Từ những chất liệu chân thật của cuộc sống, “4 phút kỳ diệu” đã truyền tải trọn vẹn ý nghĩa thiêng liêng của 2 tiếng “gia đình” và khơi dậy những cảm xúc thật nhất trong trái tim mỗi người.

Sự gợi nhắc tinh tế về yêu thương

Trong xã hội Việt Nam hiện đại, thời gian dành cho gia đình dường như dần ít đi nhường chỗ cho các cuộc gặp gỡ bạn bè; những khoảng thời gian chăm chú vào chiếc điện thoại, màn hình laptop để xem phim, nghe nhạc hay cuốn theo một câu chuyện nào đó trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, gánh nặng cơm áo gạo tiền cũng làm cho mọi người bận rộn hơn, các mối quan hệ gia đình cũng vì vậy mà trở nên xa cách hơn.

Vào chính thời điểm này, thực nghiệm của Prudential ra đời như một sự gợi nhắc tinh tế về những yêu thương vẫn luôn hiện diện trong lòng mỗi người, từ đó hàn gắn những gắn kết đã phần nào bị nhạt phai.

“Anh nhận thấy mình đã đi một chặng đường dài, em vẫn như ngày nào, nhìn vào mắt em, vẫn thấy rõ sự quyết liệt và rõ ràng. Anh tin rằng đó cũng là sự quyết liệt trong tình yêu mà hai vợ chồng mình dành cho nhau”, anh Xuân Sang, một người tham gia thực nghiệm chia sẻ.

Dựa trên nghiên cứu có thật

Phim ngắn “4 phút kỳ diệu” được dựa trên thực nghiệm xã hội đầy tính nhân văn công bố năm 1997 của giáo sư Arthur Aron (chuyên ngành Thần kinh học, ĐH Stony Brook). Ông chứng minh rằng, chỉ cần dành 4 phút nhìn sâu vào mắt đối phương, con người sẽ cảm nhận được sự gắn kết kỳ diệu.

Thực nghiệm được Prudential áp dụng trên các mối quan hệ khác nhau trong gia đình: vợ chồng, bà cháu, con cái và ba/ mẹ với mục đích đánh thức những yêu thương đang dần phai nhạt. Chỉ với 4 phút nhìn sâu vào mắt đối phương nhưng đủ để hai người có thể thấu hiểu nhau hơn, trân trọng hơn những kỉ niệm đã có bên nhau, từ đó đem lại sự gắn kết tâm hồn thật sâu sắc.

Với việc tập trung vào nhiều mối quan hệ khác nhau trong gia đình, đoạn phim thấm đượm tính nhân văn và đặc biệt đã bổ sung đầy đủ thêm cho thực nghiệm nguyên gốc của giáo sư Arthur.

Người thật, việc thật

Chỉ vỏn vẹn 7 phút lên hình nhưng cả đoàn phim phải mất ròng rã một tháng trời, chủ yếu là để đi tìm những câu chuyện, những hình mẫu thật. Đó là vợ chồng anh Thanh Phương, gia đình chị Kim Mỹ, bạn Kim Như và bà ngoại của mình, anh Đức Trung và mẹ nay đã ngoài 60… Họ ở độ tuổi khác nhau, làm những công việc không giống nhau: luật sư, nhân viên văn phòng, nội trợ…

Tuy không phải là diễn viên chuyên nghiệp nhưng họ mang đến những câu chuyện, những nỗi niềm riêng rất thật. Thế nên, mỗi câu chuyện đều khiến người xem cảm giác gần gũi, bởi sự “giống giống” đâu đó đang hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày.

Cảm xúc thật

Những giọt nước mắt bất chợt rơi của người mẹ thương con mình vất vả, cái nhìn chất chứa yêu thương của người cha Quốc Lợi dành cho con trai Anh Khoa, giây phút xúc động của đứa cháu nhỏ Kim Như khi nhận ra những buồn phiền chất chứa trong lòng bà… Tất cả như những mảnh ghép cảm xúc được góp nhặt, chắp nối một cách ngẫu nhiên mà hoàn hảo trong bức tranh tình cảm gia đình khiến người xem phải thổn thức.

Đó cũng là lý do khiến đạo diễn người Thái - Jo King chia sẻ sau khi thực hiện đoạn phim, “Trước mỗi lần quay, tôi đều không tài nào biết trước được chuyện gì sẽ diễn ra đối với từng cặp. Họ sẽ xử sự như thế nào, và bộc lộ cảm xúc của bản thân như thế nào, chúng tôi không hề đoán trước điều gì, điều chúng tôi làm là chờ đợi điều kỳ diệu xảy ra”.

Hành động thật

Không dừng lại ở những lượt chia sẻ, những bình luận trên mạng xã hội, đoạn phim còn làm nên điều kỳ diệu khi tạo ra những giá trị nhân văn sâu sắc với những hành động thiết thực.

Anh Thành Nhân (ngụ Quận Bình Thạnh) đã quyết định dành thời gian nghĩ phép về quê thăm mẹ cha; chị Hoài Thường (q.Gò Vấp) đã dời ngay cuộc hẹn với bạn bè để trở về nhà và tự tay vào bếp chuẩn bị món mà bố mình yêu thích, hay “kế hoạch” hẹn hò đầy lãng mạn của anh Thanh Long (ngụ Di Linh) dành cho người kề ấp tay gối.

{keywords}

Hạnh phúc sẽ mỉm cười khi chúng ta tìm lại những cảm xúc bị lãng quên

Có người nói trong cuộc sống hiện đại rất dễ bắt gặp những phiên bản lỗi của yêu thương, thì có lẽ “4 phút kỳ diệu” đang “lập trình” lại những mảnh vụn cảm xúc đó, để sự viên mãn, ấm cúng lại tìm về với từng mảnh đời, từng tổ ấm, và từng ngóc ngách của cuộc sống.

Với những hiệu ứng dường như vượt xa mong đợi của ê kíp thực hiện, nhưng sự lan tỏa tưởng chừng như khó có thể xảy ra ấy lại đáp ứng được kỳ vọng của xã hội về việc tôn vinh những giá trị tình cảm cao đẹp nhất. Không ít khán giả sẽ khó mà quên được trải nghiệm 4 phút kỳ diệu với chính mình - bắt đầu với ánh nhìn sâu vào đôi mắt như cái chạm khẽ khàng vào yêu thương…

Thúy Ngà