiền sinh nhật, đám cưới,… Những khoản tiền này, bạn có thể đưa vào khoản tiền dự trù bởi không phải tháng nào cũng có.
3. Một vài lời khuyên để tránh tình trạng lạm chi:
- Để không lạm chi, đầu tháng khi vừa nhận được lương, bạn nên để ra khoản tiền cố định là 4 triệu đồng.
- Bạn cũng nên lập một cuốn sổ ghi chép việc chi tiêu trong tháng để có mức điều chỉnh hợp lý cho các tháng tiếp theo. Sau một thời gian, khi việc chi tiêu đã ổn định; bạn có thể dừng việc ghi chép.
- Nên tìm hiểu các thông tin về chương trình khuyến mại, thời gian khuyến mại các loại đồ điện tử, đồ gia dụng;… và chọn các sản phẩm có giá cả phù hợp. Trước khi mua đồ, bạn nên cân nhắc về giá trị sử dụng của món đồ đó, tránh lãng phí tiền.
- Nên hạn chế việc ra ngoài ăn uống, vui chơi để mất tiền vào những khoản không đáng.
- Nên hạn chế việc thường xuyên đi shopping, mua sắm bởi đây sẽ là thói quen không tốt, sẽ tiêu tốn khá nhiều tiền của bạn.
- Điều quan trọng nhất, bạn nên lập một sổ tiết kiệm để đề phòng khi có việc cần dùng tới.
(Theo Emdep)