Nhiều gia đình phải chi cả tiền triệu ra mới có được một osin ưng ý, nhưng ngay khi hết hạn hợp đồng, osin đã “lặn không sủi tăm”.


Để tìm được một người giúp việc (osin) như ý, nhiều gia đình đã phải bỏ ra từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng khoản tiền gọi là “phí trung gian” cho trung tâm hoặc người môi giới. Tuy nhiên, không ít bà nội trợ tá hoả, thậm chí nổi sùng khi biết tin osin vừa được mình đích thân đào tạo cho quen việc dứt áo ra đi không một lời từ biệt khi hết hạn hợp đồng.

Thông thường, trước khi đón osin về nhà từ trung tâm giới thiệu việc làm, chủ các gia đình sẽ phải kí một bản hợp đồng giao kèo với họ mà trong đó có quy định rõ khoảng thời gian osin sẽ làm việc tại gia đình này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, đa số các trung tâm cung cấp osin đều kí hợp đồng kéo dài 3 - 6 tháng với gia chủ và người lao động.
Ảnh: VTC News
Trong khoảng thời gian 3 - 6 tháng “thử việc” này, nếu người lao động cảm thấy không yêu thích hoặc không phù hợp với công việc đó thì họ có thể xin chuyển sang lĩnh vực khác trong khi chủ nhà chỉ được đổi người giúp việc khi họ chịu mất thêm một khoản phí nữa. Khoản phí bồi thường cho việc phá hợp đồng này thường dao động trong khoảng từ 200.000 đồng – 500.000 đồng.

Với những gia đình may mắn, tìm được osin ưng ý ngay từ đầu, chủ nhà thường không tránh khỏi nỗi lo bị trung tâm giật mất “cánh tay phải” của mình khi hết hạn hợp đồng lao động.

Tại một số trung tâm “ma” ở Hà Nội, gần tới ngày hết hợp đồng, nhân viên của họ thường tới tận nơi để “dụ dỗ” osin bỏ việc, sang nhà khác làm với mức lương cao hơn. Đương nhiên, điều này sẽ có lợi cho cả đôi bên – người lao động và trung tâm môi giới – khi họ bắt tay nhau cùng “chơi khăm” gia chủ. Khi đó, chủ nhà bị ép tới mức chỉ còn cách tăng lương cho osin, thưởng thêm cho kẻ môi giới hoặc mất toi thêm một khoản phí trung gian nữa để rồi lại đào tạo osin mới từ đầu.

Theo ước tính của ông Trần Duyên Hải, Giám đốc Trung tâm dạy nghề nhân đạo tạo việc làm cho trẻ em tàn tật Việt Nam, mặc dù có tới 90% osin tại trung tâm của ông là do địa phương gửi lên trung tâm, nhưng trung bình 1 ngày vẫn có khoảng 5 người bỏ việc, 1 tháng khoảng 30% osin từ bỏ công việc hiện tại của họ. Nếu so với 10 năm về trước, con số này chỉ là 5%. Không chỉ có phụ nữ mới đi làm osin, hiện nay, nhiều đấng mày râu cũng kiêm nhiệm luôn cả công việc này, nhưng con số đó chỉ chiếm khoảng 5% tổng số người giúp việc trên địa bàn Hà Nội.

Cũng theo tiết lộ của ông Hải, nhiều khi chủ nhà quá xem trọng bản hợp đồng chỉ có tính giao kèo, thoả thuận đó nên khi osin bỏ việc, họ tới bắt vạ trung tâm, đòi lại khoản “phí trung gian” đã nộp. “Tuy nhiên, nếu trót dại tìm tới các trung tâm không có uy tín trên địa bàn Hà Nội, khi osin bỏ việc, chủ nhà thường bị mất trắng khoản phí trung gian đó” - ông Hải cho biết thêm.

Bên cạnh đó, không ít osin lợi dụng sơ hở trong câu từ in trên bản hợp đồng kí với trung tâm mà “bắt nạt” chủ nhà. Chẳng hạn, có osin thẳng thắn nói với chủ: “Trong bản hợp đồng  chỉ ghi là tôi sẽ được trả 2,5 triệu/tháng, bao ăn uống, làm giờ hành chính. Do vậy, nếu chủ nhà muốn tôi làm thêm ngày Chủ nhật thì phải tăng thêm tiền”.

Nhiều osin làm lâu năm còn hùa nhau lên “dây cót” chủ nhà về chuyện lương lậu - (Ảnh: Internet)

Có osin lại vặn vẹo sao cho chủ bức xúc, tự ý phá hợp đồng lao động trước để gánh khoản tiền phạt thay họ. Chẳng hạn, có người lấy lý do đã lớn tuổi, sức yếu, đòi hoặc gợi ý chủ nhà mua thêm thuốc bổ, có người lại lười biếng, nhưng luôn so sánh mức lương của mình với osin nhà khác hoặc cùng với những osin đó, hùa nhau lên “dây cót” chủ nhà về chuyện lương lậu. Số khác, một khi đã quen việc trong gia đình là chảnh choẹ, đòi tăng lương. Ông Hải cho biết: “Bất cứ osin nào cũng có những ham muốn về vật chất. Mặc dù chúng tôi đã định mức lương 2,5 triệu đồng/tháng – mức được là cho hợp lý với thị trường lao động, nhưng nhiều người vẫn kêu thấp, đòi tăng lương lên 3 – 4 triệu đồng/tháng, giảm giờ làm.

Bình thường theo quy định, trong 6 tháng lao động, osin được nghỉ 7 ngày và chỉ được nghỉ thêm khi có việc đột xuất (người nhà đau ốm, qua đời, …) và đã báo trước với trung tâm để chúng tôi kiểm chứng thông tin. Tuy nhiên, cũng có 1 số osin đòi nghỉ làm ngày thứ 7 hoặc Chủ nhật, đòi ngày chỉ làm 8 tiếng mặc dù dọn dẹp nhà cửa không phải là công việc quá vất vả, hay quá tốn thời gian”.

Nhận định về chất lượng osin Việt so với thế giới, ông Hải quả quyết: “Các osin trên thế giới họ có nề nếp lắm. Ngay cả người lao động Việt Nam ra nước ngoài cũng vậy. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hiện họ chưa có nề nếp gì cả hoặc có đi chăng nữa thì nếp sống của họ cũng chưa tới tầm! Đó chính là một trong những lý do khiến osin chưa thực sự trở thành một nghề được coi trọng tại Việt Nam dù thế giới này không thể thiếu osin được”.

(Theo VTC News)