Tổn thất điện năng cao là một trong những nguyên nhân chính khiến cho hiệu quả sản xuất điện giảm và gián tiếp làm tăng giá thành điện. EVN cho biết sẽ phấn đấu đưa tỷ lệ này xuống mức 6,5% trong 5 năm tới. 

2020 giảm tổn thất điện năng xuống mức 6,5%

Chia sẻ tại buổi toạ đàm về tổn thất điện năng tại Bắc Ninh hôm 30/7, ông Lê Việt Hùng, Phó Trưởng ban Kỹ thuật sản xuất, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cho biết về mục tiêu trên. 

Theo ông Hùng, giai đoạn 5 năm vừa qua (2011-2015), công tác giảm tổn thất điện năng của ngành điện gặp rất nhiều khó khăn. Mục tiêu được Chính phủ giao là giảm từ 10,5% năm 2010 xuống mức dưới 8% là một thách thức lớn. 

Ông Hùng cho biết, đây là giai đoạn mà các nguồn điện vẫn chưa cân bằng giữa các miền, lưới điện đầu tư còn hạn chế. Đặc biệt, trong khoảng 3 năm 2009-2012, để đảm bảo mục tiêu bán điện trực tiếp tới tất cả các khách hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, EVN phải tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn với khối lượng lớn rất lớn.

Trên thực tế, đã có năm tỷ lệ tổn thất điện năng của EVN thay vì giảm thì kết quả lại tăng. Đó là năm 2013, tỷ lệ tổn thất ở mức 8,87%, tăng thêm 0,02 điểm phần trăm so với mức 8,85% của năm 2012 mà nguyên nhân chính là ảnh hưởng từ việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn với tỷ lệ tổn thất lên tới 20-30%.

Việc thiếu điện ở miền Trung, miền Nam khiến cho đường dây 500kV Bắc- Nam phải truyền tải công suất cao từ Bắc vào Trung, Nam có những tháng gần như quá tải. Đây là thời kỳ căng thẳng nhất của ngành điện khi chịu nhiều sức ép, tổn thất cao, kinh doanh thua lỗ do cú sốc tăng tỷ giá trước đó. 

Tuy nhiên, ông Lê Việt Hùng cho biết, dù khó khăn như vậy xong kết quả, EVN đã hoàn thành được chỉ tiêu Thủ tướng giao, đưa tỷ lệ tổn thất điên năng đến năm 2015 chỉ còn mức 7,94%, giảm được 2,21% so với năm 2010. 

Giai đoạn 2016-2020, EVN đặt mục tiêu sẽ giảm tiếp 1,44% tỷ lệ giảm tổn thất điện năng, từ mức 7,94% hiện nay xuống mức 6,5% vào năm 2020. Trong đó, năm 2016, mục tiêu giảm tổn thất điện năng là còn 7,7%. 

Lưới điện lạc hậu, thách thức lớn cho điện miền Bắc

Hiện nay, EVN đã giao nhiệm vụ cụ thể tới 5 Tổng công ty điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) về chỉ tiêu này. 

Trong đó, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc có tỷ lệ tổn thất điện năng cao nhất, đang ở mức 6,68% phải giảm xuống 5% vào năm 2020. 

{keywords}

Chia sẻ về điều này, ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc nói: "Do lịch sử để lại, Tổng công ty miền Bắc là đơn vị có hệ thống lưới điện sớm nhất, từ năm 1954. Nhưng phải tới năm 1975, ngành điện mới có quy hoạch, mới phát triển bài bản, tổng thể về lưới, nguồn".

Do vậy, hệ thống lưới điện miền Bắc cũ kỹ cũng ảnh hưởng lớn đến mục tiêu giảm tổn thất điện năng. Năm 2013, đơn vị này còn tồn tại 21% tỷ lệ lưới điện trung áp 6kV, 10kV, đến năm 2015, mới giảm xuống còn 15%. Và mặc dù, chỉ chiếm 15% tỷ trọng lưới điện trung áp nhưng hệ thống lưới 6kV và 10kV này đã chiếm tới 22% tỷ lệ tổn thất điện năng ở cấp trung áp. Đơn vị cũng đang tồn tại 238 trạm biến áp trung gian chuyển đổi cấp điện áp 35kV trở xuống. 

Hệ thống lưới điện áp 6kV, 10kV và 15kV được đầu tư từ hàng chục năm nay, đến nay đã trở nên không hiệu quả trong việc vận hành phân phối điện. EVN đã có chủ trương phải nâng cấp toàn bộ hệ thống lưới điện phân phối lên cấp 22kV, 35kV trở lên để đảm bảo hiệu quả sản xuất và giảm tổn thất điện năng. Và để thực hiện được chủ trương này, theo ông Hồ Tuấn, Tổng công ty sẽ phải có thời gian để đầu tư, xoá bỏ dần dần. 

Công ty Điện lực Bắc Ninh, một trong 27 đơn vị trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc cũng cho biết, mục tiêu năm 2016 được giao là đạt tỷ lệ tổn thất 4,2% nhưng kết quả thực hiện 7 tháng đầu năm là 6,05%. Trong đó, lưới điện hạ áp có tỷ lệ tổn thất 7,03%, làm ảnh hưởng vào tổn thất chung của toàn công ty là 1,75%.

Rõ ràng, tỷ lệ trên vẫn là mức cao so với mục tiêu đề ra. Để đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, 5 tháng còn lại, điện lực Bắc Ninh sẽ phải khống chế mức tổn thất điện năng không quá 1,71%. 

Một trong những khó khăn đặc thù ở tỉnh Bắc Ninh là quá tải lưới điện với hàng trăm các máy biến áp bị quá tải, non tải, lệch pha... nên việc chống quá tải là một ưu tiên số 1. 

Đến nay, điện lực Bắc Ninh đã đóng điện và san tải được 79 trạm biến áp, hoán đổi và nâng công suất 105 máy biến áp bị quá tải, non tải, đồng thời, lập phương án cân pha, san tải 145 trạm biến áp bị lệch pha gây quá tải đường dây. 

{keywords}

Từ nay đến cuối năm, đơn vị còn phải đóng điện san tải 14 trạm biến áp, lập phương án cân pha, san tải đối với 200 trạm biến áp nữa. Ngoài ra, điện lực Bắc Ninh còn phải bổ sung 15km cáp hạ thế để tăng cường cho các lộ xuất tuyến hiện nay đang bị quá tải. 

Ông Lê Việt Hùng cũng cho biết, nguyên nhân chính dẫn tới tổn thất điện năng còn cao chính là yếu tố kỹ thuật, vận hành... 

Để đạt được mục tiêu trên, Tập đoàn đã quán triệt tới từng đơn vị 6 nhóm giải pháp đồng bộ phải rốt ráo thực hiện từ khâu tổ chức, quản lý vận hành kỹ thuật, kinh doanh cho đến đầu tư xây dựng, tăng cường quản lý các vi phạm về sử dụng điện, trong đó, khâu quản lý kỹ thuật vận hành được đặc biệt chú trọng. 

Phạm Huyền