Làm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, không thể tiết kiệm được tiền, nhiều cặp vợ chồng trẻ đã “sáng tạo” ra chiêu đi vay tiền ngân hàng để mua vàng cất két. Sau đó, họ sống tiết kiệm, chắt bóp từng đồng để trả nợ...

Vay tiền "xã hội đen" để mua vàng đút két

Trò chuyện về quãng thời gian tích cóp từng đồng để trả nợ lãi, chị Lê Thị L. (28 tuổi, trú tại thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội) không khỏi xót xa. Công việc của hai vợ chồng ổn định, lương tháng cộng lại gần 20 triệu đồng nhưng số tiền làm ra cứ “không cánh mà bay”. Cưới nhau 3 năm nay nhưng vợ chồng chị không để ra được đồng nào. Thấy cách chi tiêu của gia đình mình không ổn, chị L. bèn bàn với chồng lập kế hoạch chi tiêu cho hợp lý hơn và nuôi lợn đất.

{keywords}
Ảnh minh họa

Chị L. kể: “Đầu tiên, chúng tôi lên kế hoạch mỗi tháng bỏ vào lợn 8 triệu đồng nhưng cũng chỉ được có hai tháng. Khi có việc quan trọng, con lợn lại bị “mổ bụng”. Sau đó chúng tôi lại nuôi con lợn khác và cũng chỉ duy trì được 3 tháng. Kế hoạch thất bại, chúng tôi nghĩ tới cách mua két sắt về cho tiền vào khóa lại. Nhưng rồi chỉ được một thời gian ngắn, cứ “bí lại dí tốt”, hai vợ chồng lại mở két lấy tiền.

Mọi kế hoạch giữ tiền đều thất bại vì có quá nhiều việc cần đến tiền, anh chị vắt óc suy nghĩ và cuối cùng cũng “sáng tạo” ra cách đi vay tiền sau đó mua vàng coi như của để dành.

“Hai vợ chồng tôi đều tán thánh cách làm này, coi đó là áp lực để cố gắng. Năm đầu, chúng tôi vay mượn bố mẹ, người thân mua được 2 cây vàng về cất. Trong năm đó, chúng tôi làm đươc bao nhiêu trả nợ hết. Nếu có việc đột xuất thì về vay mượn tiền khắp nơi để tiêu rồi sau đó lại trả lại. Cuối năm, vợ chồng tôi sung sướng khi 2 cây vàng vẫn còn nguyên trong két. Vì thế, năm nay vợ chồng tôi bàn với nhau vay 180 triệu đồng từ ngân hàng để tiếp tục mua vàng cất. Sau đó, hàng tháng sẽ để ra một khoản trả lãi và một phần nợ gốc. Để vàng trong nhà còn giữ được chứ để tiền thì sẽ tiêu mất ngay”, chị L. khoe.

Có gần chục cây vàng trong két, vợ chồng chị L. cảm thấy tự tin hơn. Tuy nhiên, cũng từ đây, mọi rắc rối bắt đầu xảy ra. Vợ chồng con cái ốm đau, đi viện, không sẵn tiền trong nhà, lại chẳng muốn vay mượn mọi người nữa, chồng chị L. đi vay lãi tính theo ngày của “dân xã hội”. Tiền nọ dồn tiền kia, cuối cùng số tiền đi vay nặng lãi ngày một nhiều. Từ đây, những rắc rối bắt đầu xảy ra khiến đôi vợ chồng trẻ mất ăn, mất ngủ.

“Quả thật, thời gian đó hai vợ chồng tôi cứ mở miệng ra là nhắc đến tiền, vợ chồng nhiều khi cãi vã lẫn nhau cũng vì những chuyện không đâu. Khi những khoản nợ “xã hội đen” chồng chất cùng đến kỳ phải trả, tôi đành phải đem bán hết số vàng tích lũy được trong két để trả nợ. Lãi mẹ đẻ lãi con, nghĩ đến số tiền lãi phải trả mà xót ruột, trong khi lãi thu được từ vàng thì không có. Có thời gian hai vợ chồng phải chắt chiu từng đồng, đến mức phải ăn mì tôm trừ bữa. Quả thực, vàng chưa thấy đâu mà đã thấy vàng… mắt rồi”, chị L. dứt lời thì hai hàng nước mắt cũng chực trào.

Sống khổ sở, nợ chất chồng

Không chỉ riêng vợ chồng chị L., nhiều gia đình cũng nghĩ ra cách vay lãi lấy tiền mua vàng về cất két. Họ coi đó là một cách để tạo áp lực tiết kiệm thì mới có của để dành.

Thấy cô bạn thân rỉ tai về cách tiết kiệm tiền của mình, vợ chồng chị Nguyễn Thị H. (Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng áp dụng làm theo. Chị kể, ngày cưới, hai vợ chồng phải lo mọi thứ nên vẫn còn nợ bạn bè một ít tiền. Anh chị đã phải ăn uống kham khổ, không dám sắm sửa gì để tiết kiệm trả nợ. Nhưng dù có nai lưng ra làm vẫn không để dành được đồng nào cất tủ. Từ cách tiết kiệm “ăn cơm nắm muối vừng” không đạt hiệu quả, anh chị bàn với nhau sẽ thực hiện theo cách của cô bạn thân.

Năm đầu tiên, anh chị vay lãi 100 triệu đồng để mang 3 cây vàng về cất tủ. “Tổng thu nhập cả tháng hai vợ chồng tôi được khoảng 15 triệu đồng/tháng. Tính ra, mỗi tháng chúng tôi phải bỏ ra 10 triệu đồng để trả nợ. Số tiền lương 5 triệu đồng còn lại để chi tiêu sinh hoạt cho gia đình. Chồng tôi còn tuyên bố sẽ đi làm ngoài giờ để kiếm thêm tiền cho việc sinh hoạt gia đình. Thấy chúng tôi vay lãi mua vàng, nhiều người khuyên ngăn, có người còn nói chúng tôi bị hâm mới làm như vậy. Cóp được bao nhiêu thì hãy mua, ai lại đi vay lãi để mua vàng cất két. Tự nhiên mua nợ, mua gánh lo vào người”, chị H. cho biết.

Theo chị H., vay lãi mua vàng cất tủ, mấy tháng đầu, họ cũng để dành ra được 10 triệu đồng trả nợ. Nhưng nhiều khi, con cái bị ốm đau hoặc hiếu hỉ quá nhiều, anh chị phải chạy vạy đi vay tiền. Cuối tháng, hết tiền, vợ chồng chị H. chỉ mua thịt về cho con ăn, còn hai vợ chồng ăn muối vừng, rau qua ngày.

“Sống khổ và nợ nần đến kỳ phải trả nhiều quá chúng tôi phải bán vàng đi trả nợ. Cái vòng luẩn quẩn “con kiến mà leo cành đa” khi mua vàng cất két đã khiến gia đình tôi khổ sở mà vẫn không thể để dành được tiền”, chị H. giải bày.

Khi được hỏi cảm giác về giá vàng lên xuống thất thường, chị H. bày tỏ: “Mỗi khi thấy giá vàng lên cao rồi lại sụt xuống, mình rất hồi hộp. Có lần giá vàng tụt giá so với thời điểm mình mua mà mất ăn, mất ngủ cả tuần”.

Dễ “tụt huyết áp” khi giá biến động

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, chuyên gia Đậu Xuân Thoan, Phó Giám đốc trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý Giáo dục cho rằng: “Tâm lý chung của người Việt là muốn có của ăn của để, nhiều người cũng muốn khoe của, đeo vàng trên người cho oai. Vì thế, họ mới “sáng tạo” ra những phương pháp tiết kiệm khác người như vậy. Việc tiết kiệm là rất tốt nhưng chẳng ai vay nặng lãi để mua vàng cất két và coi đó là cách giữ tiền. Không nên a dua, làm theo người khác mà không nghiên cứu tính toán khiến mua nợ vào người. Thực tế đã có nhiều người “tụt huyết áp” bởi khi mua vàng giá cao rồi sau đó vàng lao dốc. Chỉ nên mua vàng cất trữ khi có tiền dư giả vì việc giữ vàng không đúng cách hoặc không đúng hoàn cảnh có thể khiến nhiều người lỗ nặng, thậm chí phải “ép xác” qua ngày để trả nợ”.


Dùng tiền thông minh với thu nhập 15 triệu đồng/tháng

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông La Văn Thái, chuyên gia tư vấn tài chính của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam cho rằng: “Việc tích góp tiền mua vàng tích trữ, làm của để dành ở thời điểm hiện tại là không phù hợp vì thị trường không ổn định, có thể thua lỗ từ việc mua đắt so với giá trị thực và hao hụt khi bán. Vay tiền ngân hàng để mua vàng tiết kiệm là quá sai lầm và tiềm ẩn rủi ro, chưa kể việc phải trả lãi suất cho ngân hàng. Nếu người mua không có trình độ và sự hiểu biết về lĩnh vực tài chính thì không nên mạo hiểm đầu tư mua - bán vàng trong thời điểm biến động này”. Theo tư vấn của vị chuyên gia này, hướng dùng tiền thông minh, hiệu quả của những cặp vợ chồng có thu nhập 15 – 20 triệu/tháng nếu muốn an toàn vẫn là gửi tiền tiết kiệm. Nếu mạo hiểm hơn thì có thể đầu tư bất động sản bởi hiện nay giá đất đang giảm dần.


(Theo Báo Gia đình & Xã hội)