Tại các cổng BV lớn như Việt Đức, Phụ sản TƯ, Mắt TƯ…người bệnh rất khổ sở khi phải tìm nơi gửi xe. Nhiều người đã phải bỏ khám bệnh vì đi cả nửa ngày không tìm được chỗ gửi

Nửa ngày đi gửi xe, nửa ngày đi khám bệnh

Đã hơn 10 giờ sáng, ngày 1/3/2012, trước cổng BV phụ sản TƯ nhưng chị Nguyễn Thị Lan, quê Hưng Yên vẫn chưa thể tìm được chỗ gửi xe để vào khám bệnh.
Cảnh hỗn loạn trước cổng BV phụ sản TƯ vì hết chỗ gửi xe

Vì không ở Hà Nội nên chị đã lên đây từ sớm, với hy vọng có thể khám bệnh sớm để đi về quê trong ngày. Nhưng khi nên đến nơi, chị phải đợi từ 8 giờ sáng đến hơn 10 giờ trưa mà vẫn chưa thể tìm được chỗ gửi xe để vào khám bệnh. “Bây giờ chị chưa biết bao giờ mới gửi được xe để vào khám bệnh nữa”.

Đó chỉ là một trong rất nhiều những trường hợp người đi khám chữa bệnh và người nhà bệnh nhân phải khốn khổ vì tìm chỗ gửi xe khi đi khám bệnh.

Trước đó, dù mới khoảng 8 giờ sáng, các bãi đỗ xe trong và ngoài BV phụ sản TƯ đều đã treo biển: “HẾT CHỖ GỬI XE”. Các bãi gửi xe trong và ngoài BV đều đã chật kín hết chỗ. Rất nhiều bệnh nhân và người nhà đến khám bệnh khi hỏi: “Còn chỗ gửi xe không chú, còn chỗ gửi xe không anh?...” thì đều nhận được câu trả lời: “Hết chỗ gửi rồi, ra ngoài đi”.

 Từ lúc đó, trước cổng BV xảy ra tình trạng hết sức nhốn nháo, rất đông bệnh nhân và người nhà vì không tìm được chỗ gửi xe nên đã đứng kín cả quãng đường trước cổng BV.

Lực lượng cảnh sát giao thông, dân phòng địa phương đã phải làm việc rất vất vả mới có thể giải tỏa được đám đông nhốn nháo này.

Nhiều người đã liên hệ với người quen, hay họ hàng để gửi nhờ xe trong nhà gần đó. Còn những người kiên trì hơn thì đứng đợi ở bãi gửi xe để hy vọng đến lượt mình.
Biển báo hết chỗ gửi xe tại BV phụ sản TƯ


Các bãi đỗ xe này đã chật kín chỗ, nên khi một chiếc trong bãi lấy ra thì người khác mới được gửi vào. Vì thế không ít người đã đứng xếp hàng đợi để mong sớm đến lượt mình. Đơn giản vì họ không còn biết gửi xe ở đâu nữa khi mà khu vực xung quanh đều đã không nhận trông xe nữa.

Nhiều người thì đã mang xe ra tận Bờ Hồ, hay những điểm gần Bờ Hồ, hoặc ra những tuyến phố khác xung quanh đó để gửi xe, rồi lại đi bộ vào BV. Còn nhiều gia đình khác thì cử một người ở ngoài trông xe, còn để người bệnh tự vào khám bệnh. “Như thế sẽ nhanh hơn, đỡ mất công chờ đợi, có khi đến tối không tìm được chỗ gửi xe.” – Bác Bùi Văn Linh, một người đưa người nhà đi khám bệnh tại BV phụ sản TƯ chia sẻ.

Những trường hợp như chị Lan, có lẽ phải đợi sang chiều, khi mà số người khám bệnh đã thưa hơn, mới có cơ hội để tìm được chỗ gửi xe để vào BV khám bệnh. Đúng như lời của chị than thở: “Đi khám bệnh thế này đúng là nửa ngày đi tìm chỗ gửi xe, nửa ngày đi khám bệnh!”.

Chấp nhận bị chặt, chém

Không chỉ ở BV phụ sản Trung Ương, mà cạnh đó, ở BV Mắt TƯ trên phố Bà Triệu, BV Việt Đức trên phố Phủ Doãn, cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Mặc dù hầu hết các các BV đều bố trí các bãi gửi xe phụ ở bên ngoài BV hoặc trên tuyến phố gần đó, nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu người đến khám chữa bệnh quá đông vào lúc cao điểm.

Xung  quanh các BV, những điểm đỗ xe trái phép được dịp nở rộ và hoạt động rầm rộ với những tiếng mời chào: “Bên này còn chỗ gửi xe này, gửi xe đi anh, trong BV hết chỗ gửi rồi, vào chỗ em đi…”
Biển báo hết chỗ gửi xe tại BV mắt TƯ

Vì vậy, đã xảy ra tình huống dở khóc dở cười khi tiền gửi xe đắt ngang ngửa với tiền đi khám chữa bệnh. Bác Nguyễn Văn Tuyên, vào BV mắt để khám bệnh, nhưng bác có bảo hiểm, nên cả tiền thuốc, tiền khám bệnh mất có hơn 100 nghìn. Nhưng tiền gửi xe bên ngoài của bác tại các ngõ ngách xung quanh BV đã mất đến 50 nghìn đồng.

Rất nhiều người đến khám bệnh đã chấp nhận bị chặt chém để được gửi xe vào khám bệnh cho sớm. Có những người vì đến muộn, dù đã chấp nhận bị chặt, chém bởi các bãi gửi xe trái phép nhưng vẫn không còn chỗ gửi. Vì các chỗ gửi xe này cũng đã hết chỗ.

Đặc biệt hơn, có người đã quyết định ra khám ở phòng khám tư nhân cạnh đó, chỉ vì các phòng khám tư nhân đó có chỗ gửi xe miễn phí cho người đến khám bệnh!

Anh Tuyên, một người chở xe ôm ở đây đã nhiều năm cho biết: “Ngày nào cũng vậy, cứ buổi sáng là hết chỗ gửi xe. Hôm nào cũng xảy ra tình trạng nhốn nháo, tranh nhau chỗ gửi. Chỉ đến chiều, thì các bãi gửi xe này mới thưa hơn”.

  • Vũ Viết Tuân