- Các tổ chức, cá nhân quan tâm tới các vấn đề của phụ nữ và trẻ em đã gửi thư ngỏ tới Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về việc cần thiết phải thúc đẩy thực thi và giám sát pháp luật liên quan tới các vấn đề phụ nữ trẻ em. 

18 mạng lưới và tổ chức vừa có thư kiến nghị gửi bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Người thay mặt các tổ chức để trình thư ngỏ là bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc CSAGA. Theo đó, thư kiến nghị đã được gửi tới Văn phòng Quốc hội chiều ngày 4/4.

Mở đầu thư người đại diện các tổ chức khẳng định: Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực, xâm hại tình dục nghiêm trọng với phụ nữ và trẻ em. Cụ thể đó là các vụ việc: Một bảo vệ xâm hại 23 cháu gái ở trường tại Lào Cai; Một thiếu úy công an Hải Dương đánh người yêu chấn thương sọ não; Một thầy giáo luồn tay qua nách học sinh nữ để hướng dẫn bài tập; Một nghệ sĩ bị bắt ở nước ngoài với cáo buộc xâm hại tình dục trẻ em...

{keywords}
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (Ảnh: VietNamNet)

Bởi vậy, các tổ chức đã kiến nghị Chủ tịch Quốc hội: Thúc đẩy các thảo luận với Bộ Giáo dục về việc cần biên soạn chương trình giáo dục Bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em cho trẻ em từ bậc Tiểu học tới THPT với các kiến thức, kỹ năng phù hợp với lứa tuổi, để giúp các em hiểu và chủ động bảo vệ mình; Đẩy mạnh công tác giám sát thực thi pháp luật tại địa phương, đặc biệt các luật liên quan tới các vấn đề của phụ nữ và trẻ em như Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Thư ngỏ cũng kiến nghị các cơ quan hành pháp, tư pháp từ cấp cơ sở cần đặt người bị hại làm trung tâm, phối hợp với các cơ quan, đơn vị để xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, trong việc giải quyết các vụ xâm hại tình dục, bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, các cán bộ thực thi pháp luật cần có nhạy cảm giới cũng như kiến thức, kỹ năng làm việc với những nhóm dễ tổn thương.

Bên cạnh đó, các tổ chức cũng bày tỏ Chủ tịch Quốc hội: Giám sát chặt chẽ việc tuân thủ Luật Bình đẳng giới của các cơ quan truyền thông để đảm để đảm bảo các sản phẩm truyền thông không duy trì khuôn mẫu và định kiến giới.

Báo chí cần giữ vai trò tiên phong trong phòng ngừa, cảnh báo vi phạm luật từ các vụ việc được phát hiện và xử lý nghiêm minh; Xem xét việc bổ sung các quy định pháp luật liên quan tới quấy rối tình dục nơi công cộng trong Bộ Luật Lao động trong kỳ Quốc hội mới như quy định rõ về hành vi, tội danh.

Ngoài ra, có hai nội dung quan trọng những người làm đơn kiến nghị bà Nguyễn Thị Kim Ngân là: Đảm bảo trẻ em từ bậc mẫu giáo tới THPT được giáo dục giới tính phù hợp với lứa tuổi và Tăng độ tuổi trẻ em từ 16 lên 18 để phù hợp với tiêu chí về trẻ em trong Công ước Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em và để trẻ em nhận được nhiều cơ hội giáo dục và bảo vệ.

Trong năm năm qua (2011-2015), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó. Số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ (khoảng 65%) và gia tăng xâm hại tình dục nam. Năm 2011, lực lượng chức năng bắt hơn 1.000 đối tượng, đến năm 2015 số đối tượng tăng lên hơn 1.400 đối tượng.

Theo nghiên cứu gần đây nhất của Tổ chức Action Aid tại Việt Nam, có tới 87% phụ nữ từ 2 TP.HCM và Hà Nội từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng; 67% người chứng kiến đã không có hành động gì.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam, 31% em gái vị thành niên và thanh niên đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng, 11% học sinh tại 30 trường phổ thông của Hà Nội từng bị xâm hại, quấy rối tình dục.

N. Trang