- Đi chợ tưởng là chuyện nhỏ hóa ra không nhỏ chút nào. Để mua được đồ tươi ngon, vừa giá mà không bị cân non trong thời buổi bão giá này, các bà nội trợ cũng phải "cân não".


Bói ra mới được vài hàng cân đủ!

"Đi chợ thời buổi này, bói ra mới được vài hàng cân đủ" là câu cửa miệng của những bà nội trợ khi được hỏi chuyện "cân đong đo đếm" ở chợ. Nạn cân điêu, bán thiếu ở chợ đâu cũng có. Nhất là trong thời buổi giá cả tăng vù vù, hàng hóa đắt đỏ như hiện nay, nạn cân non càng khiến các bà nội chợ bức xúc hơn bao giờ hết.

Chị Hà Hương (ngõ 337, Cầu Giấy) kể: "Ôi trời, điêu nhất vẫn là các bà hàng tôm hàng cá. Hôm trước vào chợ Nghĩa Tân mua 4 lạng tôm, lúc cân mình đã nói trước với bà bán hàng là "cân đủ, về thiếu là mang ra trả đấy". Thế mà mang về nhà cân lại bằng cân đồng hồ được có 3 lạng 7, hụt mất 3 hoa.

Cân điêu, bán thiếu là thủ thuật gian lận thường được các tiểu thương ở chợ sử dụng (Ảnh: La Hoàn - ảnh chỉ mang tính minh họa).
Hét giá 24 ngàn một lạng mình không mặc cả thì thôi lại còn bị cân điêu. Mình điên tiết quá mang ra nói cho bà ta biết. Thế mà bạn biết bà ta nói gì không, bà ta bảo là xách tôm ra khỏi hàng bà ta rồi bà ta không chịu trách nhiệm, trên đường đi có khi tôm nhảy ra khỏi túi nên mới bị hụt như vậy. Buồn cười cái trí tưởng tượng phong phú của bà ta, bực mà không làm gì được".

Ngoài cân điêu, ăn bớt hàng, tráo hàng cũng là thủ thuật gian lận thường được các tiểu thương ở chợ sử dụng.

Chị Nguyễn Thị Hoa (Nhân Mỹ, Mỹ Đình) nhớ lại vụ mua cá đau khổ của mình: "Có lần mình mua con cá trắm gần 2kg. Lười làm nên nhờ người bán hàng mổ và cắt khúc luôn. Lúc ở chợ rõ ràng nhìn thấy bà bán cá cắt làm 6 khúc, về nhà thế nào mà chỉ còn 5 khúc. Hôm sau ra nói bà bán hàng thì bà ấy bảo vội quá nên vơ sót. Biết là bà ta điêu toa mà không làm gì được. Chỉ nhớ mặt để lần sau cạch ra thôi".

"Bà bạn mình còn đau khổ hơn. Bà ấy mua 2 dẻ sườn và nhờ bà bán hàng chặt hộ luôn. Bà ta bỏ xuống thớt ở dưới nền đất đề chặt, bà bạn mình chủ quan không kiểm tra hàng trước khi về. Về đến nhà mở ra thì toàn xương cục, chỉ có 4 miếng sườn", chị Hoa nói thêm.

Đi chợ cũng phải "găng tơ"

Đã có gan cân điêu, hầu như tiểu thương nào cũng "già mồm" khi khách phát hiện và mang hàng trả lại. Có những khách bị cân điêu, đem hàng trả lại còn bị bà bán hàng chửi cho tơi tả.

Chị Thu Lan (ngõ Phủ, Nguyễn Phong Sắc) cho biết, nhiều khi đi chợ cũng phải "găng - tơ" một chút thì mới không bị người bán hàng "phủ đầu".

Chị Lan kể: "Có lần sáng sớm đi mua hoa quả, mình cũng biết ý chưa ai mở hàng nên bảo bà bán hàng là em không mặc cả, chị nhớ cân đủ cho em. Cân xong 2kg nho thấy ít ít, mình xách luôn sang hàng gạo cạnh đó cân nhờ, được có 1,8kg đuối. Điên quá mình trả lại không thèm lấy nữa.

Bà ta lầm bẩm một lúc rồi vào nhà lấy lửa ra đốt vía. Mình mới bảo bà ta là "chị còn lửa không cho em xin ít, em đốt vía chị với". Bà ta tím mặt bỏ vào trong nhà".

Đi chợ nên chọn hàng quen để mua (Ảnh: La Hoàn)
Nhưng không phải ai cũng đủ dũng khí "bốp chát" với những bà hàng tôm hàng cá. Rút kinh nghiệm sau vài lần bị cân điêu, chị Nguyễn Thị Hoa lại có những mẹo nhỏ khéo léo đối phó với nạn cân non này.

Chị Hoa chia sẻ: "Dọa lôi cân ra cân lại không ăn thua đâu. Gân cổ lên cãi thì mình không nói lại với bà hàng tôm hàng cá. Chỉ còn cách khéo léo và tinh mắt nhìn ra tiểu xảo của họ để tránh bị cân điêu thôi.

Kinh nghiệm của mình là đi chợ thì mua hàng quen, hạn chế mua hàng lạ, đặc biệt là "cạch" hàng rong. Nếu người bán hàng bỏ đĩa cân ra khỏi cân, sau đó lại cho hàng vào đĩa và đặt lên cân cùng, thì mình yêu cầu họ bỏ hàng ra và cân thử đĩa không xem kim có bị vượt quá vạch không, cân đĩa ở những hàng này thì chưa đặt đĩa lên cân đã về 0 rồi. Với những đồ nào mà mình nhờ họ sơ chế, khi nhận hàng phải kiểm tra lại để tránh bị ăn bớt, đổi hàng".

Chị Hà Hương cũng rút được kinh nghiệm sau lần bị bà hàng tôm cân điêu: "Có lần mình mua thịt, về cân lại thấy thiếu. Mình không bù lu bù loa lên nữa. Hôm sau ra nói nhỏ với người bán hàng là miếng thịt hôm trước chị cân nhầm hay thế nào mà chỉ có... từng này từng này.... Từ đó trở đi mình mua hàng là chị ta cân đủ".

Theo tìm hiểu của PV, để phụ vụ cho việc "cân điêu bán đắt" nhiều người bán luôn "thủ" 2 cái cân. 1 cái cân đúng dành cho người không mặc cả nhiều, người quen và những người có "máu mặt" họ không dám ăn bớt. Còn một cái cân điêu thì giá nào cũng bán dành cho những "con gà" nhìn mặt "non non" và những người "cò kè bớt một thêm hai".

Khi bị phóng viên "bóc mẽ" hai cái cân này, bà bán xoài tại chợ Nhà Xanh, Cầu Giấy nhanh miệng bào chữa: "Chúng nó chỉ thích mua rẻ chứ không chịu mua đúng giá, nếu cân đúng thì cô lãi vào đâu. Chứ nếu ai cũng không mặc cả như cháu thì cô cân đủ ngay".

La Hoàn