- Mấy hôm nay, báo mạng lại rộ lên về một chuyện không đáng phải "lùm xùm" của cô bé Quỳnh Anh đi thi Vietnam’s Got Talent cùng bà mẹ "nổ"..., xin ghi lại một đoạn ngắn trên Vietnamnet:
Ngày 24/2, website của trường quốc tế, nơi mẹ Quỳnh Anh làm việc, đăng tải bức thư tay của Quỳnh Anh gửi đến Quốc hội. Người viết thư tố cáo nhà sản xuất chương trình Vietnam’s Got Talent đã cắt ghép tiết mục “Tình mẹ” của em trong tập 7 vòng loại sân khấu, biến chuyện cô bé 15 tuổi đi thi hát trở nên lố bịch để gây scandal.
Quỳnh Anh cũng chia sẻ, sự việc này khiến cho gia đình em bị khủng hoảng tinh thần, và khiến em phải trải qua 240 giờ sống trong sợ hãi.
Nội dung bức thư gửi tới Quốc hội của Quỳnh Anh khiến cho dân cư mạng xôn xao. Số đông cho rằng đây không phải là một bức thư của một cô bé 15 tuổi vì lời lẽ sắc bén và sâu cay. Những người khác đoán đây chắc là do "sự xúi giục của bà mẹ".
“Bà này đã 'giết' con một lần, giờ lại xúi nó thế này khác gì 'giết' tiếp phát nữa". “Tội nghiệp cô bé 15 tuổi, chỉ tại mẹ Ngọ thôi”, nhiều người bày tỏ sự thương hại đối với Quỳnh Anh qua các mạng xã hội.
Nickname Moon@... viết: Cuộc sống của cháu chắc chưa gặp một khó khăn gì phải không? Nên cháu không biết vượt qua, không biết đối mặt, chỉ biết 'vẫy vùng trong đau khổ' như cháu nói. Cháu sống giàu có, hạnh phúc mà chắc chắn rất nhiều cô bé 15 tuổi như cháu mơ ước mà không bao giờ được. Cháu học ở trường quốc tế mà mẹ cháu là hiệu trưởng, được mẹ nâng như nâng trứng, được thầy cô vỗ về chứ không phải như các em khác đi học. Nên cháu nhìn cuộc đời cũng như cuộc sống của cháu, đó là ai cũng phải vỗ về cháu, nâng bốc cháu. Đó là sai lầm to lớn mà gia đình cháu đã làm với cháu. Cháu được thương kiểu 'ghét' nên cháu cũng lệch lạc theo tình thương đó. Thay vì bỏ học để viết một lá thư nhảm nhí gửi lên Quốc hội để mọi người lại thêm một trận cười đau bụng, thì cháu nên ráng học hành nên người, ráng luyện thanh cho tốt để sau này làm ca sĩ nhé cháu.
Quỳnh Anh và mẹ |
Đọc xong đoạn này, mình chợt nhớ đến câu "cửa miệng" của các cụ: "Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi"..., thực sự hồi nhỏ mình cũng lấy làm khó hiểu: tại sao các cụ lại nghĩ và hành xử như vậy?
Nhớ lại hồi mình còn nhỏ, mỗi khi thấy các anh mình và mình đánh/cãi nhau với con hàng xóm, việc đầu tiên của mẹ là lôi con mình về "cho một trận", dù biết con mình đúng mười mươi, dù bà rất ít khi đánh con, cùng lắm chỉ cho ăn vài "con lươn" vào mông. Bà rất kỵ cái kiểu bênh con chằm chặp trước mặt mọi người.
Hồi mình đang học lớp 9/10, mình được báo cáo điển hình toàn trường về thành tích học tập bộ môn tiếng Nga. Nhà trường tổ chức một đoàn giáo viên đến thăm hỏi gia đình các em được báo cáo điển hình, các thầy giáo phần lớn còn rất trẻ, chỉ khoảng ngoài 20 tuổi, trong đó có thày Đức dạy toán (chủ nhiệm lớp).
Hôm đó, mẹ mình được dịp "tố" đủ mọi thứ tội của mình với thầy cô giáo: nào là từng ấy tuổi mà còn mải chơi, chuyên môn chơi lò cò với trẻ con, nào là lười biếng, mỗi lần nấu cơm không sống thì khê "nó chỉ mải mê nghịch ngợm, vạch vạch cái hình gì trên nền bếp, đến nỗi cơm khê cũng chẳng biết" vv và vv.
Ở bên ngoài, nghe mẹ nói với các thầy giáo trẻ như vậy mà tức đến nổ ruột: Mẹ biết đâu lúc đó là mình tranh thủ vừa nấu cơm vừa lấy than củi "vạch vạch" lên nền bếp, tìm cách chứng minh một bài hình học? Con của mẹ được chọn đi báo cáo điển hình toàn trường đấy. Lại nữa, dù sao mình cũng là con gái 16, 17 tuổi rồi, các thày thì còn rất trẻ... mà mẹ chẳng biết giữ sỹ diện cho con gái, sao mẹ chẳng tâm lý với mình?
Thế là cả buổi chiều hôm đó, mình nằm khóc một mình và nhất định "tuyệt thực" luôn bữa cơm chiều...
Những ngày sau, càng cảm thấy ngượng với các thầy giáo, mình càng quyết tâm học giỏi để chứng mình với các thầy: lời của mẹ là không đúng, là bất công với em, các thầy ạ.
Một chuyện khác: có lần mình sáng tác một vở kịch để lớp mình diễn khá công phu. Tuy nghĩ rằng viết như vậy là hay rồi, nhưng mình vẫn cẩn thận đưa cho anh mình, chắc mẩm thế nào cũng được anh khen, không ngờ sau khi xem xong, ông anh liền phán một câu xanh rờn:... Phải viết lại từ đầu rồi đưa lại cho anh xem... Thật đúng là " một gáo nước lạnh" dội vào ngọn lửa nhiệt tình của mình... Nhưng cũng nhờ thế mà sau này vở kịch của lớp mình giành được giải A.
Chồng mình cũng thường kể chuyện về quan điểm của mẹ anh đối với sự học hành của con cái: trong sổ liên lạc giữa nhà trường và gia đình của anh, mẹ thường hay nhận xét anh lười lao động, lười học... Mỗi khi con có thành tích học tập nào đáng ghi nhận, ví dụ như đứng nhất nhì lớp, thi đỗ vào đại học vv, hàng xóm, bạn bè đến chúc mừng thì cụ dửng dưng: "Học thì phải thi, thi thì phải đỗ, có gì lạ đâu?".
Mãi sau này mình mới vỡ lẽ: đấy chính là lúc các cụ... "thương cho roi cho vọt" các con của mình. Thiết nghĩ cách dạy con của các cụ rất đáng để mọi người suy ngẫm, và là một bài học bổ ích cho các bậc làm cha mẹ trẻ hiện nay thường có xu hướng coi các con mình là cái "rốn của vũ trụ".
Lời kết:
Chuyện của cháu Quỳnh Anh và mẹ cháu làm mình nhớ tới một câu nói của nhà văn Liên Xô, đại ý: "Giá trị con người là một phân số mà mẫu số là sự tự đánh giá về họ". Lại nhớ đến truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du: người Việt ta, ai ai cũng công nhận đó là một tác phẩm bất hủ, vậy mà cụ Nguyễn Du lại cho tác phẩm của mình chỉ là:
"Lời quê chắp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh"
(câu kết của truyện Kiều)
Sự khiêm nhường này của cụ làm mọi người càng thấy cụ thật vĩ đại!
Độc giả Kim Chi