Họ là những người đã bước sang tuổi 40, 50 nhưng chưa lập gia đình. Khi yêu, họ lại có những đòi hỏi quá đáng cho bản thân mà không hiểu tâm lý, hoàn cảnh đối phương. Chính điều đó đã khiến nhiều cuộc tình tan vỡ.

Chị BT (quận Bình Thạnh, TP.HCM) 45 tuổi, khao khát một mái ấm gia đình bao năm nay nhưng vẫn chưa thực hiện được. Mặc dù ngoại hình hơi “khiêm tốn”- chỉ cao 1,4 m và nặng 38 kg - nhưng với cái mác “chưa chồng”, chị cũng được không ít người theo đuổi. Có điều họ đến và đi nhanh chóng vì không chịu được kiểu tình yêu của chị.

U 50 nhưng… tình yêu 18

Bạn cùng nhà của chị BT kể: “Chị ấy yêu lạ lắm, 45 tuổi rồi mà nhõng nhẽo như con nít, đi đâu cũng đòi bạn trai chở đi, đêm về đòi bạn trai nhắn tin đến 1, 2 giờ sáng mới ngủ. Nếu người đó không đáp ứng được thì chị bảo “anh không yêu em” rồi ghen bóng ghen gió rằng anh thích nhắn tin cho người khác hơn. Cả cách ăn mặc của chị ấy cũng theo lối “cưa sừng làm nghé” với áo ôm, quần lửng hoặc váy ngắn màu sắc rực rỡ...”.

Dịp lễ tình nhân vừa qua, bạn trai chị (gần 60 tuổi) đến chơi. Thấy anh chỉ cầm một gói quà, chị hỏi thẳng: “Sao anh không tặng hoa cho em?”. Tiếp đó, chị kể ra một loạt tên người yêu của các cháu, nào là thằng A tặng bó hoa to đùng cho con B, thằng C tặng hoa lẫn quà cho con Z… rồi đem ra so sánh với mình. Nghe chị trách móc trước mặt mọi người, bạn trai chị chợt sững người lại.

Người bạn cùng nhà của chị thật thà kể: “Em và con chú ấy (tức bạn trai chị BT) là bạn học với nhau. Mẹ bạn ấy đã đi theo người đàn ông khác nhiều năm qua, để lại chú gà trống nuôi con. Thấy vậy, bọn em quyết định làm mai. Nhưng chú bảo chú cần một người biết quan tâm, săn sóc cho nhau chứ không cần một “cô gái 18” vô tâm, hay đòi hỏi, nũng nịu. Có lần chú đã tâm sự với bọn em rằng tuổi già cần có bạn tâm giao để chia sẻ chứ kiểu tình yêu như tụi cháu đã xa lắm với thời của chú rồi…”.

Em là “cách cách”

Trường hợp chị KT (50 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) lại khác. Từ nhỏ đã trở thành con nuôi của một người đàn ông không vợ con ở TP.HCM, KT như một “cách cách”, được cha nuôi chiều chuộng hết mực, không phải làm gì. Năm KT đến tuổi lấy chồng thì cha nuôi cũng đã già, sợ con nuôi lấy chồng không ai chăm sóc mình nên những người con trai đến với chị đều bị ông chê lên chê xuống, nào là “gia đình không tương xứng”, “thằng đó ít học”, “anh này xấu trai”… Cứ vậy, thời gian qua đi mà chị vẫn không có một mảnh tình vắt vai.

Tài sản của người cha nuôi tương đối lớn nhưng do tiêu tốn quá nhiều vào việc điều trị bệnh tật những năm cuối đời nên đến lúc ông mất, mớ tài sản ấy đã cạn kiệt. Từ một “cách cách” sống trong nhà cao, cửa rộng, chị KT phải ra ở trọ và tự lập. Lúc này chị mới thấy trống vắng, cô đơn và cần một mái ấm gia đình. Tuy nhiên, mẫu đàn ông mà chị chọn cũng theo mẫu của cha nuôi: gia đình giàu có, phải có khả năng cho chị một cuộc sống sung sướng…

KT tuyên bố thẳng: “Phải lấy ai nuôi được mình chứ giờ lấy người nghèo, không nhà cửa về sao sống được. Mà nhà nhỏ điều kiện sống không tốt cũng chẳng ở được với nhau lâu…”.

Một người bạn của chị tâm sự: “Có lần tôi làm mai một người đàn ông góa vợ gần 60 tuổi cho chị. Lúc đưa người này đến gặp, chị không ngần ngại hỏi ngay thu nhập của anh. Người đàn ông này thật thà cho hay anh làm bảo vệ cho công ty, mỗi tháng được tầm 3 triệu đồng, có nhà nhỏ ở quận 8, TP.HCM. Vừa nghe vậy, chị nói một lèo rằng ngày chưa được 100.000 đồng thì làm sao lo được cuộc sống cho hai người. Anh làm sao ít nhất cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng/ngày mới hỏi cưới em được. Nghe câu đó, không những ông bạn kia mà ngay cả tôi cũng sốc. Tuổi già cần dựa vào nhau để sống, cũng phải công bằng nồi nào vung nấy chứ bản thân chị đã đi ở trọ, thu nhập không có mà còn đòi hỏi cao sang thì mấy ai đáp ứng được”.

Hủy đám cưới vì cô dâu “chảnh”

Ông NHĐ, 62 tuổi (quận Thủ Đức, TP.HCM) kể lại: “Vợ tôi mất cách đây gần 20 năm, một mình tôi ở vậy nuôi con. Nay các cháu đều lập gia đình, tôi cần có người tâm sự, sẻ chia, chăm sóc nhau lúc đau ốm chứ không muốn sống thui thủi một mình. Qua một người bạn, tôi quen với cô HT, 51 tuổi, chưa có gia đình. Quen nhau được ba tháng, tôi ngỏ ý mời cô ấy về sống chung thì cô đòi phải làm đám cưới long trọng, mặc đồ lộng lẫy, có xe hoa sang trọng.

Tôi nói rõ quan điểm của mình rằng chỉ nên làm vài mâm cỗ mời bạn bè, người thân tới chung vui chứ không thể làm lớn khi đã đi bước nữa, tuổi lại lớn vì sợ thiên hạ, con cái cười chê. Vậy nhưng cô ấy cứ nằng nặc đòi làm theo yêu cầu vì “trong đời chỉ cưới một lần, phải làm cho hoành tráng”. Sau một thời gian, biết không thể chiều theo những yêu cầu của người bạn đời tương lai, không chỉ chuyện cưới hỏi mà còn nhiều chuyện phi lý khác nên tôi quyết định chấm dứt”.

Nói là vậy nhưng sau khi ông không liên lạc thì cô T. lại liên tục nhắn tin trách móc...

Tuổi xế chiều nên yêu thế nào?

Ở mỗi độ tuổi, biểu hiện tình yêu có sự khác nhau.

Cách thể hiện tình yêu ở tuổi xế chiều cũng không giống tuổi trẻ, thậm chí bản chất cuộc yêu cũng khác rất nhiều, vì tình yêu “xế chiều” không còn mang nặng yếu tố tính dục, mà đề cao giá trị tinh thần. Sự tương đồng về quan điểm, niềm tin, giá trị sống và sở thích là những điều quan trọng nhất. Do đó, mọi áp lực do một trong hai áp đặt cách nghĩ của mình lên người kia, những ràng buộc, quy định, sự phàn nàn, vòi vĩnh, giám sát, sở hữu… chỉ làm cho người trong cuộc mỏi mệt và phiền não. Và như vậy, tình yêu chóng tàn là điều tất yếu.

Đáng tiếc là có một số đối tượng suốt đời mãi đi tìm cái hoàn hảo, một loại hoàn hảo của “mộng tưởng, ảo ảnh” trong khi chính họ lại không định vị được bản thân, không hiểu rõ mình, không biết mình muốn gì và đang tìm gì cho cuộc đời mình.

ThS tâm lý NGUYỄN THỊ TÂM,
Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tâm lý Hồn Việt

(Theo PL TPHCM)