Theo chân về nhà chồng, coi như các cô gái đã bước sang một trang mới và phải tuân thủ những quy tắc trong gia đình mới. Nhưng có những quy tắc oái oăm khiến nhiều cô dâu cảm thấy rất khổ sở, nhất là việc bố mẹ chồng "siêu tiết kiệm".

Tiết kiệm, tiết kiệm triệt để

Đó là khẩu hiệu trong mỗi bữa cơm ở gia đình chồng Hoa. Ban đầu mới về nhà chồng, Hoa cũng chỉ nghĩ đó là ý tốt của bố mẹ chồng muốn dành dụm cho con cháu nên mới thế, nhưng về sau cô bỗng sợ vì cái sự tiết kiệm của họ trở nên thái quá. Gia đình thì giàu sang, ngôi nhà năm tầng chễm chệ nằm ở phố lớn, xe ô tô vào tận cổng, nội thất trong nhà không thiếu thứ gì nhưng bữa ăn thì lèo tèo vài món không đủ gắp. "Đậu phụ, giá xào là món truyền thống của gia đình, thêm bát canh lơ thơ thịt với mấy cọng cải, thế là xong bữa".

Chưa hết, mỗi lần mẹ chồng mua thịt, bà đều đếm miếng trước khi đưa cho Hoa làm, nhìn cảnh đó Hoa rất kinh ngạc. "Ở nhà mẹ đẻ mình muốn ăn bao nhiêu thì tùy, vì là con cái nên bố mẹ không tiếc nhưng về nhà chồng thì hoàn toàn ngược lại. Kêu thì bảo là nói xấu mẹ chồng nhưng khổ nỗi bà quá keo kiệt chứ không phải tiết kiệm", Hoa phân bua. Mỗi lần, Hoa trót mua thêm thức ăn về là mẹ chồng lại kêu tốn tiền, rồi bà bóng gió Hoa chê thức ăn mẹ nấu... Về nhà giàu có, những tưởng Hoa sung sướng, béo tốt, ai ngờ cô ngày càng gầy gò, xấu xí hơn. Sống trong ngôi nhà to rộng, đồ đạc tiện nghi nhưng Hoa cảm giác lạc lõng mỗi khi ngồi bên mâm cơm với lời tuyên thệ "tiết kiệm, tiết kiệm triệt để".

Chiến dịch tiết kiệm của mẹ chồng khiến cô con dâu mới choáng váng. Một ảnh trong phim Tết siêu tiết kiệm. Ảnh: Thời trang trẻ

Cùng chung cảnh bố mẹ chồng "siêu tiết kiệm" là câu chuyện của Thu. Quen sống kiểu tiểu thư thoải mái ở nhà nên về nhà chồng, Thu bị sốc trước cảnh sinh hoạt quá tằn tiện. Nào là mùa đông ba ngày mọi người mới được tắm một lần, rồi chính sách hạn chế tiền mua quần áo. Để thực hiện việc này, mẹ chồng Thu đã lên kiểm kê quần áo của cô rất rõ ràng. Hay để tiết kiệm xà phòng, mỗi lần Thu mang quần áo đi giặt, mẹ chồng lại đi theo, nấu ăn thì phải thật nhạt để tiết kiệm gia vị, thậm chí giờ giấc tắt điện cũng được bố mẹ chồng biến thành quy tắc... Nói chung, ở nhà chồng Thu phải tiết kiệm đủ thứ, ban đầu Thu còn chịu đựng và ngoan ngoãn nghe lời nhưng về sau Thu cảm thấy bất tiện nên sinh ra bất bình.

"Sống thế thì ai mà sống được, giữa cái thời đại này mà ngày nào mẹ chồng cũng bắt 9 giờ tối tắt điện đi ngủ, rồi bắt con mang máy tính đến cơ quan sạc cho đầy pin để mang về nhà dùng. Nhiều thứ quá đáng đến mức tôi muốn góp ý nhưng mỗi lần góp ý mẹ lại giận dỗi, tỏ ý không hài lòng. Cứ như vậy thì tôi biết phải làm sao?", Thu thở dài.

Những khoản "siêu tiết kiệm" của nhà chồng đã khiến Thu và anh xã vô cùng mệt mỏi, là phận con cái họ đành ngậm ngùi chịu đựng, nhưng con sóng bất bình trong họ vẫn đang âm ỉ và chờ một ngày bùng phát.

Chịu đựng hay góp ý từ từ?

Trước tình huống bố mẹ chồng sống "siêu tiết kiệm", không chỉ có những người vợ bất bình mà đến cả những người chồng cũng cảm thấy rất khó chịu. Nhiều người đã tìm cách "lách luật" để thoát khỏi tình cảnh khóc dở mếu dở, nhiều người thì nén chịu vì nghĩ "âu cũng là bố mẹ lo lắng" cho mình, nhiều người thì phản kháng không khéo léo gây ra những mâu thuẫn, thậm chí nhiều cặp vợ chồng thiếu kinh nghiệm ứng xử đã quay ra giận dữ rồi cãi nhau...

Gia đình anh Trung, chị Mai cũng rơi vào trường hợp bố mẹ chi li từng đồng nên họ cảm thấy rất ngột ngạt. Chuyện chi tiêu của hai vợ chồng cũng bị bố mẹ can thiệp, ví dụ như quà tặng sếp, bố mẹ anh cũng đòi tự mình đi mua rồi đưa về nhà những món đồ không giá trị khiến anh Trung một phen xấu mặt với đồng nghiệp. Từ hôm đó, chị Mai tỏ thái độ bất bình với chính sách "siêu tiết kiệm" của bố mẹ chồng ra mặt. Chị bực dọc: "Hôm đó mình cũng phải đi cùng chồng đến nhà sếp, thấy mọi người quà cáp tử tế mà mình xấu hổ. Lão chồng chỉ vì nghe lời bố mẹ mà ảnh hưởng đến cả vợ con, đã vậy, khi về nhà mình tỏ thái độ thì chồng cứ bênh bố mẹ". Từ hôm đó, chị Mai không ăn cơm cùng với gia đình chông, không khí gia đình đã kém vui nay càng kém vui hơn.

Còn nhà chị Hiên, khó chịu với những chính sách oái oăm của bố mẹ chồng, chị tìm cách kéo chồng ra ở riêng. Mới nghe anh chồng đã kêu ầm lên là không đồng tình nhưng sau khi nghe những phân tích của vợ, anh đồng ý. Cả hai vợ chồng bàn bạc với bố mẹ nhưng không ai đồng ý với quyết định này. Chị Hiên có cáu giận chồng thì anh cũng chịu vì anh sợ làm tổn thương đến cha mẹ.

Không giống như cách ứng xử của những gia đình trên, vơ chồng chị Miên lại chọn cách ứng xử khá thú vị với kế hoạch "siêu tiết kiệm" của nhà chồng. Nắm bắt được tâm lý tiết kiệm của mẹ chồng, chị Miên thường tự mua đồ về tặng mẹ rồi nói dối rằng đó là món đồ được giảm giá. Ví dụ, khi mặc một chiếc áo đẹp tôn dáng của mẹ chồng, chị Miên lại xuýt xoa: "Cái áo này bán giá khuyến mại đấy mẹ, chứ giá thật thì đắt lắm, nhưng con nghĩ tiền nào của đấy mẹ ạ, có những thứ tiết kiệm thì tốt nhưng có cái lại không tốt", hay như mua cam ngon chị cũng nói dối là giá rẻ để mẹ chồng không phải phiền lòng. Hoặc muốn thuê người giúp việc, chị nhẹ nhàng xin ý kiến bố mẹ chồng. Chị mách mẹo: "Khi nghe chuyện thuê người giúp việc, chắc chắn bố mẹ chồng sẽ phản đối, nhưng mình cứ tỉ tê đánh trúng những sở thích của bố mẹ là sẽ được ngay. Hơn nữa, muốn mau chóng thoát khỏi tình trạng sống tằn tiện của bố mẹ chồng thì mình cứ từ từ khéo léo góp ý". Chính sách ứng xử khéo léo của chị Miên đã giúp không khí gia đình thêm ấm cúng và chị không phải sống cảnh "siêu tiết kiệm" ở nhà chồng như nhiều chị em khác.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Hòa Bình cũng gợi ý, các chị em nên tìm những người bạn thân của bố mẹ chồng, vì tiếng nói của họ rất có trọng lượng. Thêm vào đó, chuyên gia cũng cho rằng vai trò của người chồng rất quan trọng, vì anh là cầu nối giữa con dâu và bố mẹ chồng trong mọi việc. Đó là những cách giúp chị em tự tin ứng xử với cách sống "siêu tiết kiệm" ở nhà chồng.

5 cách ứng phó với bố mẹ chồng siêu tiết kiệm

- Không thể hiện sự bất bình ra mặt.

- Quan sát tỉ mỉ cách sống của bố mẹ chồng để đưa ra cách ứng phó hiệu quả, như khéo léo mua đồ và chọn đồ cho bố mẹ chồng và biết nói những lời dễ nghe.

- Chiêu trò khích tướng bằng việc để bố mẹ chồng đến chơi nhà những người hàng xóm có cách sống thoải mái.

- Kéo chồng về làm đồng minh.

- Nhờ sự giúp đỡ từ những người bạn thân của bố mẹ chồng.


(Theo GĐ&TE)